Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

'Cú sốc Trung Quốc' của các nhà sản xuất ô tô toàn cầu

Markettimes 3 Tuần trước

Sự trỗi dậy của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang định hình lại ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Và cuộc đàm phán sáp nhập giữa Honda và Nissan là ví dụ mới nhất về việc các công ty đang cố gắng ứng phó với mối đe dọa cạnh tranh mang tên "Trung Quốc".

Tại Mỹ, trong tháng này General Motors cho biết họ đã chịu khoản lỗ 5 tỷ USD liên quan đến hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Tại Đức, Volkswagen đang có kế hoạch đóng cửa các nhà máy và cắt giảm hàng chục nghìn nhân viên. Một trong những nguyên nhân chủ yếu tác động đến lợi nhuận của VW do mất thị phần tại Trung Quốc.

Đằng sau tất cả những động thái kể trên, tờ WSJ chỉ ra ba sự thật cơ bản đằng sau đó.

Đầu tiên, hơn một nửa số ô tô mới được bán tại Trung Quốc hiện nay là xe hoàn toàn chạy bằng điện hoặc xe hybrid cắm điện. Ba trong số năm người mua Trung Quốc đang lựa chọn một thương hiệu trong nước, tỷ lệ cao nhất kể từ khi quốc gia này nổi lên là thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Cuối cùng, theo dữ liệu của ngành, xuất khẩu xe du lịch của Trung Quốc đã tăng gấp năm lần từ năm 2020 đến năm 2023, đạt 4,1 triệu xe vào năm ngoái.

Trong lịch sử, sự trỗi dậy Trung Quốc cũng từng là nguyên nhân gây ra những thay đổi cho nền chính trị và kinh tế toàn cầu chẳng hạn như việc làm suy yếu ngành sản xuất của Mỹ. Và giờ đây, dường như điều này đang lặp lại với ngành ô tô.

Dĩ nhiên, tác động đối với ngành ô tô mất nhiều thời gian hơn bởi các nhà sản xuất ô tô nội địa của Trung Quốc phần lớn trước đây đều tụt hậu về công nghệ, chất lượng và cả thiết kế.

Nissan, Honda, GM, Volkswagen và các thương hiệu phương Tây và Nhật Bản khác trong nhiều thập kỷ đã thống trị và khai thác thị trường Trung Quốc mà không mấy lo sợ các đối thủ Trung Quốc xâm phạm vào thành trì của chính họ. Thời kỳ đỉnh cao, GM đã dựa vào Trung Quốc để tăng lợi nhuận ròng khoảng 2 tỷ USD mỗi năm.

Giờ đây, các thương hiệu nước ngoài đã rất ngạc nhiên trước tốc độ phát triển nhanh chóng của xe điện và các dòng xe hybrid cắm sạc tại Trung Quốc chỉ trong vòng bốn năm. Sau khi Tesla khơi dậy nhu cầu của người tiêu dùng đối với xe điện tại Trung Quốc, các công ty tư nhân năng động, đặc biệt là BYD, đã nổi lên như những công ty dẫn đầu về pin xe điện, sản xuất giá rẻ và công nghệ xe kết nối. Hiện tại, các công ty Trung Quốc đang tìm cách chiếm lĩnh thị trường ở Châu Âu, Đông Nam Á và Châu Mỹ Latinh.

BYD, nhà sản xuất ô tô bán chạy nhất của Trung Quốc, đang tích cực giới thiệu các loại xe hybrid cắm sạc giá rẻ, chẳng hạn như Qin Plus có giá chỉ dưới 7.000 USD nếu đi kèm với các khoản trợ cấp. Công ty cũng đang đầu tư vào các nhà máy ở Thái Lan, Hungary, Brazil và những nơi khác.

Các nhà phân tích cho biết sự kết hợp giữa Honda và Nissan sẽ nhằm mục đích chống lại sự thúc đẩy của Trung Quốc bằng cách kết hợp các nỗ lực của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản trong công nghệ xe điện, lái xe tự hành và các lĩnh vực khác mà Trung Quốc có thế mạnh.

Và mặc dù, thực thể Honda-Nissan sau kết hợp có thể chiếm vị trí số 3 về doanh số bán xe toàn cầu, chỉ đứng sau Toyota và Volkswagen, nhưng nhà nghiên cứu cấp cao Jin Tang của Ngân hàng Mizuho cho biết ông không chắc quy mô như vậy đã đủ hay chưa.

