Sự phục hồi của bất động sản cũng như đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đã vực dậy ngành Xây dựng và vật liệu sau một năm 2023 tăng trưởng âm. Trong đó, nổi bật hơn cả là nhóm ngành Nhựa và Xây dựng. Lợi nhuận toàn ngành đạt 22% trong quý 3 vừa qua, tăng trưởng chậm lại so với đầu năm do không còn hiệu ứng nền thấp. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này tương đương với mức bình quân trong giai đoạn trước đó.
Trên thị trường chứng khoán, sau một năm “làm mưa làm gió”, cổ phiếu nhóm đầu tư công mờ nhạt trong suốt cả năm 2024. Tính từ đầu năm tới nay, thị giá VCG giảm 22,6%; HHV giảm 24%; C4G giảm 33%…
CỔ PHIẾU ĐẦU TƯ CÔNG BỊ "BỎ QUÊN"
Nhận định về đà giảm của cổ phiếu nhóm này trong thời gian qua, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, có nhiều yếu tố tác động đến nhóm cổ phiếu đầu tư công.
Yếu tố quan trọng tác động đến nhóm doanh nghiệp đầu tư công là câu chuyện giải phóng mặt bằng chậm và giải ngân vốn chậm. Công tác giải phóng mặt bằng ở một số dự án bị chậm do vấn đề bồi thường, nhiều dự án đối mặt với nguy cơ giá vốn bị đẩy lên cao so với giá dự toán do tiền bồi thường không còn như trước. Ngoài ra, thời điểm cuối năm 2023, nhiều dự án bị tồn đọng hồ sơ đến nay chưa được giải quyết. Vấn đề thanh, kiểm tra các dự án thời gian qua cũng ảnh hưởng đến việc triển khai dự án, vì chủ đầu tư thận trọng hơn.
Trong khi đó, cổ phiếu đầu tư công chỉ dành cho nhà đầu tư tài chính, họ sẽ vào khi có “sóng” và ra khi giá đạt mục tiêu; còn nhà đầu tư tích sản, đầu tư hưởng cổ tức lại không ưa thích loại cổ phiếu này, vì các chỉ số về khả năng sinh lời của doanh nghiệp không cao.
Tính đến hết tháng 11/2024, giá trị giải ngân đầu tư công cả nước đạt 410,9 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 60,43% kế hoạch năm. Đến hết tháng 9, cả nước còn 326 dự án giải ngân dưới 30% kế hoạch trong đó có 5 dự án trọng điểm quốc gia, ngoài ra có tới 82 dự án chưa giải ngân, điều này cho thấy tốc độ giải ngân đầu tư công trong năm 2024 đang rất chậm.
Chứng khoán Rồng Việt cho rằng với hành động quyết liệt tính pháp lý cụ thể và phân cấp mạnh mẽ hơn khi luật đầu tư công sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 là những điểm nhấn để giá trị giải ngân tăng tốt trong năm tới. Hơn nữa, năm 2025 là một năm đặc biệt khi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của cả nước, hay cũng là năm cuối của nhiệm kỳ, đây được coi là năm mà những quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị cả nước sẽ được đẩy lên cao.
Điều này cũng phù hợp với định hướng ở Nghị quyết 158 phải đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2025. Trong đó mục tiêu cụ thể là GDP tăng trưởng từ 6,5% - 7% và phấn đấu đạt 7,0%-7,5%. Vì vậy, việc giải ngân đầu tư công được ưu tiên thúc đẩy cao.
SỚM TRỞ LẠI VÀ "LỢI HẠI" HƠN XƯA
Nhận định về triển vọng cổ phiếu đầu tư công trong thời gian tới, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường chứng khoán của VPBankS, cho rằng kể từ đầu năm tới nay, nhóm đầu tư công nằm trong downtrend như HHV, CII, C4G… Diễn biến đầu tư công trong nửa đầu năm tương đối chậm chỉ khoảng 40%, đến gần đây lên được 60% dù Chính phủ có sự đốc thúc mạnh. Dù vậy, đầu tư công vẫn là key cho sự phát triển của nền kinh tế năm sau.
Nếu đầu tư công đi đầu trong việc phát triển hạ tầng sẽ giúp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đặc biệt là khi ông Trump lên với các chính sách thuế quan đối với Trung Quốc có thể khiến làn sóng chuyển dịch nhà máy vào năm sau. Việt Nam đẩy mạnh được đầu tư công thì sẽ đón được làn sóng này.
"Nhóm cổ phiếu đầu tư công đang được xây nền ở vùng giá thấp cũng là điều tích cực. Tôi cho rằng cổ phiếu đầu tư công có thể tích cực trở lại sau khi cả năm vừa qua đã bị dòng tiền bỏ quên", ông Sơn kỳ vọng.
Ông Nguyễn Quang Đạt, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Up (UPS) đồng quan điểm khi cho rằng hiện nay chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, và các khu công nghiệp mới. Cùng với đó, nhu cầu phát triển đô thị và hạ tầng giao thông ở các thành phố lớn đang thúc đẩy mạnh ngành xây dựng.
Chính vì vậy, ngành xây dựng dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 9-11% trong quý IV, nhờ vào sự tăng cường giải ngân đầu tư công và sự hoàn thiện của các dự án hạ tầng lớn.
Ngành tiềm năng trong thời gian tới là các ngành liên quan đến việc thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, đó là ngành xây dựng và các cổ phiếu thuộc nhóm ngành thép. Đây là ngành đã bị ảnh hưởng rất lớn về mặt lợi nhuận trong năm 2023 và đầu 2024. Hiện, nhóm ngành này đã có sự tăng trưởng trở lại về mặt lợi nhuận và tôi đánh giá là trong quý IV/2024, cũng như quý I/2025 sẽ có tốc độ tăng trưởng hấp dẫn và đáng lưu ý.
Chứng khoán KBSV nhận định giai đoạn giải ngân cao điểm cuối năm cùng thông tin 2 siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam và nhà máy điện hạt nhân được thông qua là yếu tố hỗ trợ nhóm cổ phiếu đầu tư công.
Chứng khoán Rồng Việt khuyến nghị mua cổ phiếu VCG tiềm năng tăng giá 29%. VLB tiềm năng tăng giá 11%.