Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Còn kém xa Singapore, Indonesia về số “kỳ lân”, thiếu vắng doanh nghiệp công nghệ IPO suốt 10 năm qua, nhưng Việt Nam được chuyên gia nhận định sẽ có bước ngoặt lớn

Markettimes 6 Giờ trước

Và trong suốt thập kỷ vừa qua, Việt Nam cũng chưa chứng kiến doanh nghiệp công nghệ nào thực hiện IPO.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Văn Trịnh - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Đảm bảo, Deloitte Việt Nam đánh giá, nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ cả hai phía: doanh nghiệp và chính sách thị trường.

tit-phu-37.jpg

Với 4 cái tên được công nhận phổ biến – MoMo, VNPay, VNG và Sky Mavis – Việt Nam đứng thứ ba Đông Nam Á về số kỳ lân công nghệ, nhưng vẫn còn cách xa Singapore và Indonesia về số lượng.

Theo ông, liệu Việt Nam có đang thiếu cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ vươn mình trở thành kỳ lân? Những rào cản chính nào cần được tháo gỡ để đạt được mục tiêu 10 kỳ lân vào năm 2030 mà Việt Nam đặt ra?

Từ quan sát của tôi, trước hết, có thể khẳng định rằng, thị trường Việt Nam không thiếu cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ nội địa phát triển thành những công ty có giá trị hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD.

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái đầu tư hoàn chỉnh từ việc thiết lập các điều kiện thuận lợi cho các vòng gọi vốn thiên thần, mạo hiểm đến xây dựng những thể chế tài chính mạnh mẽ hơn cho giai đoạn mở rộng và niêm yết.

quote-1.jpg

Trên tinh thần đó, nhiều cải cách quyết liệt đã và đang được cân nhắc triển khai. Nổi bật là sáng kiến xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TP. HCM và Đà Nẵng, nhằm mở ra không gian thử nghiệm cho fintech, tài sản số và các mô hình đầu tư mới, đồng thời tiến tới tự do hóa tài khoản vốn có kiểm soát để thúc đẩy các dòng vốn gián tiếp dài hạn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức cần tháo gỡ.

Đầu tiên là khung pháp lý cho đổi mới sáng tạo đang trong quá trình hoàn thiện. Không gian thử nghiệm với các cơ chế riêng cho fintech đang dừng ở dự thảo, trong khi quy định về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và bảo vệ nhà đầu tư hiện chưa có sự nhất quán giữa các bộ ngành. Việc hoàn thiện khung pháp lý theo hướng minh bạch, đồng bộ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và các bên tham gia thị trường sẽ là điều kiện tiên quyết, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhanh và bền vững của các doanh nghiệp và thị trường tài chính nói chung.

Thứ hai, hạ tầng tài chính cho đổi mới sáng tạo còn chưa có chiều sâu. Việt Nam hiện chưa có sàn giao dịch riêng cho startup như ACE (Malaysia) hay LiVEX (Thái Lan) để đáp ứng nhu cầu gọi vốn công khai của doanh nghiệp tăng trưởng nhanh.

Thứ ba, tình trạng khan hiếm tạm thời nguồn nhân lực nội địa trong các ngành công nghệ cao, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược như AI, blockchain, dữ liệu lớn. Bài toán về nguồn nhân lực có thể khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc tiếp tục mở rộng và duy trì tính cạnh tranh trong khu vực.

Giải quyết ba bài toán trên đòi hỏi lộ trình rõ ràng trong dài hạn với nguồn lực lớn. Tuy nhiên, đó là nền tảng Việt Nam cần xây dựng để khai phá tiềm năng của thị trường, tăng cường thu hút nguồn vốn, không chỉ từ các nhà đầu tư nước ngoài, mà cả nguồn vốn nội địa - các quỹ hưu trí, các doanh nghiệp bảo hiểm hiện chưa tích cực tham gia đầu tư dài hạn vào mảng công nghệ.

Một thực tế đáng chú ý nữa là trong 10 năm qua, Việt Nam không có doanh nghiệp công nghệ nào IPO. Ông đánh giá thế nào về lợi ích của việc IPO so với việc giữ trạng thái công ty tư nhân (private) đối với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam? Liệu IPO có thực sự là mục tiêu phù hợp cho các công ty này trong bối cảnh hiện nay không?

Đối với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, IPO không chỉ là một kênh huy động vốn hiệu quả cho chính doanh nghiệp, mà còn là bước chuyển đổi chiến lược để các nhà đầu tư thiên thần, quỹ mạo hiểm và PE tự tin hơn và mạnh tay hơn khi góp vốn.

