Sau khi ghi dấu ấn với giải thưởng Phim đầu tay xuất sắc nhất tại LHP Berlin đầu năm nay, vừa qua, đạo diễn Phạm Ngọc Lân đã có dịp đưa tác phẩm “Cu Li Never Cries” (tựa Việt: “Cu Li Không Bao Giờ Khóc”) ra mắt khán giả nước nhà. Dù được gắn mác như một tác phẩm thuộc dòng phim hàn lâm kén người xem, tựa phim lại gây bất ngờ khi đạt hiệu ứng tích cực trong suốt thời gian công chiếu.
Một tựa phim tò mò
Ngay từ nhan đề của bộ phim, Phạm Ngọc Lân đã khéo léo khơi dậy sự tò mò của người xem. “Cu li” không chỉ là cách gọi đầy miệt thị nhằm ám chỉ những người làm thuê nghèo, mà còn là tên gọi của một loài sinh vật đuôi ngắn hiền lành – cũng là hình ảnh trung tâm trong tác phẩm. Con vật nhỏ bé cũng có mối liên hệ sâu sắc với nhân vật chính trong phim là bà Nguyện – một người phụ nữ trung niên đã trải qua nhiều biến cố và thăng trầm. Con cu li với cặp mắt tròn xoe đen láy, hệt như ánh mắt của bà Nguyện, thoạt nhìn có vẻ ngây thơ nhưng sâu bên trong lại như ẩn chứa những nỗi niềm không thể nói thành lời.
Cụm từ “không bao giờ khóc” ở vế sau còn thể hiện sự kìm nén nỗi đau và nỗi đơn côi. Bà Nguyện, trong hành trình truy tìm hồi ức, không cho phép mình bộc lộ quá nhiều cảm xúc. Chi tiết này phản ánh đúng quan niệm của thế hệ trước về việc phải giữ gìn vẻ ngoài mạnh mẽ và kiên cường, ngay cả khi bên trong họ đang vật lộn với cảm xúc của chính mình.
Nội dung mới quen vừa lạ
“Cu Li Không Bao Giờ Khóc” tập trung khai thác vòng xoay cảm xúc cùng chuỗi những sự kiện diễn ra trong cuộc đời bà Nguyện (NSND Minh Châu thủ vai) – một người phụ nữ lao động chân tay ở Hà Nội nay đã về hưu sau khoảng thời gian làm việc tại Đông Đức theo diện xuất khẩu lao động. Sau khi thừa kế hũ tro cốt cùng một con cu li lùn chậm từ người chồng quá cố, bà trở về nhà và hay tin người cháu gái khuyết tật (Hà Phương thủ vai) đang tất bật chuẩn bị cho đám cưới chạy bầu cùng nỗi trăn trở về tương lai phía trước. Cũng từ đây, xung đột và khoảng cách giữa hai thế hệ – chủ đề tưởng chừng như đã quá quen thuộc trong vô vàn các tác phẩm nghệ thuật – một lần nữa hiện lên đầy mới lạ mà gần gũi qua bàn tay của đạo diễn Phạm Ngọc Lân.
Những thước phim không màu
Bên cạnh lời thoại, màu sắc bao trùm toàn bộ tác phẩm cũng là một yếu tố quan trọng, góp phần làm nổi bật chiều sâu không gian cho câu chuyện. Lựa chọn quay phim đen trắng ban đầu chỉ là phương án nhằm cắt giảm kinh phí từ phía ekip, song lại hợp lý đến bất ngờ. Nó không chỉ gợi cảm giác mơ hồ, hoài niệm mà còn khắc họa nguyên sơ nhất cảm xúc của mỗi nhân vật.
Cảnh vật thủ đô qua lăng kính đơn sắc cũng trở nên nhợt nhạt và tĩnh lặng lạ kỳ. Khác xa so với tưởng tượng về một phố thị xa hoa hiện đại, Hà Nội trong phim chỉ ngổn ngang những công trình xây dở, khu tập thể cũ, sân trượt băng vắng bóng người,… Có lẽ bởi chính nhân vật đang mắc kẹt trong nỗi khắc khoải của quá khứ, nên cảnh quan xung quanh dường như cũng theo vậy mà chậm rãi xuôi dòng.
