Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Cuộc đua giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương châu Á

Vneconomy 1 Tháng trước

Cách đây hơn 1 tuần, Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) trở thành một trong số ít những ngân hàng trung ương đầu tiên ở khu vực châu Á (không bao gồm Trung Quốc) tiến hành cắt giảm lãi suất trước Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đối với các nhà kinh tế học, câu hỏi đặt ra bây giờ là ngân hàng trung ương châu Á nào sẽ hành động nối tiếp, Hàn Quốc, Indonesia hay Thái Lan?

Đây là đợt giảm lãi suất đầu tiên của Philippines sau gần 4 năm, khởi đầu cho sự dỡ bỏ tổng mức tăng lãi suất 4,5 điểm phần trăm mà BSP đã tiến hành trong các năm 2022-2023 để chống lạm phát tương tự như các ngân hàng trung ương khác trên thế giới. Động thái giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm về 6,25% của BSP đã khiến giới phân tích bất ngờ, bởi lạm phát gần đây ở Philippines đã tăng trở lại trên ngưỡng 4%.

Theo một báo cáo của Ngân hàng ING, ngoài Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và ngân hàng trung ương của một số nền kinh tế phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương như Ngân hàng Trung ương New Zealand (RBNZ), thì BSP là ngân hàng trung ương đầu tiên trong khu vực khởi động chu kỳ nới lỏng. Đặc biệt, động thái này được cho là một bước đi “gan dạ” bởi diễn ra trước khi Fed được cho là sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9/2024. Gần đây, một số ngân hàng trung ương khác trong khu vực, như Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBA), đã phát tín hiệu có thể giảm lãi suất trước Fed, nhưng rốt cục đều giữ nguyên lãi suất.

“Phản ứng tương đối bình tĩnh của thị trường với quyết định hạ lãi suất của Philippines có thể sẽ khuyến khích các ngân hàng trung ương khác trong khu vực cân nhắc hành động tương tự”, Trưởng nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ING, ông Robert Carnell, viết trong một báo cáo.

Một ngày trước động thái của Philippines, RBNZ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Trước hai ngân hàng trung ương này, PBOC đã hạ hàng loạt lãi suất để vực dậy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang giảm tốc dưới áp lực từ tiêu dùng ảm đạm và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.

“NÍN THỞ” ĐỢI FED GIẢM LÃI SUẤT

Giới chuyên gia kinh tế từ lâu đã theo dõi xem liệu khi nào chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ thực sự bắt đầu ở châu Á. Các số liệu kinh tế thiếu đồng nhất cho thấy tăng trưởng tại các nền kinh tế trong khu vực diễn ra không đều, trong khi sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu khiến cho triển vọng kinh tế khu vực này khó lường hơn. Nhiều ngân hàng trung ương trong khu vực đã đối mặt với những lời kêu gọi về hạ lãi suất, trong bối cảnh lãi suất cao bắt đầu có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng, nhưng lạm phát ở một số nền kinh tế chưa thực sự giảm về tầm kiểm soát là một lý do khiến các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở châu Á còn chần chừ.

Một nguyên nhân khác khiến các ngân hàng trung ương châu Á còn thận trọng với việc giảm lãi suất là áp lực mất giá đối với đồng nội tệ và những bấp bênh xung quanh việc khi nào Fed bắt đầu giảm lãi suất. Giới chức ngân hàng trung ương châu Á không muốn giảm lãi suất quá sớm so với Fed, vì việc đó có thể tạo ra chênh lệch lãi suất lớn hơn, gia tăng sức ép giảm giá đối với đồng tiền của họ.

Gần đây, khi khả năng Fed bắt đầu giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 đã trở nên chắc chắn hơn, các ngân hàng trung ương châu Á cũng phát tín hiệu sẽ tiến tới giảm lãi suất. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng mức độ thận trọng nhất định sẽ duy trì.  “Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) sẽ là ngân hàng trung ương tiếp theo hạ lãi suất ở khu vực châu Á. Nhưng mối lo về nợ nần của các hộ gia đình gia tăng và giá nhà leo thang sẽ cản trở BOK hành động quyết liệt”, nhà phân tích Denise Cheok của Moodys Analytics, nhận định. Tại cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 22/8/2024, BOK đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 3,5%, nhưng nhà kinh tế Juliana Lee của Deutsche Bank dự báo BOK sẽ hạ lãi suất vào tháng 10/2024.

Tại lần họp này, BOK hạ dự báo cả lạm phát và tăng trưởng của năm nay. Theo đó, mức lạm phát cả năm của Hàn Quốc được cho sẽ là 2,5%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức dự báo 2,6% đưa ra hồi tháng 5/2024. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) được dự báo đạt 2,4% so với mức 2,5% đưa ra trong lần dự báo trước.

Số liệu công bố tháng 7/2024 cho thấy GDP của Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư ở châu Á, tăng 2,3% trong quý 2/2024 so với cùng kỳ năm 2023, giảm tốc mạnh từ mức tăng 3,3% ghi nhận trong tháng 1/2024. So với quý trước, GDP của nước này giảm 0,2%, sau khi tăng 1,3% trong quý 1.  Sáu tháng đầu năm, kinh tế Hàn Quốc tăng 2,8%, thấp hơn mức dự báo tăng 2,9% mà BOK đưa ra trước đó.

Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) là một “ứng cử viên” khác cho việc giảm lãi suất trong năm nay, sau khi cơ quan này giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 2,5% trong cuộc họp vào hôm 21/8.  Đối với Thái Lan, việc giảm lãi suất là một cách để kích thích nền kinh tế vốn dĩ đã tăng trưởng với tốc độ thấp hơn so với tiềm năng suốt từ đại dịch Covid-19, theo nhận định của Moodys Analytics. Môi trường lãi suất tương đối cao ở Thái Lan đã gây suy giảm tiêu dùng của khu vực tư nhân, giá tiêu dùng tăng yếu, và sự phục hồi của đồng Baht là những yếu tố làm gia tăng khả năng cắt giảm lãi suất.

Số liệu công bố đầu tuần vừa rồi cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2024 của Thái Lan tăng tốc so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm tốc so với quý trước, và tăng trưởng diễn ra không đồng đều trong nền kinh tế.

Theo báo cáo từ Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan (NEDC), GDP của nước này tăng 2,3% trong quý 2/2024 so với cùng kỳ năm 2023, so với mức tăng 1,6% của quý 1/2024 và mức dự báo tăng 2,1% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. So với quý trước, GDP của Thái Lan tăng 0,8% trong quý 2/2024, giảm so với mức tăng 1,2% của quý 1/2024 và mức dự báo tăng 0,9% mà giới chuyên gia đưa ra.

KHÁC BIỆT GIỮA CÁC NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG

Moodys Analytics nhận định rằng nếu Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 9, các ngân hàng trung ương ở khu vực châu Á sẽ có thêm niềm tin để khởi động việc hạ lãi suất. Việc điều chỉnh chính sách tiền tệ theo Fed sẽ giúp duy trì ổn định khoảng cách lãi suất, giảm rủi ro mất giá đồng nội tệ và hỗ trợ cho những nền kinh tế như Hàn Quốc và Thái Lan, “nơi nhu cầu tiêu dùng nội địa đang là một vấn đề gây lo ngại”, theo báo cáo của Moodys.

Nhà kinh tế cấp cao Lavanya Venkateswaran của Ngân hàng OCBC dự báo Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) có thể sẽ “nối gót” BSP giảm lãi suất, với lượng giảm tổng cộng 0,5 điểm phần trăm trong quý 4 năm nay. Trong cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 21/8/2024, BI giữ nguyên lãi suất ở mức 6,25% - một quyết định không nằm ngoài dự báo. Theo bà Venkateswaran, do Indonesia ưu tiên giữ ổn định tỷ giá đồng Rupiah, nên khả năng cao BI sẽ hành động đồng bộ với Fed.

Theo một báo cáo của Công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics, nếu đồng Rupiah của Indonesia tiếp tục tăng giá so với USD, cánh cửa để BI hạ lãi suất sẽ rộng mở hơn. Tuy nhiên, các nhà phân tích của Capital Economics dự báo BI sẽ đợi cho tới sau khi Fed hạ lãi suất mới bắt đầu cắt giảm lãi suất, có thể vào tháng 10/2024.

Thống đốc BI Perry Warjiyo nói rằng ưu tiên của BI trong quý 3 là ổn định tỷ giá Rupiah và việc giảm lãi suất có thể diễn ra trong quý 4 năm nay, tùy thuộc vào mức độ rõ ràng về đường đi lãi suất của Mỹ. BI dự báo Fed sẽ giảm lãi suất 2 lần trong năm 2024.

Điều kiện để giảm lãi suất ở châu Á đã chín muồi, nhưng các nhà kinh tế của Ngân hàng Barclays kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của khu vực nên kiên nhẫn cho tới khi việc Fed hạ lãi suất trở nên chắc chắn. Bất kỳ tín hiệu lãi suất nào từ Fed đều được cho là sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến triển vọng chính sách tiền tệ ở khu vực châu Á.

OCBC thì cho rằng sẽ có sự khác biệt nhất định trong hành động của các ngân hàng trung ương ở khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Indonesia và Philippines được dự báo giảm nhanh lãi suất trong năm nay và năm 2025.  Trái lại, Thái Lan và Malaysia sẽ có những trì hoãn nhất định, ngay cả khi đồng Ringgit của Malaysia đạt mức cao nhất 18 tháng trong tuần vừa rồi nhờ các biện pháp cải cách của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế khả quan và mối quan tâm ngày càng lớn của nhà đầu tư nước ngoài đối với nước này.

Số liệu thống kê đã được điều chỉnh công bố cách đây hơn 1 tuần cho thấy GDP của Malaysia tăng trưởng 5,9% trong quý 2/2024 so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng 5,8% của lần công bố đầu tiên. So với quý trước, GDP quý 2/2024 của Malaysia tăng 2,9%. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) Abdul Rasheed Ghaffour nhận định nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng ở cận trên của vùng dự báo 4-5% trong năm nay. Sau khi tăng trưởng giảm tốc còn 3,6% trong năm ngoái, nền kinh tế Malaysia tăng tốc mạnh trong năm nay nhờ đầu tư mạnh vào ngành bán dẫn và các trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như du lịch bùng nổ.

Trong khi đó, theo Thống đốc Ghaffour, lạm phát của Malaysia ít có khả năng vượt 3% trong năm nay. Ông cũng nói rằng mức lãi suất cơ bản 3% hiện tại vẫn có tác dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Triển vọng tăng trưởng khả quan và lạm phát được kiểm soát tốt dù có xu hướng tăng trong nửa sau của năm nay sẽ cho phép BNM có dư địa để giữ nguyên lãi suất trong thời gian còn lại của năm nay”, nhà kinh tế Lavanya Venkateswaran của OCBC nhận định.

Xem bản gốc