Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Đáp ứng yêu cầu năng lượng cho phát triển, chú trọng ưu tiên điện sạch

Vneconomy 3 Tuần trước

Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) chiều ngày 26/10, các đại biểu khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực, nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.

Sửa đổi Luật Điện lực cũng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển điện lực với tính chất là ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật quốc gia phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống Nhân dân...

HẠ TẦNG NĂNG LƯỢNG LÀ MỘT TRONG NHỮNG YẾU TỐ TRỤ CỘT DẪN DẮT, ĐIỂM ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN

Phát biểu định hướng một số quan điểm lớn trong sửa đổi Luật Điện lực, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực trước yêu cầu đòi hỏi về hạ tầng năng lượng- một trong những yếu tố mang tính trụ cột, dẫn dắt, điểm đột phá đối với sự phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Theo Tổng Bí thư, chúng ta đang đứng trước thách thức rất lớn là thiếu điện. Một số nhà đầu tư đã tính toán với tốc độ phát triển như hiện nay, Việt Nam có nguy cơ thiếu điện, nên đã cân nhắc có đầu tư vào Việt Nam hay không. Vì vậy, bên cạnh môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cũng cần tính toán đến sản lượng điện cung cấp cho nền kinh tế, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm định hướng một số quan điểm lớn trong sửa đổi Luật Điện lực tại thảo luận Tổ 12 chiều ngày 26/10. Tổng Bí thư Tô Lâm định hướng một số quan điểm lớn trong sửa đổi Luật Điện lực tại thảo luận Tổ 12 chiều ngày 26/10.

Bài toán đặt ra hiện nay làm sao có đủ năng lượng phục vụ phát triển, do vậy sửa đổi Luật Điện lực cần có tầm nhìn để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới. Cùng với đó, chú trọng ưu tiên phát triển điện sạch, phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; tính toán quy hoạch điện, vận tải điện hài hòa giữa các vùng, miền trong cả nước.

Hiện nay nhiều địa phương có tiềm năng lớn về phát triển điện sạch như điện điện gió, điện ngoài khơi. Do vậy cần đặt ra mục tiêu cụ thể, nhận diện rõ khó khăn, thuận lợi của từng loại hình để có kế hoạch dài hạn trong cung ứng đủ nguồn điện…

Nhấn mạnh tính cấp bách trong sửa đổi Luật Điện lực, Tổng Bí thư đề nghị làm rõ khó khăn, bất cập hiện nay, từ đó có định hướng và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật, đáp ứng yêu cầu đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng, cho nhu cầu điện của quốc gia. Trong đó, lưu ý có các quy định về phát triển điện, điều hòa điện, quy hoạch điện, đặc biệt có đủ nguồn điện, và phải đảm bảo nguồn điện sạch để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư.

Sau khi Trung ương có ý kiến về chủ trương đầu tư điện hạt nhân, trong Luật Điện lực (sửa đổi) cần đề cập đến nội dung này, trong đó tính toán đến công suất, vị trí, công nghệ. Tổng Bí thư lưu ý cần chủ động triển khai nhanh chóng, đồng bộ, song song với việc triển khai sẽ tiếp tục hoàn chỉnh, hoàn thiện.

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGUỒN ĐIỆN TÁI TẠO, NĂNG LƯỢNG XANH

Thảo luận dự án luật, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm, đoàn Sóc Trăng cho biết các tài liệu được công bố, lộ trình ngắn- trung hạn, cần phải tăng tổng nguồn cung điện 10-15%/năm mới đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của toàn nền kinh tế quốc gia, và trong dài hạn phải theo lộ trình hướng tới mục tiêu Net-Zero vào năm 2050.

Qua quá trình nghiên cứu các văn bản, đại biểu đồng tình ủng hộ các chính sách cụ thể để phát triển năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay và xu hướng của thế giới.

Đại biểu đề xuất, dự thảo Luật cần thể hiện cơ chế cụ thể đồng bộ và nhất quán với chính sách phát triển năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Trước mắt, tiếp tục thực hiện tốt quan điểm của Chính phủ về thí điểm dự án như hiện nay, gia tăng nội lực, hướng đến làm chủ công nghệ, ít nhất ở khâu vận hành, bảo trì, bảo dưỡng và tiến tới nội địa hóa các thiết bị.

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm, đoàn Sóc Trăng, phát biểu tại tổ. Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm, đoàn Sóc Trăng, phát biểu tại tổ.

Đồng thời, xem xét thúc đẩy các cơ sở nghiên cứu, các tổ chức khoa học, đầu tư nguồn lực để chúng ta chủ động trên sân nhà trong việc khuyến khích phát triển điện gió ngoài khơi.

Để hướng đến giảm phát thải, NetZezo cũng như thúc đẩy khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam đã có nhiều cơ chế và đã đạt được nhiều thành quả (tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện tăng).

Tuy nhiên, để duy trì sự ổn định và nâng cao hơn nữa các nguồn điện sạch cần những giải pháp kỹ thuật, phương án hạn chế/bổ sung cho sự thiếu ổn định của nguồn điện sạch này thông qua việc xem xét xây dựng các trung tâm, dự án lưu trữ năng lượng quốc gia ở những nơi có tiềm năng. Sớm hoàn thiện khung pháp lý cho các dự án Thủy điện tích năng đang đầu tư xây dựng, hay các dự án khác đã có trong kế hoạch điện VIII.

