Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Cổ phiếu HVN bùng nổ, ngành hàng không còn bay cao nữa?

Vneconomy 3 Tuần trước

Thị trường trong nước đã cho thấy tâm lý tích cực hơn so với thế giới. Chẳng hạn phiên giao dịch hôm qua chứng khoán Mỹ bị bán tháo rớt mạnh thì Vn-Index chỉ giảm hơn 11 điểm. Đến phiên hôm nay Mỹ chững đà giảm thì chỉ số ghi nhận hồi phục tăng 2,83 điểm về vùng giá 1.257 điểm với độ rộng đẹp hơn 238 mã tăng trên 149 mã giảm.

Nhóm vốn hóa nhỏ hôm nay thể hiện xuất sắc đặc biệt ở nhóm vận tải như HVN, MVN, VOS bật tăng hết biên độ, ACV cũng tăng mạnh 4,38%.

Riêng cổ phiếu HVN đóng cửa ghi nhận mức tăng 6,9% lên mức 29.300 đồng/cổ phiếu, mức giá cao nhất trong hơn 4 tháng với thanh khoản bùng nổ khớp lện 6,5 triệu đơn vị, gấp gần 3 lần khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây của HVN và kết phiên dư mua trần hơn 1,77 triệu đơn vị.

Trong thời gian gần đây, Vietnam Airlines đã đón một loạt thông tin tích cực. Trước đó, ngày 30/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép hãng hàng không này được chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.000 tỷ đồng.

Quốc hội cũng cho phép Công ty CP Hàng không Pacific Airlines - công ty con của Vietnam Airlines, được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuế đến hết ngày 31/12/2024. Sau thời hạn này, cơ quan thuế tính tiền chậm nộp, đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế đúng quy định với hãng bay giá rẻ này.

Về tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines trong năm 2024 cũng khả quan trở lại với kết quả 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận 85.466 tỷ đồng tổng doanh thu hợp nhất, tăng trưởng hơn 24,64% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 6.263 tỷ đồng.

Báo cáo tại một hội nghị mới đây, Vietnam Airlines cho biết cả năm 2024 hãng ghi nhận doanh thu 113.577 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch năm. Đây cũng là con số doanh thu cao nhất của hãng hàng không này kể từ khi niêm yết. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 6.264 tỷ đồng, vượt 38,5% kế hoạch năm; nộp ngân sách hơn 2.900 tỷ đồng, vượt 100% kế hoạch. Với kết quả này, Vietnam Airlines đã chấm dứt chuỗi thua lỗ 4 năm liên tiếp.

Nhìn dài hạn, cổ phiếu HVN nói riêng và ngành hàng không nói chung được kỳ vọng tích cực trong thời gian tới nhờ ba động lực chính.

Thứ nhất, triển vọng giá dầu. Phiên hôm nay, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,51 USD/thùng, tương đương giảm 0,69%, chốt ở mức 72,88 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,67 USD/thùng, tương đương giảm 0,95%, còn 69,91 USD/thùng. “Việc Fed có thể hạ lãi suất chậm lại trong năm 2025 đang khiến thị trường dầu thô phải điều chỉnh kỳ vọng”, nhà phân tích Alex Hodes của công ty môi giới StoneX nhận định.

Theo các dự báo, cung - cầu chịu áp lực giảm tương đối mạnh. Dự báo giá dầu 74-80 USD cho dầu brent, giá có thể chịu áp lực giảm. Chính sách năng lượng dưới nhiệm kỳ tổng thống Trump nước Mỹ có thể tăng sản lượng cung lên đáng kể. Tổng lượng cung khí đốt tăng lên ở Bắc Mỹ, nên khó đoán định nguồn cung từ Mỹ và Nga.

Thứ hai, nhu cầu du lịch và vận chuyển hàng hóa tiếp tục hồi phục. Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tổng lượng khách quốc tế trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt 15.836.661 triệu lượt, tăng 41,0% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11/2024 đạt 1,7 triệu lượt, cao nhất từ đầu năm đến nay, tăng 20,5% so với tháng 10/2024 và tăng 38,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng đầu năm 2024 ước khoảng 758 nghìn tỷ đồng.

Khách đến bằng đường hàng không chiếm số lượng lớn nhất, với hơn 1,4 triệu lượt, tiếp đến là đường bộ với hơn 277.000 lượt và đường biển 32.000 lượt. Trong khi đó, lượng khách du lịch nội địa tháng 11/2024 ước khoảng 4,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3,0 triệu lượt khách có lưu trú. Lũy kế lượng khách du lịch nội địa 11 tháng đầu năm 2024 ước khoảng 105,0 triệu lượt.

Thứ ba, tăng trần giá vé máy bay nội địa. Thông tư 34 của Bộ Giao thông Vận tải bổ sung một số điều của Thông tư 17 về việc điều chỉnh tăng giá trần vé máy bay, có hiệu lực từ 01/03/2024.

Giá trần áp dụng cho hành khách hạng phổ thông cơ bản chưa bao gồm: Thuế VAT; Các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách cũng như dịch vụ bảo đảm an ninh như giá phục vụ hành khách, giá bảo đảm an ninh, hành lý; Khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm.

Thông tư tạo điều kiện cho các hãng hàng không bù đắp các chi phí đầu vào đặc biệt là giá nhiên liệu. Điều này cũng giúp cho các hãng bay có dư địa điều chỉnh giá vé trên các đường bay nội địa. Tuy nhiên, các hàng không sẽ phải cân đối giá vé để bảo đảm hiệu quả hoạt động cũng như quyền lợi khách hàng. Do đó, giá vé vẫn sẽ tuân theo cơ chế thị trường.

Xem bản gốc