Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Đại học RMIT chia sẻ kết quả nghiên cứu về xu hướng phát triển thành phố thông minh và bền vững

Báo xây dựng 1 Tháng trước

(Xây dựng) - Diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững 2024 do Đại học RMIT tổ chức đã đưa ra những phát hiện quan trọng liên quan đến xu hướng phát triển, cũng như các thách thức và cơ hội, trong phát triển đô thị thông minh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APAC), nơi đang chứng kiến tốc độ đô thị hóa nhanh nhất thế giới.

Đại học RMIT chia sẻ kết quả nghiên cứu về xu hướng phát triển thành phố thông minh và bền vững
Diễn đàn đề cập đến những thách thức và giải pháp đô thị hóa tại khu vực APAC.

Các thành phố tại khu vực APAC đang chịu áp lực lớn từ đô thị hóa nhanh, với dân số dự kiến tăng từ 2,4 tỷ năm 2020 lên 3,5 tỷ người vào năm 2050, chiếm 90% tăng trưởng toàn cầu. Điều này làm nghiêm trọng thêm các vấn đề về hạ tầng và môi trường.

Trước thực trạng này, nhóm nghiên cứu tại Đại học RMIT do Phó giáo sư Nguyễn Quang Trung chủ trì, đã thực hiện một nghiên cứu về thành phố thông minh và bền vững (SSC) ở khu vực APAC. Nghiên cứu phân tích dữ liệu từ nhiều bảng xếp hạng về thành phố thông minh, các nghiên cứu trước đó và báo cáo của các tổ chức uy tín như Liên Hợp quốc, Ngân hàng Phát triển châu Á, để đưa ra bức tranh toàn cảnh và những giải pháp thiết thực cho phát triển SSC.

Bức tranh đô thị thông minh tại khu vực APAC

Kết quả nghiên cứu cho thấy sự chênh lệch rõ rệt trong phát triển đô thị thông minh và bền vững tại APAC. Singapore, Seoul, Sydney và Tokyo là những thành phố dẫn đầu nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiệu quả và có sự tham gia tích cực của người dân. Trong khi đó, các thành phố như: Jakarta, Manila và Thành phố Hồ Chí Minh cần phải nỗ lực nhiều hơn để vượt qua các thách thức về hạ tầng và nguồn lực, điều này đòi hỏi ưu tiên phát triển SSC và triển khai các hệ thống quản trị thông minh.

Đại học RMIT chia sẻ kết quả nghiên cứu về xu hướng phát triển thành phố thông minh và bền vững
Các chuyên gia thảo luận tại diễn đàn.

Một phát hiện đáng chú ý cho thấy, dù chỉ chiếm 5% diện tích đất toàn cầu, các đô thị tiêu thụ 60% lượng nước sạch có thể uống được, 75% năng lượng và phát thải 60–80% khí nhà kính. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu, đặc biệt là lũ lụt và mực nước biển dâng cao, tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các đô thị ven biển, nhất là ở những nước đang phát triển. Hạn chế tài chính và bất bình đẳng trong tiếp cận công nghệ số vẫn là những rào cản lớn trong sự tiến bộ của các thành phố này.

Các thành phố như Seoul và Sydney đã chứng minh rằng những công nghệ như: AI, IoT và mạng 5G có thể được sử dụng hiệu quả như thế nào trong quản lý giao thông, hiệu quả năng lượng và dịch vụ công cộng. Kết quả cũng nhấn mạnh rằng bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu và tăng cường an ninh mạng là yếu tố then chốt để SSC phát triển bền vững và công bằng.

Đề xuất chính sách cho một tương lai thông minh và bền vững

Nhóm nghiên cứu đề xuất áp dụng mô hình năm giai đoạn để phát triển SSC, gồm có xác định nhu cầu, đánh giá mức độ sẵn sàng, xây dựng chiến lược, thực thi kế hoạch và giám sát tiến trình. Khung chiến lược này giúp các nhà hoạch định chính sách đo lường tính hiệu quả và điều chỉnh kịp thời.

Đại học RMIT chia sẻ kết quả nghiên cứu về xu hướng phát triển thành phố thông minh và bền vững
Diễn đàn giới thiệu mô hình năm giai đoạn giúp triển khai các sáng kiến đô thị thông minh hiệu quả.

Hiện nay, khu vực APAC thiếu khoảng 500 tỷ đô la Mỹ mỗi năm để đầu tư cơ sở hạ tầng và tích hợp công nghệ số vào giao thông, năng lượng và dịch vụ công. Thiếu hụt này khiến hợp tác công-tư (PPP) trở thành giải pháp cấp thiết, khi chỉ 16% thành phố toàn cầu đủ khả năng tự tài trợ cho các dự án SSC.

Các SSC đang chuyển sang giai đoạn phát triển thứ 3, tập trung vào sự tham gia tích cực của xã hội thay vì chỉ dựa vào chính phủ hay đơn thuần dựa vào các giải pháp công nghệ. Nhóm nghiên cứu kêu gọi xây dựng khung chính sách linh hoạt để tích hợp công nghệ mới, tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và phát triển nền quản trị thông minh.

Học hỏi từ các thành phố như Singapore, Seoul và Sydney là hướng đi quan trọng. Các thành phố này đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý giao thông, tối ưu hóa năng lượng và dịch vụ công, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy hiệu quả kinh tế.

Đại học RMIT chia sẻ kết quả nghiên cứu về xu hướng phát triển thành phố thông minh và bền vững
Diễn đàn nhấn mạnh vào hợp tác khu vực và chia sẻ kinh nghiệm.

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng hợp tác khu vực và chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành phố là điều kiện tiên quyết giúp tối ưu hóa nguồn lực và xây dựng nền tảng bền vững. Các sáng kiến cần đảm bảo tính toàn diện, thu hẹp khoảng cách số và không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau.

Phó Giáo sư Nguyễn Quang Trung, đồng lãnh đạo Trung tâm Thành phố thông minh và bền vững RMIT Việt Nam nhấn mạnh: “Phát triển thành phố thông minh không chỉ là sự đổi mới về công nghệ, mà còn là hành trình xây dựng một xã hội bền vững với con người làm trung tâm. Đây là thông tin hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách để định hình chiến lược phát triển SSC phù hợp với bối cảnh mới”.

Xem bản gốc