Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Cổ phiếu nhóm nào đang có định giá hấp dẫn nhất trên thị trường?

Vneconomy 1 Tuần trước

ABS vừa có báo cáo cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán năm 2025 với kỳ vọng trong bối cảnh lãi suất thấp kỷ lục và không có nhiều các kênh đầu tư thay thế, dự kiến dòng tiền nội sẽ tham gia tích cực vào thị trường chứng khoán năm 2025 nhờ hàng loạt yếu tố hấp dẫn.

Theo đó, VN-Index đã có nhịp hồi phục từ tháng 10/2023 sang Q2/2024, trước khi chuyển sang đi ngang cho đến cuối năm. VN-Index kết năm 2024 với P/E 2024F ở mức 13,42x, thấp hơn P/E 2023 ở mức 13,93x, nhờ tăng trưởng lợi nhuận tích cực của các doanh nghiệp. Mức định giá này thấp hơn một chút mức P/E bình quân 3 năm qua ở mức 13,6x.

Xét theo các nhóm cổ phiếu, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang có định giá hấp dẫn nhất ở mức P/E 12,16x, thấp hơn 4,3% trung bình 3 năm và thấp hơn 9,4% bình quân toàn thị trường. Ngược lại, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình đang có định giá P/E cao nhất, cao hơn bình quân thị trường và trung bình 3 năm của nhóm. Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ đã sụt giảm -30% trong năm, về mức bình quân.

Mức lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm hiện tại phổ biến trong khoảng 4,6- 5.4%/năm, tương đương P/E 18,5-21,7x, cao hơn mức định giá của VN-Index. Ngoài ra, xu hướng lãi suất dự kiến sẽ chưa tăng mạnh trong ít nhất nửa đầu năm 2025 do nhu cầu tín dụng chưa hồi phục ngay. Với việc tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp dự kiến cải thiện trong 2025, kênh gửi tiền tiết kiệm sẽ càng sinh lời kém hơn so với đầu tư cổ phiếu.

Luật Chứng khoán vừa được sửa đổi với một số điều khoản có hiệu lực thi hành là ngày 1/1/2026. Dự báo năm 2025 sẽ có thêm nhiều trái phiếu doanh nghiệp có thể được chào bán cho công chúng đầu tư. 

Thị trường bất động sản hiện tại chưa thu hút nhà đầu tư cá nhân do một lượng vốn lớn đọng ở bất động sản, mặt bằng giá cao và tín dụng bất động sản chưa được khơi thông. Với các bộ luật mới đi vào thực tiễn, nguồn cung căn hộ sẽ cải thiện trong khi chi phí phát triển quỹ đất sẽ tăng mạnh khiến dư địa tăng giá phân khúc này sẽ hạn chế. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sẽ phải giảm giá bán bất động sản để nhanh chóng cải thiện dòng tiền trước kỳ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm 2025, có thể lượng cung bất động sản thứ cấp tăng cao.

Lãi suất toàn cầu dự báo giảm dần cộng với việc các bất ổn địa chính trị vẫn còn kéo dài, vàng vẫn là kênh đầu tư thu hút vốn nhà đầu tư cá nhân trong năm 2025. Thị trường tiền kỹ thuật số đã tăng giá quá mạnh cuối 2024 và hiện đang không còn ở vùng giá an toàn cho nhà đầu tư mua mới.

ABS cũng dự báo dòng vốn ngoại đầu tư gián tiếp vào thị trường Việt Nam sẽ cải thiện mạnh mẽ, nhất là vào nửa cuối năm 2025. Cụ thể, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, VN-Index hiện đang giao dịch với P/B cao hơn trung bình nhưng P/E lại thấp hơn trung bình. Điều đó phản ánh thực tế hiệu suất sử dụng vốn ROE của VN-Index cao nhất trong khu vực, trong khi triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của VN-Index vẫn ở mức tích cực.

Năm 2025, Mỹ và EU sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong khi đó, Trung Quốc đã và đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, tăng cung tiền. Chênh lệch lãi suất giữa USD và VND sẽ được thu hẹp dần.

Các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam và vận hành hệ thống giao dịch KRX là yếu tố hấp dẫn dòng tiền nhanh từ các quỹ ETF trong ngắn hạn. Triển vọng Việt Nam được FTSE nâng hạng lên “Thị trường mới nổi” trong kỳ xem xét tháng 9/2025 sẽ khiến thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại.

ABS dự báo VN-Index năm 2025 tăng vượt đỉnh năm 2024 và hướng tới mục tiêu 1.345 - 1.358 và 1.370-1.397 điểm trong kịch bản chủ đạo. Mức định giá được nâng lên nhờ vào sự cải thiện của cả kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và dòng tiền thị trường, trên nền mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp và dòng vốn ngoại quay trở lại trước viễn cảnh Việt Nam được FTSE nâng hạng lên Thị trường mới nổi.

Mặc dù thị trường tăng điểm nhưng dòng tiền vào thị trường chứng khoán vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực từ các thị trường tài sản khác với thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang hồi phục, thị trường vàng vẫn còn nhiều cơ hội, lãi suất tiết kiệm tăng, sức ép từ tỷ giá tăng lên...

Do đó, mốc xác nhận thị trường bứt phá biên đi ngang, vào pha tăng trung hạn khi VN-Index kết nến tuần/ nến tháng trên mốc 1310+/- điểm, với thanh khoản giao dịch bình quân/phiên trên 25 ngàn tỷ đồng trong tuần gần nhất. Mốc hỗ trợ của kịch bản này là 1198 điểm.

Xem bản gốc