Trong buổi workshop Founder Talk “Sức mạnh cộng sinh trong lãnh đạo doanh nghiệp”, Thi Anh Đào - CEO & Founder SYLVA, cựu Giám đốc Marketing toàn cầu của Vinfast và Top 30 gương mặt nổi bật U30 do tạp chí Forbes bình chọn đã có những chia sẻ về quá trình xây dựng “sức mạnh cộng sinh” trong doanh nghiệp.
Cựu giám đốc Marketing toàn cầu của Vinfast nhấn mạnh rằng sức mạnh cộng sinh không phải là một khái niệm mới, mà có thể được quan sát trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ý tưởng chính là khi các thành phần phối hợp và phát huy vai trò của mình, thì giá trị tổng thể sẽ lớn hơn nhiều so với tổng giá trị của từng phần riêng lẻ.
Lấy ví dụ cho điều này Thi Anh Đào đã kể chuyện Vingroup đã xây dựng “sức mạnh cộng sinh” trong doanh nghiệp. “Có thể nhận thấy rõ được về “sức mạnh cộng sinh” trong các doanh nghiệp lớn hiện tại chính là câu chuyện về hệ sinh thái. Một ví dụ điển hình là Vingroup có một hệ sinh thái rất đầy đủ. Có thể nói Vinhomes bây giờ làm khu đô thị số một Việt Nam vì ít đơn vị nào có năng lực hoàn thiện cấu phần trong một đô thị nhanh như Vinhomes.
Lý do khiến cư dân chọn một nơi để sinh sống ngoài vấn đề thuận tiện giao thông thì còn một yếu tố nữa là cái khu vực đó có những tiện ích để phục vụ cuộc sống. Hai cái tiện ích cơ bản để cư dân chọn một khu đô thị là trường học và bệnh viện và Vinhomes thì có Vinmec và Vinschool. Trong bài toán cộng sinh này không chỉ riêng Vinhomes có lợi mà bản thân Vinmec và Vinschool cũng có lợi ích khi đi chung hệ sinh thái. Chiến lược cộng sinh cũng từ đó mà phát triển.”
Bên cạnh đó, CEO Thi Anh Đào cũng nhấn mạnh rằng để tạo ra sức mạnh cộng sinh, vai trò của lãnh đạo là rất quan trọng. Lãnh đạo cần xác định rõ tầm nhìn và mục tiêu chung cho tổ chức, đồng thời tạo ra môi trường làm việc cởi mở, trao đổi thông tin minh bạch và tôn trọng sự khác biệt. Bên cạnh đó, lãnh đạo cần biết cách sắp xếp nhân sự để phát huy tối đa thế mạnh của từng cá nhân, thay vì cố gắng "bắt con cá leo cây".
“Sức mạnh cộng sinh vừa là văn hóa doanh nghiệp, vừa là một cách để quản trị doanh nghiệp. Vingroup làm điều đó rất tốt khi hình thành tư duy hệ sinh thái để phát triển sức mạnh cộng sinh”, Cựu Giám đốc Marketing toàn cầu của Vinfast Thi Anh Đào chia sẻ.
Cũng trong buổi chia sẻ, Thi Anh Đào cũng đã đưa ra một số thông tin về chiến lược marketing và quản lý đội ngũ toàn cầu của Vinfast mà cô từng đảm nhận khi còn làm Giám đốc Marketing toàn cầu của hãng này.
“Vinfast thời điểm mới ra mắt đã đặt ra mục tiêu chính là cần phải tập trung vào việc tiếp cận và thu hút khách hàng, đồng thời phải đảm bảo rằng các hoạt động tiếp thị phù hợp với văn hóa và thị trường mục tiêu. Từng có một thời gian các thị trường nước ngoài thấy khó hiểu với cách vận hành của Vinfast nên mình phải dành thời gian phân tích cho các bạn hiểu tại sao nên làm cái này và tại sao không nên làm cái kia”, cựu Giám đốc của Vinfast chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thi Anh Đào cũng cho biết thời điểm cô còn đảm đương vị trí ở Vinfast thì cô đã áp dụng mô hình centralized (tập trung hóa), decentralized (phi tập trung hóa) và hufferline (phân tích khu vực giao dịch). Trong đó:
Mô hình centralized: Tập trung vào thương hiệu toàn cầu, với các hoạt động tiếp thị và marketing tập trung vào thị trường toàn cầu.
Mô hình decentralized: Kết hợp giữa định hướng toàn cầu và địa phương hóa.
Mô hình hufferline: Tập trung vào việc phát triển các chức năng và sản phẩm phù hợp với từng thị trường cụ thể.
“Tuy nhiên, Vinfast đã từng đối mặt với những thách thức như hạn chế về nguồn lực, sự khác biệt về văn hóa và thị trường giữa các quốc gia. Để giải quyết vấn đề này, Vinfast đã phải tập trung vào việc hiểu rõ thị trường, xây dựng chiến lược phù hợp, và tăng cường sự phối hợp giữa các bộ phận. Theo đó, công ty đã xây dựng một chiến lược tiếp thị phù hợp với nguồn lực và khả năng của mình, tránh lãng phí tiền bạc”, nữ CEO Thi Anh Đào chia sẻ.
Cũng trong buổi nói chuyện, cựu Giám đốc Marketing toàn cầu của Vinfast Thi Anh Đào đã giới thiệu một số mô hình quản trị nhằm thúc đẩy sức mạnh cộng sinh, như mô hình tổ chức theo hệ sinh thái, mô hình phối hợp liên ngành, mô hình quản lý dự án theo nhóm tự nguyện. Các mô hình này nhấn mạnh vào sự hợp tác, phân quyền và tự chủ của các bộ phận, thay vì sự kiểm soát từ trên xuống.