Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

#DEPTOPLIST2024: 3 thay đổi nổi bật nhất của Kpop

Đẹp 2 Tuần trước

Năm 2024, sân chơi Kpop không chỉ chứng kiến màn chuyển giao giữa các thế hệ, mà còn là sự lên ngôi bất ngờ của các nhân tố đến từ công ty nhỏ. Bên cạnh đó, trước mức độ phủ sóng rộng rãi của mạng xã hội, cấu trúc của bài hát Kpop đã được thay đổi ít nhiều để phù hợp thị hiếu khán giả. 

Thời đại của các nhóm nữ

Các nhóm nhạc nữ Kpop chưa bao giờ được nhắc đến nhiều như năm 2024. Các nhóm nhạc nữ thuộc gen 2 (2005 – 2010) hay gen 3 (2011 – 2017) như SNSD (2007), 2NE1 (2009), Twice (2015), Blackpink (2016) dù nổi đình đám nhưng không thể soán ngôi sức hút từ các nhóm nhạc nam. Một phần vì khán giả Hàn coi trọng giá trị mà nam giới mang lại nhiều hơn so với nữ giới, mặt khác vì hình tượng “oppa” dễ dàng chinh phục trái tim của các cô gái. Chính vì lẽ đó mà hơn 20 năm qua, các nhóm nhạc nam luôn được khán giả ái mộ trong nước ưu ái hơn cả. 

(Từ trái sang) aespa và IVE thuộc “Ngũ long công chúa” gen 4 của Kpop.

Thế thượng phong nghiêng về phía nhóm nhạc nam dần đổi chiều ở gen 4 (2018 – 2024) và gen 5. Các nữ thần tượng từ nhóm aespa (202), (G)-idle (2018), NewJeans (2021), IVE (2021),… thống trị các bảng xếp hạng. Không chỉ nhỉnh hơn về độ phổ biến, các nhóm nhạc nữ đã dần rút ngắn khoảng cách về doanh thu album và thành tích nhạc số. 

(Từ trái sang) NewJeans, LE SSERAFIM, G-(i)dle thuộc “Ngũ long công chúa” gen 4 của Kpop.

Năm 2022, Circle Chart công bố nghệ sĩ nữ nắm 32,6% trong tổng số hơn 74 triệu album Kpop đã bán, hơn gấp đôi tỷ lệ doanh thu album của nghệ sĩ nữ vào năm trước. Năm 2023, aespa (“MY WORLD” – 2 triệu bản) và IVE (“I’VE MINE” – 1,9 triệu bản) lần lượt đứng hạng 9 và 11 trong danh sách album bán chạy nhất theo Circle Chart. Con số này không quá chênh lệch so với album đầu bảng của SEVENTEEN – “FML”, ghi nhận mức 5,6 triệu bản trong tổng số hơn 100 triệu album Kpop đã bán. Về mảng nhạc số, các nhóm nữ hoàn toàn áp đảo. NewJeans dẫn đầu bảng với “Ditto”, đạt gần 800 triệu lượt nghe, trong khi nhóm nam sở hữu lượt nghe nhiều nhất là NCT Dream với “Candy” – hơn 357 triệu lượt nghe. 

(Từ trái sang) Stray Kids và SEVENTEEN là 2 nhóm nam dẫn đầu số lượng album bán ra.

Loạt thành tích ấn tượng nêu trên tiếp tục diễn ra trong năm 2024. Do đó, năm nay là năm đầu tiên trong 20 năm, lễ trao giải Melon Music Awards trao toàn bộ giải cao quý nhất – Daesang cho các nhóm nữ. Thành tích PAK (Perfect-all-kill) – ca khúc No.1 tất cả các bảng xếp hạng năm nay đều thuộc về nhóm nữ. Các bài hát phổ biến nhất theo từng thời điểm trong năm lần lượt gồm “Perfect Night” của LE SSERAFIM, “Magnetic” của ILLIT, “Fate” của (G)-idle) và “Supernova” của aespa.

aespa thắng đậm với 6 chiếc cúp MAMA và 7 chiếc cúp tại MMA năm nay.

Sự thay đổi này bị tác động bởi nhiều yếu tố. Đầu tiên có thể kể đến việc các thành viên nhóm nam đình đám dần bước vào giai đoạn nhập ngũ. Thứ hai là các scandal dính líu tới các nhóm nam. Mở đầu là vụ việc của Ngô Diệc Phàm, sao đỉnh lưu của Trung Quốc với nghệ danh Kris, cựu thành viên của EXO bị tuyên án 13 năm tù, bị trục xuất khỏi Trung Quốc 10 năm vì các tội danh cưỡng hiếp, trốn thuế, lợi dụng người hâm mộ tuổi vị thành niên,… Sau Ngô Diệc Phàm, khán giả Kpop tiếp tục “mất lòng tin” với các “oppa”, nổi bật như vụ “Burning Sun” của Seung Ri (Big Bang), hay các cáo buộc hút ma tuý, dùng thuốc phiện như cựu thành viên B.I (iKon), TOP (Big Bang),… Gần đây nhất, cựu thành viên Tae Il (NCT) đang trong giai đoạn bị xét xử vì nghi vấn phạm tội cưỡng hiếp. 

Nghệ sĩ nữ nắm ngôi vương Kpop trong 2 năm gần đây.