Bởi khi lựa chọn theo hướng IPO, các doanh nghiệp đã được mở đường để tăng quy mô đầu tư phù hợp với chiến lược.

Với quan điểm đó, việc duy trì trạng thái công ty tư nhân chỉ mang tính thời điểm; còn IPO nên được xem là mục tiêu phát triển tất yếu, đặc biệt với những doanh nghiệp hướng đến việc quy mô khu vực và quốc tế.

tit-phu-39.jpg

Cũng có ý kiến cho rằng có ít doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đủ tiêu chuẩn IPO chưa hẳn là do cơ chế, mà vốn dĩ họ đang lỗ hoặc quy mô chưa đủ lớn. Ông nghĩ đây có phải là nguyên nhân chính khiến 10 năm qua không có doanh nghiệp công nghệ nào IPO tại Việt Nam không?

Tôi cho rằng nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ cả hai phía: doanh nghiệp và chính sách thị trường.

Về phía doanh nghiệp, các startup công nghệ Việt Nam là những người tiên phong trong đổi mới sáng tạo, phải liên tục thử nghiệm mô hình kinh doanh, công nghệ, sản phẩm mới để tìm ra điểm tăng trưởng bền vững. Việc ghi nhận lỗ trong giai đoạn đầu không phản ánh yếu kém, mà là đặc điểm phổ biến của các doanh nghiệp công nghệ. Thêm vào đó, trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt, quyền sở hữu trí tuệ và mô hình kinh doanh dễ bị sao chép, khiến doanh nghiệp càng phải đầu tư mạnh vào năng lực công nghệ cốt lõi – đi kèm rủi ro cao và yêu cầu vốn lớn.

Tuy nhiên, cũng còn vướng mắc từ phía thị trường và chính sách. Thị trường vốn Việt Nam hiện chưa phát triển đủ về chiều sâu, cũng như mức độ đa dạng để nhà đầu tư và cơ chế chấp nhận rủi ro. Hệ thống nhà đầu tư trong nước chủ yếu vẫn quen với mô hình định giá dựa trên tài sản hữu hình hoặc dòng tiền ngắn hạn, trong khi các doanh nghiệp công nghệ cần nhà đầu tư có năng lực định giá tài sản vô hình, mô hình tăng trưởng lũy tiến và sẵn sàng đầu tư dài hạn.

Bên cạnh đó, khung pháp lý hiện hành vẫn thiếu cơ chế riêng cho việc niêm yết doanh nghiệp công nghệ như các tiêu chí về vốn hóa, thay vì lợi nhuận và lỗ lũy kế, như các sàn Nasdaq, KOSDAQ hay ChiNext đang áp dụng.

q2.jpg

Do đó, việc thiếu doanh nghiệp công nghệ IPO không đơn thuần do họ “lỗ” hay “chưa đủ lớn”, mà phần lớn là do thị trường chưa sẵn sàng để đón nhận một lớp tài sản rủi ro đặc thù với logic tăng trưởng khác biệt. Khi Việt Nam xây dựng được hệ sinh thái vốn mới, chấp nhận và khuyến khích đổi mới sáng tạo thì sẽ có nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện và sẵn sàng IPO trong nước.

Theo ông, những ngành nào hoặc mô hình kinh doanh nào đang có nhiều tiềm năng tạo ra những doanh nghiệp công nghệ đạt được quy mô lớn và hướng tới IPO?

Việt Nam đã chứng minh năng lực toàn cầu trong lĩnh vực phát triển game và công nghệ blockchain, với đội ngũ kỹ sư giỏi, cộng đồng lập trình viên năng động và khả năng tạo ra sản phẩm có sức ảnh hưởng quốc tế, với một số thành công điển hình.

Theo khảo sát về eSport của Deloitte, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người tiếp cận eSport lớn nhất tại khu vực, với 94% người tham gia khảo sát biết đến eSport và 59% thường xuyên xem các nội dung eSport chuyên nghiệp. Với một số doanh nghiệp thành công rõ ràng trong những năm qua và thị trường nhiều tiềm năng, phát triển game có thể đánh giá là một trong những “mảnh đất màu mỡ” để các doanh nghiệp tiếp tục khai thác.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghiệp có thể cân nhắc tập trung vào các nền tảng công nghệ tài chính (Fintech-as-a-Platform). Là một trong những quốc gia dẫn đầu trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ chuyển đổi số cao nhất trong khu vực, các dịch vụ của Fintech như cho vay kỹ thuật số, quản lý tài sản số, bảo hiểm kỹ thuật số…đã được định hướng, nghiên cứu và phát triển trong thời gian tới. Trong đó, thanh toán bằng hình thức kỹ thuật số (digital payment) chiếm tỷ trọng lớn nhất, với tổng giá trị giao dịch dự kiến đạt mức 300-350 tỷ USD vào năm 2030.