Diễn xuất trọn vẹn
Thành công của một bộ phim chắc chắn không thể thiếu đi công sức của dàn diễn viên. Hai nhân vật trung tâm là bà Nguyện và Vân được đảm nhiệm bởi nữ nghệ sĩ gạo cội Minh Châu và cô model trẻ Hà Phương. Hai người phụ nữ, với hai nỗi ưu tư trăn trở của hai thời đại khác nhau, được hai diễn viên – một kỳ cựu một tân binh thể hiện, cứ vậy nắm tay nhau vẽ nên bức tranh hư ảo về mâu thuẫn đời người.
NSND Minh Châu là cái tên đã quá quen mặt với phần đa đại chúng. Bà từng có một thời oanh tạc các giải thưởng lớn nhỏ trong nước cùng vô vàn tác phẩm ấn tượng như “Cô gái trên sông” (1987), “Người đàn nghịch cát” (1990) hay “Bí thư tỉnh ủy” (2010). Đây không phải lần đầu tiên đạo diễn Phạm Ngọc Lân làm việc cùng bà. Trước đó cả hai từng có dịp hợp tác trong một vài dự án phim ngắn khác nhau như “Thành phố khác” (2015), “Giòng sông không nhìn thấy” (2020)… Thậm chí, khi nhận vai Nguyện, chính nữ nghệ sĩ cũng không khỏi băn khoăn tại sao vị đạo diễn trẻ lại lựa chọn mình nhiều lần đến vậy. Thế nhưng lời giải đáp cho thắc mắc này thực chất lại hết sức đơn giản: “Chỉ vì ánh mắt đầy ấn tượng của diễn viên Minh Châu trong bộ phim ‘Người thừa’ mà Phạm Ngọc Lân – khi ấy vẫn còn là một kiến trúc sư trẻ – quyết định rẽ hướng sang con đường điện ảnh”. Câu trả lời ấy như một lời khẳng định mạnh mẽ về tài năng diễn xuất của cây đại thụ làng phim Việt.
Trái ngược với bà Nguyện được giao phó cho một diễn viên dày dặn kinh nghiệm, Vân thuộc về một cô nàng chỉ mới đang “chân ướt chân ráo” vào thế giới điện ảnh. Khởi nghiệp với vai trò người mẫu, Hà Phương tham gia khóa đào tạo tại công ty của siêu mẫu Hạ Vy và dần gây dựng được tiếng vang trong giới. Đây cũng chính là cây cầu nối đưa cô đến với đạo diễn Phạm Ngọc Lân và “Cu Li Không Bao Giờ Khóc”. Tuy còn rất trẻ song Hà Phương lại nắm bắt và diễn giải được sự phức tạp của nội tâm nhân vật tương đối tốt. Bản thân cô ban đầu cũng gặp phải không ít thách thức do chưa tìm thấy điểm tương đồng giữa mình và Vân. Nhưng bằng nỗ lực tiếp xúc, tìm hiểu sâu sắc cùng sự hỗ trợ tận tình từ đoàn phim, Hà Phương đã đi từng bước, từ xa lạ đến hòa mình hoàn toàn vào vai diễn này.
Một số diễn viên khác như Xuân An (vai Quang), Hoàng Hà (vai cậu phục vụ), NSƯT Quốc Tuấn (vai đồng nghiệp cũ của bà Nguyện), và cả Thương Tín (vai ông Sinh) đất diễn tuy không quá nhiều nhưng vẫn tạo điểm nhấn nhờ cách thể hiện tự nhiên, chân thực.
Tuy thuộc thể loại arthouse (phim nghệ thuật) thường bị gán mác là “kén người xem”, “Cu Li Không Bao Giờ Khóc” lại đến với khán giả bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh giản dị, chân thành nhưng sâu sắc, giúp họ dễ dàng tìm thấy điểm kết nối với tác phẩm. Phim dài đầu tay của đạo diễn Phạm Ngọc Lân là một bộ phim nói “không” với cao trào. 92 phút của “Cu Li Không Bao Giờ Khóc” trôi qua từ tốn nhưng đầy da diết ám ảnh, tựa như tiếng đàn bình lặng len lỏi vào từng ngóc ngách sâu thẳm bên trong tâm trí người xem. Tiếng đàn ấy đại diện cho nỗi niềm thầm kín, những suy tư vốn đã bị chôn vùi trong tâm can mỗi cá thể, giờ đây phải học cách nương theo dòng chảy của xã hội và xáo động thời cuộc. Như đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã nhận xét, đây thực sự là một tác phẩm được bao bọc bởi nhiều lớp lang ý nghĩa, khiến ta muốn quay lại thêm nhiều lần để tự mình bóc tách và chiêm nghiệm.