Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Đầu tư hạ tầng và đảm bảo an toàn để phát triển internet Việt Nam

Báo Tin tức 1 Tháng trước
Chú thích ảnh Viettel triển khai kế hoạch khai trương mạng 5G tại toàn bộ 63/63 tỉnh, thành. Ảnh: TTXVN phát

Ngày nay, hạ tầng internet là hạ tầng số để chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội. Để đảm bảo internet Việt Nam phát triển hơn, nhanh hơn, an toàn hơn và phẳng hơn, bên cạnh việc đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng, Việt Nam phải đối mặt với những phát sinh từ việc quản lý, khai thác mạng internet, công nghệ mới, vấn đề an ninh mạng và an toàn thông tin.

Phát triển thần tốc

Sau nhiều nỗ lực đưa internet vào Việt Nam, ngày 19/11/1997, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Công ty Cổ phần Netnam là những đơn vị đầu tiên được cung cấp dịch vụ internet. Khi đó, hạ tầng internet Việt Nam chỉ có tốc độ 64 Kb/s kết nối đi quốc tế cho khoảng 300 người với theo hướng chính là Hoa Kỳ và Australia. Thời điểm mới được cung cấp, mỗi lần kết nối internet, đường dây điện thoại của người sử dụng sẽ không thể nghe, gọi điện bởi dịch vụ lúc đó chỉ truy cập duy nhất là dial-up hoặc qua đường dây điện thoại cố định.

Thời gian đầu, internet tại Việt Nam rất hạn chế bởi chủ trương là quản lý được thì mới khai thác. Sau đó, do nhu cầu thiết yếu của hội nhập quốc tế và phát triển công nghệ, Việt Nam đã thay đổi theo hướng phát triển đến đâu, quản lý đến đó, tức là quản lý nhà nước phải theo kịp sự phát triển của internet. Nhìn nhận những đóng góp to lớn của internet với sự phát triển của nhân lại nói chung, của Việt Nam nói riêng, hiện nay, chủ trương, chính sách về internet không chỉ theo kịp mà còn cần phù hợp để định hướng, thúc đẩy, hỗ trợ internet phát triển nhanh hơn..

Dưới những thay đổi của chính sách, internet Việt Nam có những bước nhảy vọt. Theo thống kê, vào năm 1997, Việt Nam chỉ có khoảng hơn 200.000 người sử dụng internet. Năm năm sau, có khoảng 3 triệu người (tương đương 4% dân số cả nước) sử dụng mạng. Năm 2007, Việt Nam có gần 20 triệu người dùng mạng, tăng gấp gần 7 lần và chiếm khoảng 24% dân số cả nước. Đến tháng 1/2024, theo thống kê của Wearesocial và DataReportal, Việt Nam có 78,44 triệu người sử dụng internet tương đương 79,1% dân số. Hiện ước tính, người dùng Việt Nam dành trung bình tới gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới internet và tỷ lệ người dùng ở Việt Nam sử dụng internet hằng ngày lên tới 94%.

Nói về sự phát triển của internet Việt Nam, ông Nguyễn Vũ An, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần NetNam - một trong những đơn vị đầu tiên được cấp phép khai thác internet tại Việt Nam chia sẻ, 30 năm trước, internet là một cái gì rất mơ hồ, mới mẻ và xa lạ với Việt Nam. Giờ đây, internet là thành phần không thể thiếu.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 10/2024, tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh của Việt Nam đã đạt 88,7%; số hộ gia đình có internet cáp quang băng rộng chiếm 82,3%. Hiện, độ phủ sóng mạng 4G tại Việt Nam là 99,8%. Tỷ lệ chuyển đổi sử dụng giao thức internet thế hệ 6 (IPv6) của Việt Nam đạt khoảng 60%, thuộc nhóm 10 quốc gia cao nhất toàn cầu. Từ ngày 15/10/2024, mạng 5G chính thức được Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) thương mại hóa.

Mục tiêu của Việt Nam là tới năm 2025, 100% hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định với 90% người sử dụng có thể truy nhập internet cố định, tốc độ trung bình 200 Mb/s. Đến năm 2030, 100% người sử dụng truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s. Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin và sẽ chuyển đổi thành công IPv6.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết: Đến năm 2025, internet Việt Nam sẽ rộng hơn, nhanh hơn và an toàn hơn. Việt Nam xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Năm 2030, mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc và mọi người dân được truy cập internet băng thông rộng với chi phí thấp. Với những mục tiêu này, vai trò, trách nhiệm của ngành Thông tin và Truyền thông là xây dựng hạ tầng internet tự chủ về công nghệ, rộng khắp, hiện đại và an toàn, thúc đẩy và bảo vệ sự an toàn của dòng chảy dữ liệu trên không gian mạng, đồng thời dẫn dắt quá trình tích hợp internet vào mọi hoạt động phát triển kinh tế xã hội.

