Sáng 30/9/2024, HĐND tỉnh Kiên Giang khóa X đã tổ chức Kỳ họp thứ 26 (kỳ họp chuyên đề) thông qua một số vấn đề quan trọng về đầu tư công, về triển khai các dự án.
Các đại biểu tỉnh Kiên Giang đã thông qua nghị quyết về chủ trương chuyển hơn 22,7 ha đất rừng sang đất mục đích khác. Diện tích đất rừng được chuyển đổi chủ yếu tập trung tại TP. Phú Quốc với hơn 20,3 ha.
Theo HĐND tỉnh Kiên Giang, diện tích đất rừng tại TP. Phú Quốc được chuyển đổi nhằm triển khai 04 dự án, gồm: Mở rộng Ban Chỉ huy quân sự huyện Kiên Lương (hơn 2,3 ha); nâng cấp, mở rộng đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu và xây dựng mới nhánh nối với đường trục Nam - Bắc TP. Phú Quốc (hơn 6,3 ha); dự án xây dựng trụ sở làm việc Công an TP. Phú Quốc (hơn 6 ha) và dự án xây dựng doanh trại Tiểu đoàn Đặc công nước thuộc Lữ đoàn 5, Bộ Tư lệnh Đặc công (khoảng 8 ha).
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết các dự án được các cấp thẩm quyền phê duyệt đúng quy định pháp luật. Các vị trí đề nghị chuyển đổi cũng đã được đưa ra khỏi quy hoạch rừng, không làm ảnh hưởng đến diện tích đất rừng theo chỉ tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
HĐND tỉnh Kiên Giang cũng thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 là 139.000 tỷ đồng, bố trí cho 847 công trình. Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh Kiên Giang đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết “Đề án phân loại đô thị TP. Phú Quốc là đô thị loại 1 thuộc tỉnh Kiên Giang".
Ông Trần Minh Khoa, Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc, cho biết TP. Phú Quốc được mệnh danh là “đảo Ngọc”, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể đảo tại khu vực Vịnh Thái Lan.
TP, Phú Quốc có 09 đơn vị hành chính bao gồm 02 phường và 07 xã, được quy hoạch là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế lớn, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn chủ đạo gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng.
Những năm vừa qua, tỉnh Kiên Giang nói chung và TP. Phú Quốc nói riêng đã triển khai các biện pháp mang tính đột phá, linh hoạt, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Thành phố đã huy động các nguồn vốn để xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn. Nhiều hạng mục công trình đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng, tạo ra diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc.
Đến nay, TP. Phú Quốc cơ bản hội tụ đủ các điều kiện của đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Đây là ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Phú Quốc và đã được cụ thể hóa quyết tâm trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang cũng như TP. Phú Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ông Khoa cho rằng đây cũng là tiền đề để TP. Phú Quốc tiếp tục khai thác tiềm năng, phấn đấu đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, tương xứng là khu kinh tế có vị thế đặc biệt; trung tâm kinh tế du lịch, dịch vụ du lịch sinh thái biển đảo; trung tâm thương mại, dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế…
Theo Ban Pháp chế HĐND tỉnh Kiên Giang, mặc dù Chương trình phát triển đô thị cũng như đề án phân loại đô thị TP. Phú Quốc còn một số hạn chế nhất định, nhưng với nền tảng hiện có, Phú Quốc đủ tiêu chuẩn là đô thị loại 1.
Nội dung chương trình được xây dựng phù hợp với thực tiễn, có các giải pháp đồng bộ, đảm bảo theo quy định của pháp luật là cơ sở để xây dựng và phát triển Phú Quốc trong thời gian tới…
Phú Quốc được trang The Travel bình chọn là “thiên đường nhiệt đới” và đứng thứ 03 trong 17 hòn đảo có chi phí du lịch rẻ nhất thế giới.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, đón hơn 723.960 lượt du khách quốc tế đến tham quan, du lịch, tăng 56,5% so với cùng kỳ năm 2023, vượt 8,6% kế hoạch năm 2024. Dự tính 3 tháng cuối năm 2024, TP. Phú Quốc đón khoảng 123.258 lượt du khách quốc tế, cả năm đạt mục tiêu 847.226 lượt khách đến tham quan, du lịch, vượt hơn 27% kế hoạch và tăng 52,6% so với năm 2023.