Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Điểm danh các địa phương đứng đầu thu ngân sách nhà nước năm 2024

Nhịp sống kinh doanh 2 Tuần trước
Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vượt ngưỡng thu NSNN 500.000 tỷ đồng.

Tại Hội nghị, các địa phương báo cáo công tác tài chính – NSNN của địa phương mình, trong đó nổi bật là hai “đầu tàu” kinh tế Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thu vượt ngưỡng 500.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các thành phố lớn và các tỉnh công nghiệp cũng có số thu vượt chỉ tiêu.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, thành phố đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024. Trong đó, kết quả nổi bật là thu NSNN trên địa bàn lần đầu vượt 500.000 tỷ đồng (trong đó thu nội địa chiếm gần 94%). Thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử đạt gần 40.000 tỷ đồng (tăng 32% so với năm trước).

Tổng giao thu NSNN của TP. Hà Nội cho năm 2025 là 505.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 25,7% tổng thu cả nước; chi ngân sách 166.000 tỷ đồng. Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành mức cao nhất mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2025, của nhiệm kỳ 2021-2025 và chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới, lãnh đạo TP Hà Nội cho biết TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu chi NSNN…

Từ đầu cầu TP. Hồ Chí Minh, theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Dũng, ngay từ đầu năm, UBND TP đã tích cực chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán NSNN năm 2024. Kết quả, ngành Tài chính thành phố đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ về tài chính NSNN. Tính đến ngày 30/12/2024, số thu NSNN trên địa bàn thành phố đạt 515.344 tỷ đồng, bằng 104,66% dự toán. Đây cũng là năm đầu tiên TP. Hồ Chí Minh đạt thu NSNN trên mức 500.000 tỷ đồng.

Với năm 2025, TP được giao dự toán thu NSNN là 506.670 tỷ đồng, chiếm 25,76% dự toán thu cả nước, tăng 4,97% so với dự toán 2024.

Ngoài hai “đầu tàu” của cả nước, tại Hải Phòng, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cũng đạt nhiều kết quả nổi bật. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Anh Quân, tốc độ tăng trưởng GRDP của TP ước đạt 11,01%, đứng thứ 3 cả nước, gấp 1,6 lần bình quân chung cả nước.

Về tình hình tài chính, ngân sách, tổng thu NSNN của TP đạt 117.362 tỷ đồng, bằng 119,9% dự toán Trung ương giao. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 66.150 tỷ đồng, bằng 112,5% dự toán Trung ương giao và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023. Thu nội địa đạt 50.071 tỷ đồng, bằng 133,2% dự toán Trung ương giao và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Chi ngân sách địa phương năm 2024 đến ngày 29/12/2024 là 33.691 tỷ đồng, đạt 102,7% dự toán Trung ương giao, bằng 84,7% dự toán HĐND thành phố giao. Năm 2024, tỷ lệ chi đầu tư phát triển của Hải Phòng ước đạt 50% tổng chi ngân sách địa phương.

Tiếp theo là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ước thu NSNN năm 2024 đạt 76.664 tỷ đồng, đạt 119,8% dự toán pháp lệnh, 108,6% dự toán HĐND và bằng 105,5% cùng kỳ 2023.

Năm 2025, Chính phủ giao cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dự toán thu NSNN là 71.270 tỷ đồng, trong đó thu dầu thô là 31.000 tỷ đồng và thu nội địa (trừ dầu thô) là 40.270 tỷ đồng. HĐND tỉnh giao dự toán thu NSNN năm 2025 cho Cục Thuế là 74.206 tỷ đồng, trong đó thu dầu thô là 31.000 tỷ đồng và thu nội địa (trừ dầu thô) là 43.206 tỷ đồng.

Tình hình thu ngân sách năm 2024 của tỉnh Bình Dương cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Tổng thu NSNN của tỉnh đạt 75.513 tỷ đồng, bằng 116% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 106% dự toán được HĐND tỉnh thông qua, bằng 108% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nội địa đạt 57.341 tỷ đồng, bằng 119% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Tổng chi cân đối ngân sách địa phương: 18.283 tỷ đồng, đạt 82% so với Thủ tướng Chính phủ giao. Tỉnh Bình Dương phấn đấu hoàn thành dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, dự toán được HĐND tỉnh thông qua.

Xem bản gốc