"Nếu không có những đột phá đáng kể trong công nghệ xe điện hoặc xe thông minh, tôi không tin rằng chỉ riêng việc sáp nhập sẽ cho phép họ cạnh tranh, đặc biệt là ở các thị trường trọng điểm", Tang cho biết.

Trong năm nay, mối duyên hợp giác giữa Honda và Nissan đã tiến gần hơn khi cho biết họ sẽ hợp tác về công nghệ điện khí hóa.

Vào đầu thập kỷ này, hai nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản đã dựa vào Trung Quốc để đạt hơn một phần ba doanh số bán xe toàn cầu. Nhưng năm nay, doanh số bán hàng tại Trung Quốc của họ chỉ bằng khoảng một nửa so với năm năm trước.

Những khó khăn của Nissan còn tệ hơn vì công ty này cũng đang công bố kết quả kinh doanh yếu kém tại Mỹ. Tháng trước, công ty này cho biết sẽ cắt giảm 9.000 việc làm và giảm 1/5 công suất sản xuất toàn cầu. Vào tháng 11, Effissimo Capital Management có trụ sở tại Singapore cho biết họ đã mua cổ phần tại Nissan.

Các nhà đầu tư vào Nissan đã hoan nghênh sự xuất hiện tiềm năng của một đối tác mà nhà sản xuất ô tô đang gặp khó khăn này có thể dựa vào để được hỗ trợ. Cổ phiếu Nissan đóng cửa tăng 23,7% trong phiên giao dịch tại Tokyo vào thứ tư. Cổ phiếu Honda đóng cửa giảm 3%.

Trước khi tăng vào thứ tư, vốn hóa thị trường của Nissan đã giảm gần tương đương khoảng 8 tỷ USD, làm dấy lên suy đoán về tương lai của công ty.

23f98a52c80e297f97ef87e03b4faef4305260de.png

Foxconn, công ty được biết đến là nhà sản xuất theo hợp đồng iPhone của Apple, được cho là cũng đã tìm kiếm một thỏa thuận với Nissan khi họ cố gắng mở rộng hoạt động kinh doanh xe điện mới. Nguồn tin cho biết Foxconn đặc biệt quan tâm đến tài sản thiết kế và sản xuất ô tô của hãng sản xuất ô tô Nhật Bản này. Nissan từ chối bình luận và một phát ngôn viên của Foxconn đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Một người hiểu biết về các cuộc thảo luận giữa Honda và Nissan cho biết họ rất bối rối về phạm vi của các công nghệ mới cần giải quyết khi họ tiếp tục sản xuất hàng triệu xe chạy bằng xăng mỗi năm, vốn cần được nâng cấp thường xuyên. Các nhà phân tích cho biết thật khó để một công ty đơn lẻ có quy mô như Honda hoặc Nissan có thể theo kịp những tiến bộ trong xe thông minh và điện khí hóa.

Tuy nhiên, một vụ sáp nhập sẽ nảy sinh những vấn đề riêng, bao gồm cả xung đột văn hóa có thể xảy ra và danh mục sản phẩm cạnh tranh. Honda và Nissan có phần lớn doanh số bán hàng từ cùng một thị trường gồm Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Cả hai đều là nhà sản xuất ô tô Nhật Bản dành cho thị trường đại chúng với các loại xe tương tự, chẳng hạn như xe thể thao đa dụng CR-V của Honda cạnh tranh với Rogue của Nissan.

Và một liên minh Honda-Nissan sẽ phải đối mặt với cùng một tình thế tiến thoái lưỡng nan là cố gắng giành lại thị phần hay thu hẹp vị thế đang bị thu hẹp của mình.

Volkswagen đã nói rõ rằng họ có ý định đầu tư và xây dựng lại tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất của mình, ngay cả khi họ đang thực hiện các đợt cắt giảm chi phí khắc nghiệt ở quê nhà.

Trong khoảng một năm trở lại đây, Volkswagen đã chuyển sang sử dụng nhiều linh kiện Trung Quốc hơn có được từ các nhà cung cấp địa phương để cắt giảm thời gian và chi phí phát triển. Họ cũng đang đầu tư hàng tỷ USD vào các công ty địa phương để có được công nghệ tiên tiến của Trung Quốc.

Theo: WSJ

Xem bản gốc