Tại tọa đàm “Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo”, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết dưới sự chỉ đạo của Chính phủ về phát triển kinh tế các vùng đặc biệt khó khăn, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển các vùng khó khăn.
NHIỀU RÀO CẢN HẠN CHẾ ĐẦU RA
Đơn cử, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020, giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn tiếp theo. Chương trình được thực hiện tại 287 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc 48 tỉnh/thành phố trên cả nước. Chương nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, việc thực thi chính sách này vẫn gặp không ít khó khăn lớn. Vấn đề chất lượng sản phẩm là một trong những rào cản hàng đầu. Nhiều sản phẩm vùng miền, đặc biệt là nông sản, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm hoặc yêu cầu về truy xuất nguồn gốc mà các hệ thống phân phối hiện đại đòi hỏi. Điều này khiến việc đưa sản phẩm vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay các kênh thương mại điện tử gặp nhiều thách thức.
Hơn nữa, chi phí logistics cao và hạn chế hạ tầng giao thông cũng là những khó khăn nghiêm trọng. Do khoảng cách địa lý lớn và điều kiện giao thông chưa đồng bộ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, chi phí vận chuyển sản phẩm đến các trung tâm phân phối rất cao, đặc biệt đối với các sản phẩm tươi sống, dễ hỏng.
Việc thiếu các cơ sở kho bãi và bảo quản hiện đại khiến việc duy trì chất lượng sản phẩm trong quá trình vận chuyển gặp nhiều trở ngại.
Cùng với đó, hạn chế về năng lực tiếp cận thị trường, nhiều hộ sản xuất, hợp tác xã tại các vùng khó khăn vẫn chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng kinh doanh, marketing hoặc ứng dụng công nghệ số. Dù các sàn thương mại điện tử đã hỗ trợ đưa sản phẩm vùng miền lên nền tảng, nhưng mức độ tiếp cận và khai thác tiềm năng từ các kênh này còn thấp do thiếu kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết.
Ngoài ra, một số chương trình hỗ trợ chưa đồng bộ và hiệu quả. Mặc dù đã triển khai nhiều chính sách và chương trình lớn nhưng ở một số địa phương, việc thực thi vẫn mang tính hình thức, chậm trễ hoặc chưa tận dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ. Các chương trình xúc tiến thương mại thường mang tính thời vụ, chưa tạo được sự ổn định và bền vững trong tiêu thụ sản phẩm.
Là nhà phân phối với sản phẩm đặc sản vùng miền chiếm từ 60-70% doanh thu bán hàng, bà Nguyễn Thị Dân, Chuỗi cửa hàng Thực phẩm sạch Bác Tôm, chia sẻ khó khăn khi kinh doanh các sản phẩm này là do canh tác thuận tự nhiên, chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật nên sản lượng khá thấp. Mỗi lần nhập hàng Bác Tôm phải đợi gom khoảng 200 - 300 kg mới đủ một cước nhằm giảm chi phí logistics.
Ngoài ra, những sản phẩm hải sản ở đảo Phú Quốc, Lý Sơn khá tốt nhưng do mỗi lần đánh bắt tự nhiên được sản lượng ít nên cước vận chuyển khá cao. Do vậy chi phí giá thành lớn, ảnh hưởng nhiều đến sức mua của người tiêu dùng.
LIÊN KẾT CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG, DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI DÂN
Để thúc đẩy sản phẩm của bà con khu vực này tham gia sâu hơn vào các hệ thống phân phối, rất cần có những giải pháp đồng bộ, sự liên kết từ các chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Theo bà Nguyễn Thị Dân, đặc thù của những sản phẩm vùng miền số lượng sản xuất rất ít, diện tích sản xuất thì khá manh mún. Do vậy, người dân gần như không đầu tư vào hồ sơ sản phẩm, giấy tờ cũng như các hồ sơ pháp lý của sản phẩm.
Theo đó, để có thể tiếp cận nhiều hơn với thị trường phân phối rộng lớn, ngoài những kênh tiêu thụ nhỏ hay những chuỗi siêu thị lớn thì họ cần những hồ sơ pháp lý rất tốt. "Bà con nông dân, hợp tác xã cần phải chuẩn bị rất nhiều những hành trang về công bố sản phẩm, hồ sơ chỉ dẫn địa lý cũng như pháp lý cho sản phẩm của mình. Đặc biệt, cần các cơ quan chức năng hỗ trợ về quy trình kỹ thuật canh tác để cải thiện được mẫu mã của sản phẩm", bà Dân nhấn mạnh.
Một điểm cần lưu ý, rất nhiều bà con ở vùng Sơn La, sản xuất xoài hay nhãn quá ồ ạt mà không phân bổ đa dạng sản phẩm. Chúng ta cần rất nhiều sản phẩm thế mạnh khác, nên phải cân bằng sản lượng giữa các sản phẩm để nguồn cung phù hợp với nguồn cầu, không bị quá dư thừa dẫn đến ảnh hưởng đến giá cả, tiêu thụ.
Ngoài ra, bà con có thể chế biến đối với những sản phẩm rau, củ, quả như sấy hoặc làm nguyên liệu cho ngành dược liệu, ngành chế biến giúp gia tăng thêm giá trị cho cái sản phẩm. Vì sản phẩm tươi thì thời gian bảo quản khá ngắn và nếu như chỉ bán tập trung trong một thời gian ngắn sẽ khó khăn cho các kênh phân phối.
Không chỉ vậy, việc bảo quản, chế biến và tăng cường thay đổi mẫu mã cũng là một cách khá tốt để cho sản phẩm đặc sản vùng miền đi xa hơn nữa và phát triển được nhiều hơn nữa.
Để hỗ trợ thương mại hóa và mở rộng chuỗi cung ứng sản phẩm miền núi vùng sâu vùng xa và hải đảo, theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, cần tiếp tục nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm thông qua hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ cho người dân.
Chính phủ cần cải thiện hạ tầng giao thông và logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển, cũng như tăng cường đào tạo kỹ năng kinh doanh, kỹ năng tiếp thị marketing và ứng dụng số cho người nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương. “Đây sẽ là những giải pháp cần thiết để tận dụng tối đa các thuận lợi, khắc phục khó khăn và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong các hệ thống phân phối hiện đại”, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
"Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ hướng dẫn các địa phương triển khai, tổ chức những hoạt động gắn giữa văn hóa, du lịch với thương mại như các lễ hội, hội chợ để vừa tôn vinh văn hóa của đồng bào, vừa phát triển và bán được sản phẩm hàng hóa của bà con", ông Tuấn thông tin; đồng thời cho biết: "Chúng tôi hướng dẫn bà con không phải chỉ bán hàng hoá sản phẩm, mà còn là bán giá trị trong gắn kết cả văn hoá vào sản phẩm".
Bộ Công Thương cũng sẽ xây dựng mô hình thí điểm về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Đồng thời, tổ chức đào tạo được nguồn nhân lực về quản lý nhà nước, về kinh doanh cho bà con miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, và cả các doanh nghiệp hoạt động tại khu vực để hỗ trợ nâng cao nhận thức và hỗ trợ trong việc tiêu thụ hàng hóa một cách thuận lợi hơn.