Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

ĐHĐCĐ BFC: Vì sao kế hoạch năm 2025 thấp hơn năm 2024?

Vietstock 7 Giờ trước

ĐHĐCĐ BFC: Vì sao kế hoạch năm 2025 thấp hơn năm 2024?

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của CTCP Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC), một trong những nội dung được cổ đông đặc biệt quan tâm là việc Công ty đặt kế hoạch kinh doanh năm 2025 thấp hơn đáng kể so với năm 2024 – năm có kết quả kỷ lục.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của BFC tổ chức sáng 29/04 đã thông qua tất cả tờ trình - Ảnh: Khang Di

Năm 2024: Kết quả kỷ lục nhờ thị trường thuận lợi

Kết quả kinh doanh qua các năm của BFC

Theo báo cáo tại đại hội, BFC ghi nhận sản lượng tiêu thụ năm 2024 đạt 728,923 tấn, tăng 26% so với năm trước. Doanh thu thuần đạt hơn 9,358 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 357 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và gấp 2.4 lần năm 2023. Với kết quả này, Công ty vượt 29% kế hoạch doanh thu và 153% kế hoạch lợi nhuận. Cổ tức dự kiến chi trả 30% mệnh giá, tương đương khoảng 172 tỷ đồng.

Ông Ngô Văn Đông – Tổng Giám đốc BFC cho biết, năm 2024 là giai đoạn thuận lợi hiếm có cho ngành nông nghiệp Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt gần 63 tỷ USD và giá nhiều loại nông sản thiết lập kỷ lục mới. Giá lúa có thời điểm lên đến 9,000–10,000 đồng/kg, giá cà phê tăng lên 120,000–130,000 đồng/kg, giúp nông dân mạnh tay đầu tư vào vật tư nông nghiệp để gia tăng năng suất và chất lượng nông sản, trong đó có phân bón Bình Điền.

Kế hoạch năm 2025 thận trọng trước nhiều biến số

Sau kết quả ấn tượng năm qua, BFC đưa ra kế hoạch kinh doanh 2025 với các chỉ tiêu đồng loạt giảm mạnh so với thực hiện năm 2024. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ mục tiêu là 605,000 tấn (giảm 17%), tổng doanh thu dự kiến 7,438 tỷ đồng (giảm 22%) và lợi nhuận trước thuế khoảng 281 tỷ đồng (giảm 47%). Kế hoạch cổ tức cũng hạ từ 30% xuống còn 20%.

Ông Đông lý giải: “Ngay từ đầu năm 2025, giá nhiều loại nông sản, đặc biệt là lúa gạo, đã giảm mạnh so với mức đỉnh, kéo theo nhu cầu phân bón tại các vùng trọng điểm như Đồng bằng sông Cửu Long sụt giảm. Do đó, BFC lập kế hoạch thận trọng để đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện, đồng thời sẵn sàng nỗ lực bứt phá nếu thị trường chuyển biến thuận lợi hơn.”

Ông Đông lưu ý giá nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh cũng là yếu tố rủi ro đáng chú ý, khi chỉ trong một tháng qua, giá nguyên liệu đã tăng khoảng 30%.

Cạnh tranh ngày càng gay gắt trong ngành phân bón

Tại đại hội, Tổng Giám đốc BFC cũng chia sẻ thêm về bối cảnh ngành phân bón trong nước hiện nay đối mặt với nguồn cung phân bón đã vượt xa nhu cầu thực tế.

Sản lượng sản xuất trong nước và nhập khẩu phân bón đã đạt khoảng 11 triệu tấn. Trong khi nhu cầu phân bón nội địa ngày càng giảm do diện tích canh tác thu hẹp, nông dân ứng dụng công nghệ kỹ thuật để canh tác nhằm tiết kiệm phân bón hơn. Điều này khiến cuộc cạnh tranh giành thị phần ngày càng khắc nghiệt", ông Đông cho biết.

Trong bối cảnh này, Phân bón Bình Điền tiếp tục cạnh tranh bằng chất lượng, đầu tư nghiên cứu và tăng hàm lượng chất xám trong từng sản phẩm, đồng thời định hướng phát triển sản xuất xanh, bền vững, nhằm gia tăng giá trị cho nông sản Việt,” ông Đông nhấn mạnh.

Ảnh hưởng gián tiếp từ căng thẳng thương mại

Liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ, ông Đông nhận định rằng Phân bón Bình Điền không trực tiếp xuất khẩu sang thị trường Mỹ nên không bị ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, các yếu tố như chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và tác động lan tỏa từ các ngành nghề kinh doanh khác nhau trong nền kinh tế vẫn có thể ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của Công ty.

4 tháng đầu năm 2025, Công ty mẹ BFC tiêu thụ 160,000 tấn sản phẩm, mang về 110 tỷ đồng lợi nhuận, tương đương gần 50% kế hoạch năm.

Khang Di

FILI

- 15:47 29/04/2025

Xem bản gốc