Chú thích ảnh Sản phẩm dịch vụ Wifi 7 mới ra mắt ngày 3/10/2024. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Đảm bảo an toàn internet

Internet là một trong những hạ tầng quan trọng nhất để phát triển dữ liệu số, công nghệ số và chuyển đổi số Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng internet ngày càng gia tăng, hạ tầng số Việt Nam phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng và internet tốc độ cao được phổ cập. Đáng nói, để các dịch vụ internet Việt Nam theo hướng bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn thì hạ tầng internet cần thay đổi, cải tiến, tương thích với sự phát triển của các công nghệ mới nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn và bền vững.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết: Internet chịu tác động mạnh mẽ từ sự phát triển nhanh chóng và ứng dụng của các công nghệ mới như 5G, IoT, cloud computing, big data, AI… Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức từ sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), tình trạng lạm dụng tài nguyên internet để thực hiện các hành vi, hoạt động lừa đảo, có hại với người dùng internet. Rõ ràng, công nghệ tạo ra nhiều giá trị nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều vấn đề. Cách hiệu quả nhất để là dùng công nghệ để giải quyết những phát sinh từ công nghệ bởi chỉ áp dụng công nghệ mới giải quyết được nhiều vấn đề quy mô lớn và có tốc độ xử lý nhanh.

Các nhà cung cấp dịch vụ internet cần đảm bảo cung cấp mạng internet mở, an toàn và ổn định thông qua phân bổ tài nguyên internet. Chỉ khi môi trường internet được đảm bảo an toàn, thì mới xây dựng và củng cố niềm tin số cho người dùng mạng. Hạ tầng internet là hạ tầng cốt lõi cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Để đảm bảo an toàn, ở cấp đầu tiên, cần nhận thức đúng mức và đầu tư tương xứng từ lớp hạ tầng mạng lưới internet. Sự chung tay, hợp tác của cả cộng đồng kỹ thuật và các bên trong hệ sinh thái internet là yếu tố kiên quyết để đảm bảo an toàn hạ tầng internet Việt Nam.

Để giảm thiểu hành vi tiêu cực trên không gian mạng, ngày 9/11/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/NĐ-CP/2024 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Nghị định sẽ được áp dụng từ ngày 25/12/2025 với nhiều quy định mới được bổ sung về xác thực, chặn lọc, bảo vệ người dùng... nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập đang tồn tại, đảm bảo phù hợp xu thế phát triển hội nhập công nghệ số, nội dung số và các dịch vụ internet.

Ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho biết, với những quy định mới của Nghị định 147/NĐ-CP/2024, thời gian tới, người dùng internet sẽ nhận thức được rõ hơn về vị thế của mình trên mạng internet, với các ứng dụng hàng ngày, giảm bớt yếu tố "ảo" và gần với đời sống thực hơn. Các bên liên quan trong hệ sinh thái internet hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, qua đó chú trọng đầu tư về công nghệ, quy trình, nhận thức để góp phần làm cho hoạt động trên không gian mạng được lành mạnh hơn. Các nhà cung cấp dịch vụ sẽ phải thực hiện thêm một số trách nhiệm, gồm cả pháp lý và kỹ thuật, đặc biệt sẽ cần đầu tư thêm cho hệ thống kỹ thuật, quy trình cũng như vận hành dịch vụ để đảm bảo các yêu cầu an toàn an ninh mạng trong giai đoạn hiện nay.

Để tạo nên bức tranh tương lai internet Việt Nam lớn hơn, nhanh hơn, an toàn hơn, phẳng hơn, cùng với các hoạt động tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức về an toàn cho người dùng internet, khi các quy định được thực thi tốt, các cơ quan nhà nước kỳ vọng giảm thiểu được các điểm tiêu cực trên không gian mạng, đặc biệt là các hoạt động lừa đảo trực tuyến; sử dụng các giải pháp, công nghệ mới trong quản lý, phát triển hạ tầng internet; ứng dụng công nghệ trong đánh giá, giám sát, đo lường và khai thác dữ liệu internet phục vụ việc xây dựng hạ tầng số, chuyển đổi số quốc gia.

Xem bản gốc