Thời trang và phong cách trang điểm của nhóm nữ dễ tạo xu hướng hơn nhóm nam. Vì vậy, trước nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng, lượng người quan tâm nhóm nữ tăng nhiều hơn trước dù họ không am hiểu về nghệ sĩ đó. Chẳng hạn phong cách Balletcore của Jennie với “You & I”, kẻ viền mắt như Karina (aepsa) trong “Supernova”, hay các phương pháp skincare, giữ dáng như như Jang Won Young (IVE). Đây cũng là lý do mà các thương hiệu thời trang và những tờ tạp chí lớn ưu tiên lựa chọn nghệ sĩ nữ nhiều hơn. 

Sự xuất hiện của các nhân tố bất ngờ

Bên cạnh màn lội ngược dòng bền bỉ trong 2 năm từ các nhóm nữ, Kpop còn chứng kiến sự lên ngôi của các nhóm từ công ty nhỏ. Dẫn đầu thay đổi này là màn soán ngôi EXO (SM) đến từ BTS (Hybe), từng được biết đến với thương hiệu BIG HIT. Dần dà, vị thế của 3 ông lớn Kpop – SM, YG, JYP dần bị lung lay. NCT (SM) hay TREASURE (YG) cạnh tranh với SEVENTEEN (Pledis); hay aespa (SM), NMIXX (JYP) cạnh tranh IVE (Pledis), LE SSERAFIM (Source – công ty con của Hybe), NewJeans (ADOR – một nhánh của Hybe),…

(Từ trái sang) BABYMONSTER và NMIXX gần như bị đuối sức để theo kịp đàn chị BLACKPINK và Twice.

Nếu như aespa từng bước khẳng định vị thế của nhóm bằng các sản phẩm ngày càng chất lượng, thì NMIXX hay NCT, hoặc gần đây nhất là BABYMONSTER (YG) gần như bị đuối sức. Các cô em út nhà YG ra mắt năm 2023 được kỳ vọng nối tiếp đàn chị 2NE1, Blackpink. Song theo báo cáo tài chính nửa đầu năm nay, YG gặp “đại khủng hoảng” khi lợi nhuận quý II chỉ thu lại 300 triệu KRW (tương đương 5,5 tỷ đồng), giảm gần 99% so với năm ngoái.

PLAVE và MAVE không chỉ vừa có ngoại hình, tài năng mà còn biết giữ đời tư trong sạch.

Giờ đây khi nhắc đến Kpop, những cái tên lớn tiêu biểu dần được thay thế bởi những cái tên “nhỏ nhưng có võ”. FIFTY FIFTY được biết đến với hit “Cupid”, Kiss Of Life mang hình tượng nóng bỏng, khoẻ khoắn, hay bộ đôi nhóm ảo PLAVE và MAVE “càn quét” bảng xếp hạng Melon và các giải thưởng lớn nhỏ khác. 

Những bản hit chỉ được biết đến… phần điệp khúc

Sự bùng nổ của nền tảng TikTok dần thay đổi cấu trúc của bài hát Kpop. Theo DataReportal, mạng xã hội này đã đạt 2 tỷ người dùng, bỏ xa con số khởi điểm là 347 triệu người dùng vào năm 2018. Triển khai nội dung ngắn kéo dài từ 5 – 15 giây, các nhà sáng tạo nội dung trên TikTok phải nỗ lực giữ chân người xem ở 3 – 5 giây đầu tiên bằng giai điệu bắt tai, điệu nhảy “viral”.

Dance chanllenge là tiết mục không thể thiếu vào mỗi đợt comeback.

Khán giả dần không đủ kiên nhẫn chờ những đoạn hay của bài hát. Từ đó, cấu trúc bài bị rút ngắn còn 2 – 3 phút, chủ yếu đánh vào phân đoạn “ăn tiền” nhất. Thậm chí, những “cây cầu” trứ danh, được gọi là đoạn Bridge gắn với Kpop cũng biến mất. Màu sắc âm nhạc và vũ đạo không còn đa dạng như trước. Các nhóm nhạc lựa chọn thể loại nhạc dễ thương, dễ nghe để thu hút người xem, bên cạnh vũ đạo được giản lược để thực hiện thử thách “dance challenge” (khán giả bắt chước nhảy theo). Chính vì lý do này mà Kpop bị nhận xét dần “mất chất”. Kpop từng là nơi tạo ra xu hướng, giờ đây lại là nơi nương theo khán giả để sản phẩm nhanh chóng trở thành hit. Mặc dù vậy, số lượng album hay world tour của toàn ngành Kpop vẫn ghi nhận mức doanh thu nhỉnh hơn các năm trước. 

Kpop sẽ dần đánh mất sự sáng tạo để tập trung thương mại trong tương lai?

Thuộc về ngành sáng tạo nghệ thuật, cốt lõi của Kpop vẫn là nền công nghiệp giải trí với mọi ưu tiên hướng về mặt thương mại. Dẫu cho nhiều rủi ro khiến Kpop dần mai một, năm 2025 dự kiến sẽ lặp lại như năm nay nếu các công ty giải trí quá tập trung vào việc chạy theo xu hướng, mà bỏ qua yếu tố cốt lõi của Kpop – văn hóa Hàn Quốc.

Xem bản gốc