Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Công khai người bỏ cọc, hạn chế thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường

Vneconomy 1 Tháng trước

Tại hội nghị trực tuyến với 63 địa phương về tình hình triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì chiều 8/10, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã nêu ra một số vướng mắc trong điều chỉnh bảng giá đất, đấu giá đất đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp xử lý, tháo gỡ.

MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG THAM GIA ĐẤU GIÁ ĐẤT KHÔNG THỰC SỰ CÓ NHU CẦU

Thông tin về công tác đấu giá quyền sử dụng đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc lập, công khai quy hoạch các khu vực phát triển nhà ở chưa được thực hiện bài bản, công khai, minh bạch tạo điều kiện để các đối tượng đầu cơ đất đai.

Cùng với đó các địa phương thiếu sự chủ động trong việc tạo quỹ đất để đấu giá dẫn đến nhu cầu đất ở, nhà ở của người dân không được đáp ứng trong thời gian dài.

Đáng chú ý, một số đối tượng tham gia đấu giá đất không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở mà chủ yếu đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá và bán lại ngay để thu lợi hoặc tạo mặt bằng giá ảo đối với các khu vực xung quanh. Thậm chí, sau khi đấu giá một số đối tượng chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, có dấu hiệu bỏ cọc gây dư luận không tốt tại một số địa phương.

Công khai người bỏ cọc, hạn chế thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường - Ảnh 1

Bên cạnh đó, có trường hợp sử dụng Bảng giá đất chưa kịp thời điều chỉnh, thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá đất thực tế dẫn đến giá trúng đấu giá và giá khởi điểm có sự chênh lệch lớn cũng thu hút nhiều đối tượng tham gia đấu giá để kiếm lời.

Qua nắm bắt tình hình nêu trên cho thấy những vấn đề nổi lên trong thời gian qua xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện chưa tốt ở một số địa phương. Vì vậy, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác tổ chức thực hiện để hạn chế bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đất đai, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

BẢNG GIÁ ĐẤT CŨ ĐƯỢC TIẾP TỤC ÁP DỤNG ĐẾN HẾT NĂM 2025 ĐỂ TRÁNH CÚ SỐC TĂNG GIÁ ĐỘT BIẾN

Tại cuộc họp, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề cập những vướng mắc liên quan đến điều chỉnh Bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024: "Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương".

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: Đây là quy định chuyển tiếp, nhằm giúp các địa phương thực hiện lộ trình từng bước xây dựng bảng giá đất theo Luật Đất đai năm 2024 để áp dụng từ ngày 01/01/2026, tránh cú sốc tăng giá đột biến ảnh hướng đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Công khai người bỏ cọc, hạn chế thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường - Ảnh 2

Tuy nhiên khi tiến hành điều chỉnh bảng giá đất hiện hành, nếu các địa phương không xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tác động một cách đầy đủ thì sẽ xảy ra trường hợp bảng giá đất điều chỉnh có chênh lệch rất lớn so với giá đất bảng giá đất hiện hành. Đặc biệt là tại các địa phương trong suốt quá trình 2021- 2024 không hoặc không thường xuyên điều chỉnh Bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, nay khi thực hiện điều chỉnh lại điều chỉnh với mức chênh lệch lớn khiến người dân, doanh nghiệp phản ứng vì số tiền họ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai sẽ tăng cao so với khi áp dụng bảng giá đất cũ (số địa phương này không nhiều).

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc điều chỉnh Bảng giá đất là nhiệm vụ thường xuyên được quy định xuyên suốt từ Luật Đất đai năm 2013 đến nay. Đối với các địa phương có sự điều chỉnh Bảng giá đất đúng theo quy định của Luật Đất đai 2013 đã đảm bảo giá đất trong Bảng giá đất tiệm cận với mặt bằng thực tế tại địa phương thì việc áp dụng khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024 không có vướng mắc, không ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.

Qua theo dõi chỉ có 52 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có điều chỉnh Bảng giá đất theo Luật Đất đai năm 2013. Như vậy, vấn đề này không phải vướng mắc từ chính sách, quy định của pháp luật mà xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện chưa tốt của một số địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu.

CÔNG KHAI QUY HOẠCH, ĐIỀU CHỈNH BẢNG GIÁ ĐẤT, CÔNG KHAI ĐỐI TƯỢNG BỎ CỌC

Trước những thực tế trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tập trung nguồn lực, khắc phục khó khăn, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu để tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản thuộc thẩm quyền;

Đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thường xuyên, liên tục đến tất cả các cấp,  ngành, người dân, doanh nghiệp để đảm bảo cơ sở pháp lý và tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện.

Cùng với đó quan tâm chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi hành Luật Đất đai có hiệu quả tại địa phương, bao gồm tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, kinh phí, xây dựng cơ sở dữ liệu, ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá sản phẩm...

Đặc biệt chuẩn bị tốt các điều kiện về nguồn lực, cơ sở hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai để xây dựng bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024, có đánh giá tác động, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan trong quá trình xây dựng bảng giá đất để áp dụng từ 01/01/2026.

Trước mắt, khẩn trương rà soát bảng giá đất đã ban hành theo Luật Đất đai năm 2013 để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương và chuẩn bị các điều kiện để xây dựng bảng giá theo Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ 01/01/2026.

Trong quá trình điều chỉnh phải phân tích, đánh giá tác động, có lộ trình phù hợp, tổ chức lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan để đảm bảo sự đồng thuận của cơ quan thẩm định và các đối tượng chịu tác động, hạn chế phản ứng bất bình, thiếu đồng thuận trong xã hội.

Các địa phương khi tổ chức đấu giá đất phải công khai quy hoạch, điều chỉnh bảng giá đất, công khai đối tượng bỏ cọc nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ quan quản lý nhà nước và đối tượng sử dụng đất. Trước mắt, đẩy mạnh kiểm tra việc tổ chức thi hành Luật Đất đai 2024 tại các địa phương.

Xem bản gốc