E-commerce cũng là thị trường chiến lược khác cho các doanh nghiệp công nghệ cân nhắc. Đây là một thị trưởng có tỷ lệ tăng trưởng hai con số trong những năm gần đây, với GMV dự kiến đạt 63 tỷ USD vào năm 2030 theo báo cáo e-Conomy SEA 2024.

Không gian phát triển của Fintech và e-commerce sẽ không chỉ giới hạn tại Việt Nam, mà còn mở rộng khi giao dịch và thanh toán xuyên biên giới ngày càng phát triển. Theo nghiên cứu của Deloitte, Việt Nam nằm trong nhóm những thị trường có tiềm năng cao trong số những nền kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo đánh giá trên phương diện môi trường hội nhập toàn cầu cho thương mại kỹ thuật số.

Ngoài ra, khi đi sau, lợi thế của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam là học hỏi được những bài học kinh nghiệp của các công ty thành công trên thế giới, đồng thời tận dụng các chính sách quốc gia như chuyển đổi số, phát triển trung tâm tài chính hoặc các chương trình “Make in Vietnam”, để nhanh chóng phát triển nhưng với bản sắc và hướng đi riêng.

Về mô hình kinh doanh, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển thêm thế hệ "soonicorns" (các doanh nghiệp sắp trở thành kỳ lân) và "minicorns" (doanh nghiệp công nghệ tiềm năng sớm trở thành “soonicorns”).

Để hiện thực hóa điều đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần hướng đến những mô hình kinh doanh tập trung giải quyết các bài toán lớn và mới của nền kinh tế, cũng như có khả năng mở rộng nhanh (scalability) từ đó có thêm ưu thế trong tiếp cận thị trường toàn cầu.

tit-phu.jpg

Thông thường, trước khi IPO, các startup công nghệ đã trải qua nhiều vòng gọi vốn và cũng có trường hợp lập holding 100% vốn tại Singapore. Điều này có tạo ra bất lợi gì khi họ muốn niêm yết tại Việt Nam không? Ông có thấy xu hướng này là một trở ngại lớn không?

Việc lập trụ sở chính hoặc holding tại quốc gia có hệ thống pháp lý minh bạch, khả năng bảo vệ nhà đầu tư cao và là trung tâm trung chuyển vốn toàn cầu như Singapore là một lựa chọn phổ biến không chỉ với startup Việt Nam, mà cả trong khu vực Đông Nam Á.

Do vậy, việc các startup công nghệ Việt Nam lập công ty holding 100% vốn tại Singapore trước khi IPO không nên bị xem là trở ngại. Thay vào đó, đây có thể xem là một lựa chọn chiến lược hợp lý trong bối cảnh thể chế tài chính trong nước còn nhiều hạn chế khi Việt Nam vẫn đang duy trì các quy định kiểm soát ngoại hối thận trọng, đặc biệt đối với dòng vốn gián tiếp, việc chuyển lợi nhuận, cổ tức hoặc thoái vốn. Điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài thường yêu cầu doanh nghiệp phải có cấu trúc pháp nhân quốc tế (offshore) để đảm bảo tính thanh khoản và tự do chuyển đổi ngoại tệ.

Ngoài ra, đây là cách mà nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt lựa chọn nhằm mở rộng năng lực tiếp cận thị trường vốn quốc tế, tăng tính linh hoạt trong cấu trúc sở hữu, và đảm bảo quyền lợi chuyển nhượng, thoái vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thị trường vốn trong nước có thể phát triển đủ chiều sâu, với khung pháp lý minh bạch và cơ chế chuyển đổi ngoại tệ rõ ràng, nhằm thu hút dòng vốn chất lượng cao quay trở lại và giữ chân được các startup Việt niêm yết ngay tại Việt Nam.

q3.jpg

Một trong những nỗ lực giải quyết bài toán này là quyết định thành lập Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng, theo Nghị quyết vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào cuối tháng 6 vừa qua.

Môi trường thử nghiệm với các chính sách mới cởi mở hơn về tài sản số và chuyển đổi ngoại tệ tự do đối với nhà đầu tư tại khu vực này là bước đi quan trọng để giảm dần tình trạng “chảy máu mô hình holding ra nước ngoài” trong tương lai.

Cảm ơn chia sẻ của ông!

Xem bản gốc