Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Đất đấu giá ngoại thành Hà Nội quay đầu giảm mạnh hết cửa thổi giá

Báo xây dựng 1 Tuần trước

Đất đấu giá tại xã Tân Phú, huyện Quốc Oai (Hà Nội) trúng cao nhất là 76,6 triệu đồng/m2, giảm 18 triệu đồng, tức khoảng 20% so với hồi tháng 11/2024.

Cuối năm 2024, 26 thửa đất (Khu LK2, LK6) tại khu ĐG31/2019 thôn Yên Quán, xã Tân Phú, huyện Quốc Oai được đấu giá thành công. Với giá khởi điểm 4,7 triệu đồng/m2, phiên đấu giá kết thúc với giá trúng cao nhất là 76,7 triệu đồng/m2 (gấp 16 lần khởi điểm) và thấp nhất là 40,7 triệu đồng/m2 (gấp 8,7 lần giá khởi điểm).

So với phiên đấu giá đất gần nhất cũng tại khu ĐG31/2019 thôn Yên Quán, xã Tân Phú hồi cuối tháng 11/2024, phiên đấu giá lần này đã giảm mạnh, khi lô đất có giá trúng cao nhất giảm 18 triệu đồng, tức khoảng 20%.

Cụ thể, phiên đấu giá 20 thửa trước đó ghi nhận mức trúng cao nhất gần 95 triệu đồng/m2, thấp nhất gần 71 triệu đồng/m2.

Hồi tháng 8, 9/2024, nhiều phiên đấu giá tại các huyện ven Hà Nội đã thu hút hàng trăm người tham dự, thậm chí có những buổi có trên 1.000 hồ sơ đăng ký. Đất đấu giá ven Hà Nội trở thành “điểm nóng” với giá trúng đã liên tiếp “lập đỉnh”, khi nhiều khu đất trên 100 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sức nóng từ các phiên đấu giá không còn được duy trì.

Đất đấu giá ngoại thành Hà Nội quay đầu giảm mạnh, hết cửa thổi giá?
Biểu đồ: Hồng Khanh

Ghi nhận các phiên đấu giá đất huyện ven Hà Nội dần có dấu hiệu hạ nhiệt ngày càng rõ sau nhiều động thái chấn chỉnh từ cơ quan quản lý. Số lượng người tham gia lẫn hồ sơ đăng ký đấu giá ít đi đáng kể.

Như tại huyện Phúc Thọ, hồi tháng 11, phiên đấu giá 12 thửa đất tại khu Dộc Tranh (xã Trạch Mỹ Lộc), khu Hương Nam (xã Xuân Đình), khu Cổng chợ (xã Tích Giang), có hơn 120 hồ sơ với 32 khách hàng đăng ký tham gia. So với phiên đấu giá hồi tháng 8, 9, lượng người tham gia đã giảm mạnh.

Đất đấu giá ngoại thành Hà Nội quay đầu giảm mạnh, hết cửa thổi giá?
Biểu đồ: Hồng Khanh

Tại phiên đấu giá này, mức trúng đấu giá đất cũng tụt sâu. Trong đó, 7 thửa đất khu Dộc Tranh đều bán thành công, nhưng giá trúng cao nhất là 37,6 triệu đồng/m2. Mức trúng thấp nhất tại khu này là 28,8 triệu đồng/m2, chỉ cao hơn giá khởi điểm khoảng 20%.

Trong khi, cũng tại khu đất Dộc Tranh, các cuộc đấu giá trước đó liên tục "lập đỉnh" với mức trúng cao nhất phiên sau cao hơn phiên trước, từ 60 đến 69,8 rồi 75 triệu đồng/m2 tại buổi đấu giá hồi giữa tháng 9.

Tại “điểm nóng” đấu giá đất ở Hoài Đức, Thanh Oai cũng cắt “cơn sốt” khi xuất hiện tình trạng bỏ cọc hàng loạt. Trong phiên đấu giá vào tháng 11/2024 tại huyện Thanh Oai, ghi nhận mức trúng cao nhất 75 triệu đồng/m2, giảm 20% so với phiên đấu tuần trước đó ở cùng khu vực. Còn so với phiên đấu kỷ lục từng ghi nhận hơn 100 đồng/m2 hồi tháng 8, giá này hạ khoảng 35%.

Điều chỉnh bảng giá đất, “cửa thoát” cho đấu giá đất

Đầu tháng 12/2024, Thủ tướng tiếp tục lưu ý các bộ, địa phương chấn chỉnh đấu giá đất sau một số phiên lại có dấu hiệu thổi giá, gây nhiễu thị trường. Nhiều địa phương cũng đã phải tạm dừng tổ chức đấu giá đất trong những tháng cuối năm để rà soát pháp lý.

Trao đổi với PV VietNamNet, chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh, cho rằng, việc điều chỉnh bảng giá đất sẽ tạo ra “cửa thoát” cho công tác đấu giá quyền sử dụng đất.

Nhìn nhận từ thực tế, ông Đỉnh đánh giá, thời gian qua, tại Hà Nội cũng như một số địa phương, nhiều trường hợp người tham gia đấu giá sẵn sàng trả giá cao bất chấp, chấp nhận mất khoản tiền đặt trước. Bởi, theo Điều 159 Luật Đất đai 2024, giá khởi điểm để đấu giá đất tính theo bảng giá đất.

Trong khi, bảng giá đất của Hà Nội (trước 20/12/2024) và nhiều địa phương quá thấp kéo theo giá khởi điểm rất thấp, tiền đặt trước được tính bằng 20% giá khởi điểm cũng rất thấp, tạo ra sức hấp dẫn lớn để thu hút nhiều người tham gia.

Như cuộc đấu giá ở huyện Sóc Sơn gây xôn xao dư luận khi được trả lên tới 30 tỷ đồng/m2 có giá khởi điểm chỉ 2-3 triệu đồng/m2. Một số người sẵn sàng “thi đấu”, trả giá cao với tâm lý “cùng lắm là mất tiền đặt trước”, tạo ra những màn “so kè” trong trả giá và gây tâm lý ức chế, muốn phá cuộc đấu giá.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đôn đốc, chỉ đạo địa phương sớm rà soát để điều chỉnh, cập nhật bảng giá đất, đảm bảo nguyên tắc thị trường. Thực tế, nhiều địa phương trong đó có TP HCM, Hà Nội… đã công bố bảng giá đất điều chỉnh với mức tăng gấp nhiều lần so với bảng giá đất cũ. Khi giá khởi điểm trong đấu giá đất được kéo sát giá thị trường và tiền đặt trước tăng theo, người dân sẽ phải suy tính kỹ càng trước khi tham gia đấu giá. Các cuộc đấu giá sẽ trở nên chuyên nghiệp, lành mạnh hơn, thay vì tình trạng lộn xộn như thời gian vừa qua”, ông Đỉnh nhận định.

Xem bản gốc