Địa ốc Đà Lạt lại lỗ, hoạt động khai thác tại mỏ đá vẫn gặp khó
CTCP Địa ốc Đà Lạt (UPCoM: DLR) lại lỗ ròng gần 1 tỷ đồng trong quý 3 do hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả.
DLR lỗ triền miên nhiều năm nay | ||
DLR cho biết, việc lỗ là do thu hẹp sản xuất, tạm dừng và chuyển đổi mô hình quản lý một số hoạt động của Công ty VLXD Địa ốc Đà Lạt, Công ty Du lịch Mai Anh về văn phòng DLR quản lý và điều hành trực tiếp do sản xuất kinh doanh không hiệu quả.
Một số dự án của Công ty đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nên chưa phát sinh doanh thu, trong khi vẫn chịu chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí khấu hao. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác sản xuất tại mỏ đá phường 7, thành phố Đà Lạt đang tạm ngưng do chủ trương chung của địa phương.
Trong văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 22/10, DLR cho biết đã dừng các hoạt động khai thác từ đầu năm nay theo chỉ đạo của UBND tỉnh này dù đã đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị và các thủ tục khác theo hồ sơ được cấp, giải quyết việc làm cho CBNV. “Việc dừng hoạt động này đã gây khó khăn rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp”, Công ty giải bày.
Khu vực mỏ đá DLR đang khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường có diện tích khoảng 4ha và được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép vào năm 2013, thời hạn kéo dài 25 năm. Công ty sau đó đã trả lại một phần diện tích theo yêu cầu của tỉnh, và năm 2018 chỉ khai thác trên 2.25ha diện tích còn lại ngoài đất rừng tự nhiên. Đến đầu năm nay, DLR bị yêu cầu tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản do chưa hoàn thành đối với các giấy phép khoáng sản chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh giấy phép.
Theo DLR, căn cứ các luật liên quan và đối chiếu bản đồ ban hành kèm theo, khu vực của dự án đang khai thác không thuộc khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản. Cùng văn bản ban hành năm 2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng, trong đó thống nhất chủ trương cho DLR tiếp tục khai thác trên phần diện tích đất trống, cây bụi, không có rừng tự nhiên, Công ty đề nghị UBND tỉnh, Sở TN&MT quan tâm xem xét, tạo điều kiện để tiếp tục hoạt động trở lại theo giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Ngày 04/11 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Đà Lạt xem xét đề nghị theo văn bản Công ty gửi ngày 22/10 nhằm tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền.
Tình hình khó khăn kéo dài nhiều khả năng khiến kết quả kinh doanh DLR tiếp tục lùi sâu, làm trầm trọng thêm lỗ lũy kế, đến cuối tháng 9 đã gần 70 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu theo đó âm hơn 17 tỷ đồng.
Lãnh đạo Công ty cũng gặp khó khi đối mặt với câu hỏi về cổ tức trong đợt ĐHĐCĐ thường niên 2024 tháng 9 vừa qua và chỉ cho biết “cam kết có định hướng tốt nhất để trả cổ tức cho cổ đông trong thời gian tới” – theo biên bản họp đại hội. Về định hướng tới đây, doanh nghiệp có trụ sở tại thành phố Đà Lạt nói sẽ tiến hành quản lý, khai thác lại quỹ biệt thự, quỹ nhà ở của Công ty một cách hiệu quả.
Thông tin từ website DLR cho thấy, Công ty đang thanh lý một loạt tài sản là các xe và máy móc không còn nhu cầu sử dụng như xe ben, xe xúc lật, xe trộn bê tông, xe tải, máy biến áp...
DLR đăng tin thanh lý xe không còn nhu cầu sử dụng. Nguồn: DLR
* Công ty Địa ốc Đà Lạt cho thuê "sang tay" hàng chục biệt thự nhà nước
Tử Kính
FILI