(Xây dựng) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư chữ ký số.
Ảnh minh họa. |
Theo dự thảo, người nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư chữ ký số là tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ tin cậy.
Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử là tổ chức thu phí theo quy định tại Thông tư này.
Mức thu phí từ 3.000 đồng/ tháng đến 4.200.000 đồng/tháng
Dự thảo đề xuất mức thu phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư chữ ký số như sau:
Đối với dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng: 3.000 đồng/tháng/01 chứng thư chữ ký số công cộng của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp cho thuê bao là tổ chức, doanh nghiệp (không bao gồm cá nhân).
Thời gian tính phí từ tháng chứng thư chữ ký số cấp cho thuê bao bắt đầu có hiệu lực hoạt động đến tháng trước liền kề tháng chứng thư chữ ký số công cộng hết hạn hoặc đến tháng chứng thư chữ ký số công cộng bị tạm ngưng, thu hồi. Trường hợp chứng thư chữ ký số công cộng có hiệu lực và hết hiệu lực trong cùng tháng thì tính là một tháng.
Đối với dịch vụ cấp dấu thời gian: 4.200.000 đồng/tháng/chứng thư chữ ký số cho dịch vụ cấp dấu thời gian do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia cấp cho tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tin cậy.
Đối với dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu: 4.200.000 đồng/tháng/chứng thư chữ ký số cho dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia cấp cho tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tin cậy.
Thời gian tính phí làm tròn từ tháng chứng thư chữ ký số cho dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu được tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia cấp cho tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tin cậy đến tháng trước liền kề tháng chứng thư chữ ký số này hết hạn hoặc đến tháng chứng thư chữ ký số này bị tạm ngưng, thu hồi.
Quản lý và sử dụng phí
Theo dự thảo, tổ chức thu phí được để lại 85% số phí thu được để trang trải chi phí phục vụ công việc, thu phí theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí; nộp 15% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP của Chính phủ thì phải nộp toàn bộ tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.