Đại biểu đề xuất luuật cần nghiên cứu và tạo hành lang pháp lý mang tính ổn định, lâu dài; tạo điều kiện cho các chính sách cụ thể để thể chế hóa các chủ trương, mục tiêu tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020; đồng thời, đảm bảo sự phát triển ổn định của hệ thống điện trong xu thế tỷ trọng năng lượng tái tạo ngày một tăng.

Đồng tình cao chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực, đặc biệt là chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, song để đảm bảo phát triển bền vững nguồn điện tái tạo, điện năng lượng, năng lượng xanh, đại biểu Lý Tiết Hạnh, đoàn Bình Định kiến nghị trong luật cần tiếp tục rà soát, tham chiếu các quy định pháp luật liên quan để có quản lý, phát triển, sử dụng phù hợp…

NÊN CHO PHÉP TẬP ĐOÀN NHÀ NƯỚC ĐỀ XUẤT ĐỐI TÁC KHẢO SÁT, TRIỂN KHAI DỰ ÁN ĐIỆN GIÓ NGOÀI KHƠI ĐẦU TIÊN

Góp ý về cơ chế phát triển năng lượng tái tạo, đại biểu Tạ Thị Yên, đoàn Điện Biên nêu: Khoản 9 Điều 5 dự thảo Luật quy định về chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Để tăng cường tính khả thi của chính sách về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đại biểu đề nghị thiết kế khoản 9 Điều 5 tương tự như khoản 8 Điều 5 của dự thảo Luật.

Theo đó, cần quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, cũng như cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi.

Về việc cho phép doanh nghiệp nhà nước triển khai các dự án điện gió ngoài khơi, dự thảo Luật quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép doanh nghiệp do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ được thực hiện khảo sát, triển khai dự án điện gió ngoài khơi.

Đại biểu Tạ Thị Yên, đoàn Điện Biên thảo luận tại tổ. Đại biểu Tạ Thị Yên, đoàn Điện Biên thảo luận tại tổ.

Đại biểu cho rằng do điện gió ngoài khơi là ngành mới, việc giao cho các doanh nghiệp nhà nước triển khai một số dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên là bước đi cần thận trọng. Tuy nhiên, cũng cần tính đến thực tế các doanh nghiệp nhà nước lớn trong ngành năng lượng Việt Nam đều chưa có kinh nghiệm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi.

“Để đảm bảo thành công của các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên cả về mặt công nghệ, hiệu quả kinh tế, dự thảo Luật nên bổ sung quy định việc cho phép các tập đoàn Nhà nước được đề xuất đối tác cho hoạt động khảo sát và triển khai các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên”, đại biểu đề xuất.

Việc lựa chọn đối tác có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và công nghệ trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi sẽ giúp doanh nghiệp nhà nước tận dụng nguồn lực, giảm bớt gánh nặng tài chính, chia sẻ rủi ro nếu có.

Mô hình đối tác này cũng giúp giảm thiểu những quan ngại về vấn đề an ninh, do doanh nghiệp nhà nước vẫn là đối tác nắm quyền kiểm soát đối với dự án.

Do đó, đại biểu kiến nghị bổ sung vào điểm c khoản 1 Điều 42 dự thảo Luật nội dung: “Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được đề xuất đối tác cùng phát triển dự án để Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận”.

Dự thảo luật hiện đang quy định về khảo sát dự án điện gió ngoài khơi theo hướng: Chính phủ xác định khu vực biển được phép khảo sát; Thủ tướng Chính phủ giao doanh nghiệp nhà nước thực hiện khảo sát. Việc lựa chọn nhà đầu tư tư nhân tham gia khảo sát sẽ do Chính phủ quy định chi tiết ở văn bản dưới luật. Mọi dữ liệu khảo sát thuộc sở hữu của Nhà nước; bên thực hiện khảo sát được quyền đề xuất dự án, nhưng vẫn phải tham gia đấu thầu để được lựa chọn là nhà đầu tư dự án.

Theo bà Yên, hoạt động khảo sát phục vụ cho việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi đóng vai trò rất quan trọng, với thời gian có thể lên tới 2 năm và tổng chi phí hàng chục triệu USD. Vì vậy, sẽ rất khó để thu hút nhà đầu tư tư nhân thực hiện hoạt động khảo sát nếu không có quyền sở hữu dữ liệu khảo sát và không được đảm bảo quyền phát triển dự án sau này.

Quy định như hiện nay nhằm đảm bảo quyền kiểm soát của Nhà nước đối với các nguồn dữ liệu về tài nguyên biển.

Tuy nhiên, bà Yên cho rằng cần tính đến tính khả thi của chính sách, và bổ sung những cơ chế đảm bảo quyền lợi, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư tham gia hoạt động khảo sát, góp phần tạo nguồn dữ liệu để phát triển ngành. Đại biểu đề nghị bổ sung vào điểm b khoản 4 Điều 42 nội dung sau: “cơ chế cộng thêm điểm vào điểm đánh giá hoặc hoàn trả chi phí cho nhà đầu tư thực hiện khảo sát trong trường hợp không được lựa chọn là nhà đầu tư phát triển dự án”.

Xem bản gốc