Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Cơn đau đầu của Foxconn: Chi hàng triệu USD chuyển ra ngoài Trung Quốc nhưng không nhà máy mới nào xứng tầm, mô hình tỷ USD không dễ sao chép

Markettimes 2 Tuần trước

Tháng trước, nhà sản xuất thiết bị điện tử khổng lồ Foxconn đã chi 33 triệu USD mua một khu đất rộng 10 mẫu Anh ở phía bắc Houston, Mỹ. Mục đích nhằm mở rộng hoạt động. Công ty cũng đang cho xây dựng các nhà máy ở Ấn Độ và Mexico, đồng thời đầu tư hàng trăm triệu USD vào Thái Lan, theo The NY Times. 

Foxconn sản xuất một phần đáng kể các thiết bị điện tử tiêu dùng trên khắp thế giới tại các nhà máy miền trung Trung Quốc. Công ty đã lắp ráp iPhone cho Apple trong một khoảng thời gian dài, thậm chí sản xuất gần một nửa số máy chủ máy tính cung cấp năng lượng cho các hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Trong hai năm qua, Foxconn chi hàng triệu USD để mở rộng quy mô bành trướng, cũng nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tổng thống đắc cử Donald J. Trump trước đó đã tuyên bố áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Foxconn đã chuẩn bị cho khả năng này trong nhiều năm.

Young Liu, chủ tịch Foxconn, gần đây cho biết dấu ấn toàn cầu sẽ giúp công ty tránh được các mức thuế dự kiến ​​của ông Trump. “Tác động đối với chúng tôi có thể nhỏ hơn so với các đối thủ cạnh tranh”, ông Liu nói.

Khu đất Texas, nằm cạnh một nhà kho Foxconn hiện có, sẽ được sử dụng cho hoạt động kinh doanh trí tuệ nhân tạo của công ty. Foxconn đã chi hàng trăm triệu USD cho đất đai và thiết bị nhà máy sản xuất iPhone ở Bangalore và Tamil Nadu tại Ấn Độ. Vào ngày 11 tháng 12, chính phủ Thái Lan cũng chấp thuận khoản đầu tư 300 triệu USD của một công ty con Foxconn để sản xuất linh kiện và thiết bị.

Động thái của Foxconn cho thấy cách các công ty đa quốc gia cố gắng tái cấu trúc chuỗi cung ứng và di dời hoạt động sản xuất trong những năm kể từ khi ông Trump phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Các nhà sản xuất hy vọng rằng việc sản xuất nhiều hơn ở phần còn lại của thế giới sẽ giúp giảm bớt sự khó chịu từ các chính sách thuế. 

Tuy nhiên, sẽ không dễ dàng để Foxconn sao chép mô hình sản xuất của mình bên ngoài đại lục, nơi công ty đã được hưởng lợi từ nhiều năm đầu tư cơ sở hạ tầng do chính phủ hậu thuẫn. Trước đây, Foxconn đã đầu tư vào các nhà máy nhỏ hơn nhưng không đâu có thể sánh bằng tầm quan trọng như các nhà máy khổng lồ tại Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại đã tạo ra những rủi ro mới cho các công ty như Foxconn vốn phụ thuộc nhiều vào hoạt động sản xuất tại đại lục. Các lệnh phong tỏa khắc nghiệt do đại dịch trước đó đã làm gia tăng thêm mối lo ngại trong số các khách hàng của công ty, chẳng hạn như Apple.

Giờ đây, mức thuế mà ông Trump hứa hẹn có thể thúc đẩy Foxconn đầu tư nhiều hơn nữa ra bên ngoài Trung Quốc, theo Chiu Shih-fang, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan.

“Foxconn đã có một số kế hoạch dự phòng”, bà Chiu cho biết.

Dĩ nhiên, Foxconn cũng từng thất bại. 

Năm 2011, Foxconn công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy tại Brazil, dự kiến ​​sẽ tạo ra tới 100.000 việc làm song đến năm 2017 chỉ tuyển dụng chưa đến 3.000 người. Trước đó, kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại Indonesia cũng đã thất bại.

Năm 2017, Foxconn cho biết sẽ chi 10 tỷ USD xây dựng một nhà máy sản xuất khổng lồ tại Wisconsin — nhưng chỉ chi một phần nhỏ trong số đó. Vào thời điểm đó, ông Donald Trump ca ngợi dự án như một thành tựu lớn cho chương trình nghị sự kinh tế của mình mà không biết rằng sau này, các quan chức nhà nước liên tục đổ lỗi cho nhau còn công ty đành ‘bấm bụng’ thu hẹp kế hoạch.

Như vậy, Foxconn, công ty có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), lắp ráp khoảng 70% lượng iPhones và là nhà sản xuất theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đang mở rộng địa điểm sản xuất sau đại dịch và những căng thẳng địa chính trị. Công ty đang nhanh chóng tăng cường sự hiện diện tại Ấn Độ trong năm qua, với các khoản đầu tư lớn vào sản xuất ở phía Nam nước này.

Ở chiều ngược lại, quyết định của Foxconn đã khiến một số khu vực tại đại lục trở thành ‘thị trấn ma’, trong đó có Nanning. Khu vực này từng tiêu thụ đến 60 tấn gạo, 280 con lợn làm thịt, 1,2 triệu quả trứng và 80.000 con gà mỗi ngày để phục vụ lượng lớn nhân công làm việc, song giờ chỉ còn là vùng hoang vắng. 

Foxconn dịch chuyển nhà máy đi nơi khác theo yêu cầu của Apple nhằm tránh căng thẳng Mỹ-Trung. Hậu quả của động thái này là toàn bộ khu sinh thái trong vùng, vốn chủ yếu phục vụ người lao động nhà máy, rơi vào cảnh hoang tàn. Vô số tòa nhà xây dựng làm nơi ở cho công nhân trong vùng được treo biển rao bán giá rẻ.

Theo China Observer, người dân địa phương tại đây chẳng hy vọng Foxconn sẽ quay lại hoạt động như thời hoàng kim. Hiện chỉ còn vài tòa nhà trong vùng là còn được thuê bởi Foxconn nhưng chủ yếu cũng đang trong tình trạng tìm người thuê lại hoặc bỏ trống.

“Các khu dân cư tại đây đang được giảm giá để khuyến khích người đến ở nhưng đường phố thì vẫn vắng tanh”, đoạn clip của China Observer cho biết.

Theo: The NY Times, China Observer

Xem bản gốc