Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Cơ hội để doanh nghiệp trưởng thành hơn

Vneconomy 1 Tháng trước

Theo Bộ Công Thương, các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ cao trở thành đối tượng bị một số quốc gia tiến hành điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, bao gồm: kim loại và các sản phẩm kim loại (như sản phẩm thép, sản phẩm nhôm, sản phẩm đồng), ngành cao su và chất dẻo, ngành hóa chất, ngành vật liệu xây dựng...

Sản phẩm thép Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, như khu vực ASEAN (26%), EU (25%), Hoa Kỳ (15%), Đài Loan (Trung Quốc) (4%)… và các quốc gia khác. Ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, trong hơn thập kỷ qua ngành thép cũng phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ đến từ các vụ việc về phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu.

Kể từ vụ việc đầu tiên năm 2004 đến tháng 8/2024, có 78 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại liên quan đến ngành thép, chiếm khoảng hơn 30% số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Trong đó, kiện chống bán phá giá 45 vụ, kiện chống trợ cấp 4 vụ, kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp 7 vụ; kiện điều tra áp dụng biện pháp tự vệ 13 vụ; kiện chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại 9 vụ.

Tính theo quốc gia áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, Hoa Kỳ cao nhất với 18 vụ, Malaysia 9 vụ, Canada 8 vụ, Thái Lan 7 vụ, Ấn Độ 5 vụ, EU và Indonesia có số vụ bằng nhau là 4 vụ, Mexico 3 vụ…

Đối với ngành nhôm, ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, cho biết trước xu hướng hội nhập đa phương, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp bảo hộ sản xuất. Do đó, ngành nhôm liên tiếp phải đối mặt với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, nhất là tại thị trường Hoa Kỳ.

TRONG RỦI RO CÓ CƠ HỘI

Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất nhôm lớn nhất thế giới, chiếm tới 60% tổng sản lượng nhôm toàn cầu. Điều này khiến cho các quốc gia phương Tây liên tiếp phải sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại nhằm hạn chế sức cạnh tranh của nhôm Trung Quốc. Để bật ra khỏi “vòng kim cô” đó, khoảng 3-4 năm qua, các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm từ nhôm tại Việt Nam, đẩy các đơn hàng gia công sang nước ta để lấy xuất xứ Việt Nam nhằm “né” thuế phòng vệ thương mại mà nhiều nước đang áp dụng đối với nhôm Trung Quốc, trong đó có cả thuế chống bán phá giá của Việt Nam vừa được gia hạn ngày 23/9/2024.

“Sự gia tăng sản lượng xuất khẩu từ Việt Nam khiến cho ngành sản xuất nhôm Việt Nam phải đối mặt ngày càng nhiều các vụ điều tra phòng vệ thương mại, gây tốn kém công sức, tiền của của doanh nghiệp và Nhà nước”, ông Kế nhấn mạnh.

Với ngành thủy sản, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết thủy sản Việt Nam xuất khẩu tới 170 quốc gia trên thế giới, nhưng mới chịu sự điều tra chống bán phá giá và trợ cấp từ phía Hoa Kỳ và chủ yếu là các sản phẩm tôm. Song, mặt tích cực của các vụ kiện chính là sự trưởng thành của các doanh nghiệp thủy sản thông qua hơn 20 năm “sống cùng với lũ”. Tám tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản vào Hoa Kỳ vẫn tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023, bất chấp các vụ kiện, đặc biệt vụ kiện kép với ngành tôm liên quan trợ cấp và chống bán phá giá.

Tương tự, xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ tháng 8/2024 đạt 35 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này không chỉ nhờ vào nhu cầu tăng, mà còn do chương trình đấu thầu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, mở rộng cơ hội cho cá thịt trắng như cá tra Việt Nam.

Bên cạnh đó, cuộc điều tra chống bán phá giá đối với cá tra từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) cũng đã mang lại tin vui khi các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam được xác định không vi phạm, giúp họ tránh được thuế chống bán phá giá. Đây là bước ngoặt quan trọng sau hai thập kỷ đối mặt với các rào cản thương mại từ thị trường Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam, cho biết hiện có một số sản phẩm lốp xe ô tô (lốp bán thép) của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ bị áp thuế chống trợ cấp với mức 6,46%, còn Hàn Quốc là 14,2%, Đài Loan (Trung Quốc) 20,4%, Thái Lan 14,62%... Trong khi đó, đây là mặt hàng xuất khẩu chiếm doanh thu lớn của công ty (40 triệu USD). Điều này vừa tiềm ẩn rủi ro, vừa mang lại cơ hội cho doanh nghiệp, bởi nếu so sánh với biểu thuế các nước cũng bị áp thuế thì Việt Nam thấp hơn, nên có lợi thế hơn so với các quốc gia khác.

CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ HIỆU QUẢ HƠN

Theo bà Lan, qua quá trình ứng phó với các vụ kiện chống trợ cấp và chống bán phá giá, kinh nghiệm rút ra là doanh nghiệp cần chuẩn bị các dữ liệu đầy đủ, hệ thống hồ sơ rõ ràng, lưu giữ xuyên suốt qua các năm. Đồng thời tích cực tham gia, phối hợp với Hiệp hội, Chính phủ và cơ quan điều tra trong suốt đợt điều tra và nên sử dụng chung 1 công ty tư vấn pháp lý. Thông thường DOC sẽ chọn từ 2-3 doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ từ cao đến thấp để trả lời bắt buộc.

“Trong cuộc điều tra chống trợ cấp, Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng, vì vậy, Chính phủ và các doanh nghiệp cần phải phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau. Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị quỹ riêng trong việc tham gia các vụ điều tra. Đặc biệt đối với vụ điều tra, cần sự thống nhất và đoàn kết của các doanh nghiệp trong suốt quá trình tham gia vụ kiện”, bà Lan nhấn mạnh.

Bà Lan cũng lưu ý trong vụ kiện chống bán phá giá cá tra, mức thuế trong các đợt rà soát hành chính gần đây, nhiều doanh nghiệp được hưởng mức thuế bằng 0%. Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sẽ tiềm ẩn rủi ro cạnh tranh không lành mạnh, như hạ giá bán dẫn đến mức thuế tăng, cũng như chất lượng sản phẩm không đảm bảo gây ảnh hưởng đến hình ảnh của sản phẩm cá tra và xa hơn nữa là mất thị trường.

Mặt khác, ngày càng có thêm nhiều nguyên đơn tham gia vào vụ kiện chống bán phá giá sẽ làm cho vụ kiện ngày càng phức tạp hơn. Do đó, các doanh nghiệp cần đoàn kết để tiếp tục phát triển bền vững cũng như vượt qua các thách thức của thị trường Hoa Kỳ.

Sau một thời gian đối mặt với nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, ông Thái cho biết Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp thép đã từng bước chuyên nghiệp hóa, đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra các nước cùng với sự chuẩn bị kỹ càng trong nội tại doanh nghiệp, nhiều vụ việc đã có được kết quả đáng ghi nhận...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 41-2024 phát hành ngày 07/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Cơ hội để doanh nghiệp trưởng thành hơn - Ảnh 1
Xem bản gốc