Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

COP29 và quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu

Báo Tin tức 1 Tuần trước
Chú thích ảnh Nhân viên làm việc tại nhà máy lọc dầu ở tỉnh Wasit, Iraq. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Karim Elgendy, nghiên cứu viên cộng tác tại Viện Chatham House ngày 11/11, khi thế giới hướng sự chú ý đến Baku cho Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29), Azerbaijan đang ở "ngã ba" của các hệ thống năng lượng truyền thống và những yêu cầu cấp thiết về khí hậu.

Giống như nước chủ nhà năm ngoái, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Azerbaijan đảm nhiệm vai trò chủ tịch dựa cả trên chuyên môn của một nhà sản xuất năng lượng quan trọng và góc nhìn của một quốc gia đang phải đối mặt với các lỗ hổng khí hậu của riêng mình. Vị trí này cung cấp những hiểu biết độc đáo về những thách thức và cơ hội trong quá trình chuyển đổi sang các hệ thống năng lượng sạch hơn trong một thế giới đang nóng lên.

Nhiệm vụ chính của COP29 lần này là đảm bảo thỏa thuận về tài chính khí hậu - cụ thể là Mục tiêu định lượng tập thể mới (NCQG) sẽ thay thế cam kết của các nước phát triển đóng góp 100 tỷ USD/năm giúp các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu. Các quốc gia đang phát triển cho rằng con số này nên là hàng nghìn tỷ USD, không phải hàng tỷ, để tạo điều kiện cho hành động vì khí hậu ở các quốc gia không có đủ phương tiện để tài trợ cho quá trình chuyển đổi của riêng họ. 

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đang phải đối mặt với những trở ngại đáng kể, với các quốc gia phát triển phản đối việc tăng đáng kể các khoản đóng góp của họ và bất đồng về việc ai sẽ phải trả tiền. Trong những năm diễn ra các cuộc đàm phán về khí hậu, việc thực hiện các quyết định COP trước đây đã không đồng đều.

Cam kết tài trợ khí hậu trị giá 100 tỷ USD từ Copenhagen năm 2009 chỉ được đáp ứng vào năm 2022, hai năm sau thời hạn. Các mục tiêu về nhiệt độ của Thỏa thuận Paris có vẻ ngày càng xa tầm với. "Đồng thuận UAE" năm ngoái tại COP28 đánh dấu thỏa thuận rõ ràng đầu tiên về quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, nhưng các hành động chính sách cần thiết để hiện thực hóa cam kết này phần lớn vẫn còn mang tính lý thuyết.

Sự chuyển đổi năng lượng

Mặc dù vậy, bất chấp kỷ lục không đồng đều này, chúng ta đang chứng kiến một sự chuyển đổi chưa từng có trong các hệ thống năng lượng toàn cầu. Việc triển khai năng lượng mặt trời đạt mức đáng kinh ngạc là 347 gigawatt (GW) vào năm 2023. Đến năm 2027, năng lượng mặt trời bao gồm cả lưu trữ được dự đoán sẽ là nguồn điện rẻ nhất ở hầu hết các khu vực trên toàn cầu. Năng lượng sạch hiện đang đáp ứng hầu như tất cả nhu cầu tăng trưởng điện mới, đồng thời đẩy than vào tình trạng suy giảm về mặt cấu trúc lần đầu tiên. 

Sự chuyển đổi trên không chỉ là việc hoán đổi một nguồn năng lượng này sang một nguồn năng lượng khác mà còn đại diện cho một sự định hình lại cơ bản của trật tự năng lượng toàn cầu. Các quốc gia đã xây dựng nền kinh tế và ảnh hưởng địa chính trị của họ dựa trên xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch hiện phải vật lộn với thực tế rằng tài sản chính của họ đang dần trở thành gánh nặng. Trong khi đó, các quốc gia có nguồn tài nguyên tái tạo dồi dào và năng lực sản xuất đang định vị mình là "siêu cường" năng lượng của tương lai. 

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến nhu cầu dầu khí toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, do các công nghệ sạch ngày càng cạnh tranh và các chính sách khí hậu được tăng cường. Nền kinh tế năng lượng tái tạo đã đạt đến một ngưỡng mới mà việc triển khai hiện nay về cơ bản là không thể đảo ngược. Chỉ riêng Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều điện mặt trời hơn vào đầu những năm 2030 so với toàn bộ nhu cầu điện hiện tại của Mỹ.

Nhưng quá trình chuyển đổi tất yếu này cũng tạo ra những thách thức to lớn. Cơ sở hạ tầng lưới điện cần được nâng cấp lớn để xử lý năng lượng tái tạo không liên tục. Các tác động xã hội đối với các cộng đồng và nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch cũng đòi hỏi phải được quản lý cẩn thận để đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng. 

Azerbaijan, với tư cách là nước chủ nhà COP29, là ví dụ điển hình cho những thách thức chuyển tiếp này. Mặc dù có công suất năng lượng tái tạo là 20% (chủ yếu là thủy điện) và đặt mục tiêu đạt công suất 30% vào năm 2030, nhưng nước này vẫn tiếp tục vận động Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ việc tăng gấp đôi xuất khẩu khí đốt, làm nổi bật hành động cân bằng phức tạp mà nhiều quốc gia sản xuất năng lượng phải đối mặt khi họ điều hướng sự thay đổi này.

Có thể thấy tác động của biến đổi khí hậu đang leo thang nhanh hơn dự kiến, trong khi thời gian cho quá trình chuyển đổi có trật tự đang thu hẹp lại. Với quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu hiện không thể ngăn cản, câu hỏi không còn là liệu chúng ta có chuyển đổi hay không, mà là liệu chúng ta có thể quản lý quá trình chuyển đổi này theo cách vừa công bằng vừa đủ nhanh để ngăn chặn những tác động thảm khốc của biến đổi khí hậu hay không. Thành công hay thất bại trong việc huy động đủ nguồn tài chính khí hậu và quản lý quá trình chuyển đổi này sẽ định hình không chỉ các hệ thống năng lượng mà còn cả tương lai của nền văn minh nhân loại.

Xem bản gốc