70 năm qua, kể từ sau Ngày Giải phóng (10-10-1954), Thủ đô Hà Nội đã có những bước phát triển đột phá, linh hoạt, sáng tạo, trong đó có công tác quy hoạch, xây dựng chính quyền đô thị, đầu tư kết cấu hạ tầng và hệ thống văn bản pháp luật...
Nhận diện kết quả đạt được cũng như những mặt tồn tại, thách thức, bài học kinh nghiệm của từng vấn đề tác động đến phát triển bền vững là cần thiết, để từ đó có giải pháp hiệu quả, tạo ra động lực phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới.
Đô thị Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Nguyễn Quang |
Thành tựu đáng kể về lượng và chất
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, năm 1954, hòa bình lập lại, chúng ta tiếp quản Thủ đô Hà Nội - một thành phố tiêu thụ, công nghiệp nhỏ bé không đáng kể, hạ tầng xã hội, các công trình dịch vụ văn hóa nghèo nàn chỉ đáp ứng được cho lớp người giàu và giai cấp thống trị... 70 năm đã qua, so với lịch sử thì không phải là dài, song những thành tựu mà Thủ đô đạt được trong công cuộc đô thị hóa là rất đáng kể cả về lượng và chất, cả về quy mô, tầm vóc và diện mạo.
Trong suốt 70 năm qua, công tác quy hoạch luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cả nước và thành phố Hà Nội quan tâm. Kết quả về công tác quy hoạch của thành phố được đánh giá là nổi trội, đồng bộ và khoa học. Đến nay, Hà Nội đã có 7 lần quy hoạch chung được duyệt.
Từ những tồn tại trong phát triển đô thị và để tạo điều kiện Hà Nội xứng tầm là Thủ đô của cả nước, Quốc hội khóa XIII đã có nghị quyết về điều chỉnh địa giới Hà Nội (tháng 8-2008). Việc hợp nhất Hà Nội, Hà Tây, 4 xã của tỉnh Hòa Bình và huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc đã nâng quy mô diện tích Thủ đô Hà Nội từ 924km² lên 3.344km².
Sau hơn 2 năm nghiên cứu, với sự tham gia, đóng góp ý kiến, phản biện xã hội và thẩm định của cơ quan chuyên môn, của chuyên gia các ngành, lĩnh vực, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050. Mục tiêu được đặt ra là xây dựng Hà Nội trở thành thành phố "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế, có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao, có cơ hội đầu tư thuận lợi...
Mô hình phát triển không gian được định hình là chùm đô thị, gồm khu vực trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn sinh thái. Đô thị trung tâm bao gồm khu vực nội đô lịch sử (khu vực nam sông Hồng đến đường Vành đai 2) và khu phát triển tới đường Vành đai 4. Phân cách với đô thị vệ tinh, thị trấn là hành lang xanh (gồm cả diện tích mặt nước, chiếm 58% diện tích tự nhiên).
Để tạo điều kiện cho Thủ đô Hà Nội phát triển, Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô 2012 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2013). Trong đó, về quy hoạch xây dựng và quản lý quy hoạch, Luật đề ra chính sách đặc thù cho Thủ đô (thể hiện từ Điều 8 đến Điều 21). Và, để cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU ngày 08-11-2011 về "Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị thành phố”.
Từ đó, khối lượng lớn các đồ án quy hoạch đô thị và nông thôn đã được phê duyệt, bao gồm: 20 quy hoạch kinh tế - xã hội, 76 quy hoạch ngành, 31 quy hoạch sử dụng đất, 57 quy hoạch đô thị và hơn 400 quy hoạch nông thôn mới. Chất lượng quy hoạch đã được nâng cao so với trước đây, được tổ chức thẩm định chặt chẽ, huy động được trí tuệ của giới khoa học và nhân dân.
Động lực phát triển mới
Quá trình thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt năm 2011 đến nay cho thấy rằng, cần có chính sách đặc thù cho Hà Nội. Luật Thủ đô 2012 đã được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và đã được Quốc hội thông qua vào tháng 8-2024. Trong bối cảnh như trên, việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết. Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch 2017 đòi hỏi phải lập quy hoạch tích hợp, Chính phủ đã có Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 16-6-2023 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7-3-2022 phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Đây là thời cơ để phát triển Thủ đô xứng tầm trong giai đoạn mới. Hai đồ án quy hoạch nêu trên đã được nghiên cứu nghiêm túc, công phu, khoa học, có sự tham gia của Chính phủ, các bộ, ngành, nhân dân Thủ đô và cả nước; được Quốc hội, Bộ Chính trị thông qua và đang hoàn thiện để phê duyệt.
Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đề ra 8 nhiệm vụ phát triển Thủ đô, trong đó Nghị quyết định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông, tăng tỷ trọng đất đô thị, xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô.
Quá trình phát triển đô thị Hà Nội đều ghi nhận vị thế của không gian sông Hồng. Qua 7 lần lập quy hoạch chung Hà Nội (từ năm 1954 đến nay), sông Hồng đều được đề cập, với tầm vóc, vị thế riêng. Nếu các lần quy hoạch trước, không gian sông Hồng là không gian cảnh quan nhưng ở vị thế vùng biên nội đô, thì đến quy hoạch được duyệt năm 2011, sông Hồng đã được nâng tầm thành trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô.
Do vậy, việc UBND thành phố Hà Nội đẩy mạnh công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch, sớm phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có thể xem là bước đột phá về quy hoạch và cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, đáp ứng sự chờ đợi của người dân trong hàng chục năm qua. Việc Thành ủy Hà Nội quyết tâm đẩy mạnh thẩm tra để phê duyệt quy hoạch phân khu này, không chỉ thể hiện sự quyết liệt trong giải quyết tồn tại, mà còn cho thấy mong muốn khai thác tiềm năng của Thủ đô, xây dựng thể chế trong quản lý phát triển Thủ đô trong thời gian tới.
Những định hướng, giải pháp cụ thể được nêu trong quy hoạch sẽ góp phần để mục tiêu phát triển Thủ đô đến năm 2030 là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", là trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực... trở thành hiện thực.
Hà Nội đang vươn lên tầm cao mới để xứng đáng với vai trò Thủ đô, mong muốn của nhân dân Thủ đô, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam