Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

“Điểm nghẽn” cản trở cộng sinh công nghiệp

Vneconomy 4 Tuần trước

Tại phiên thảo luận về “Thiết kế theo hướng tuần hoàn” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024, với chủ đề “Từ lập kế hoạch đến hành động”, ông Hoàng Anh Phú, Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng xây dựng và chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái mang lại hiệu quả bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội cho phát triển công nghiệp, là yêu cầu bức thiết, xu thế tất yếu trong phát triển công nghiệp hiện nay.

NHỮNG KẾT QUẢ ĐÁNG GHI NHẬN

Với xu hướng ngày càng hội nhập sâu rộng thông qua 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết và hai FTA đang đàm phán, đặt ra những yêu cầu về chuỗi ngành hàng, đòi hỏi sản xuất trong nước phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các thị trường như: đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); Chiến lược quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021-2030; Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn, trung hòa các bon 2050; tín chỉ carbon; Cơ chế Điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM) của EU. Do đó việc thực hiện các giải pháp phát triển bền vững tại các khu công nghiệp là bắt buộc theo xu thế hội nhập.

Việc chuyển đổi sang các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh là tất yếu. Kết quả giai đoạn từ 2014-2019, đã có 72 doanh nghiệp trong bốn khu công nghiệp tại ba địa phương là Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ chuyển đổi sang mô hình sinh thái và đạt kết quả đáng ghi nhận: 900 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn; tiết kiệm trên 22.000 MWh điện, 600.000 m3 nước, 140 tấn nhiên liệu hóa thạch, gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải; tiết kiệm được 76 tỷ đồng/năm thông qua việc cắt giảm năng lượng tiêu thụ, tài nguyên, vật liệu và giảm 32 triệu tấn khí thải CO2 hàng năm.

Từ năm 2020 đến nay, tiếp tục thực hiện khu công nghiệp sinh thái tại Hải Phòng, Đồng Nai, TP.HCM: 90 doanh nghiệp tại bốn khu công nghiệp đã xác định được 889 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (trong đó 355 giải pháp đã được thực hiện) và 62 cơ hội cộng sinh công nghiệp góp phần tiết kiệm 10.553 MWh điện/năm, 9.738 tấn nhiên liệu/năm; 269.360 m3 nước/năm, giúp giảm phát thải 8.910 tấn CO2 tương đương/năm và đem lại lợi ích kinh tế khoảng 2,9 triệu USD/năm cho các doanh nghiệp.

Để phát triển khu công nghiệp sinh thái, Điều 39 Nghị định 35/2022 của Chính phủ đã đưa ra một số ưu đãi với khu công nghiệp và doanh nghiệp sinh thái.

Ông Tô Hoàng, CEO Công ty Xi măng Lam Thạch, cho biết ngành xi măng phát thải bằng 7% tổng CO2 trên toàn cầu. Công suất xi măng ở Việt Nam khoảng hơn 100 triệu tấn, hàng năm đốt 14 triệu tấn than, 200 triệu tấn đất đá các loại, 5- 6 triệu lít dầu.

Lam Thạch là nhà máy xi măng đầu tiên đang thực hiện ứng dụng đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường làm nguyên nhiên liệu thay thế trong lò nung clinker. Mục tiêu thay thế nguyên liệu hóa thạch gồm than, đất đá, dầu bằng những nguyên liệu mới là chất thải của các ngành công nghiệp khác. Tức là biến xi măng từ nhà máy tạo ra phát thải sang là đơn vị xử lý môi trường, góp phần vào phát triển bền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, khó khăn với nhà máy Lam Thạch là khả năng tiếp cận với các nguồn rác hạn chế.

PHÍA TRƯỚC CÒN NHIỀU RÀO CẢN

Hiện Lam Thạch rất gần với khu công nghiệp DEEP C. Nơi đây có hàng trăm doanh nghiệp phát thải rác nhưng lại tiếp cận rất khó khăn, dù công nghệ của Lam Thạch đã được các nước châu Âu công nhận là tiên tiến trong xử lý rác. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chưa hiểu nhiều về vấn đề này, Lam Thạch cũng chưa đáp ứng đủ nguồn rác cho đốt trong lò xi măng. Còn các cơ quan nhà nước chưa có giải pháp để giới thiệu, quảng bá đến doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư nước ngoài, các hộ phát thải về các hình thức xử lý rác hiệu quả, để các đơn vị phát thải lựa chọn.

Một khó khăn khác, công nghệ đồng xử lý ở nước ngoài đã có từ lâu, nhưng ở Việt Nam, doanh nghiệp muốn làm phải đi xin thủ tục để tự xử lý rác. Khi xin được giấy phép, việc tiếp cận các đơn vị xử lý rác lại phải cạnh tranh với đa số các đơn vị khác có hình thức xử lý thô sơ nhưng “có mối quan hệ từ trên”. Đây chính là rào cản trong quá trình thực hiện đồng xử lý.

Thời gian qua, một số chủ đầu tư đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung trong khu công nghiệp với công nghệ hiện đại, tiên tiến như công nghệ màng lọc nano sợi rỗng. Nước được thu hồi sau khi lọc sẽ được sử dụng cho mục đích công nghiệp trong khu công nghiệp, bảo đảm mô hình tuần hoàn khép kín. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Điển hình, khu công nghiệp DEEP C đã thực hiện chuyển đổi theo hướng khu công nghiệp sinh thái trong nhiều năm qua, đặc biệt là thực hiện các giải pháp làm tăng tính tuần hoàn trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, ông Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành DEEP C, cho biết khó khăn hiện nay là những vướng mắc về chính sách. Nếu chủ đầu tư khu công nghiệp thực hiện các hoạt động tái chế lại vi phạm pháp luật do không được cấp phép.

“Chất lượng nước thải sau xử lý còn tốt hơn chất lượng nước thô, nhưng cũng chưa thể đưa nước thải đã qua xử lý quay trở lại quy trình sản xuất công nghiệp, dù nhiều nhà đầu tư thứ cấp sẵn sàng tái sử dụng nguồn nước này…”, ông Bruno Jaspaert chỉ rõ.

Do đó, đại diện DEEP C lo lắng nếu không tạo ra cơ chế cộng sinh tốt, sẽ rất khó thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp. Nếu khu công nghiệp được phép thực hiện các hoạt động tái chế, tái xử lý phế liệu, chất thải trong nội bộ mà không phải xin giấy phép thu gom và xử lý chất thải, thì có thể tạo ra được rất nhiều hoạt động cộng sinh và kinh tế tuần hoàn. Vấn đề lớn nhất là Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng, nhưng các quy định pháp luật lại chưa theo kịp tốc độ.

“Chúng ta cần xác định thế nào là tuần hoàn. Gọi là các khu công nghiệp sinh thái nhưng bản chất hiện nay lại không phải thế, nên cần có định nghĩa rõ ràng”, ông Bruno Jaspaert kiến nghị.

Bà Nguyễn Trâm Anh, Quản lý Dự án Khu công nghiệp sinh thái Việt Nam, UNIDO, cho rằng nhiều chính sách vẫn còn tạo ranh giới chưa rõ ràng, cụ thể về khu công nghiệp sinh thái, chưa là động lực để chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái thực sự. Đơn giản chỉ là việc cộng sinh giữa hai doanh nghiệp trong khu công nghiệp với nhau cũng mất một quá trình lâu, tốn kém nhiều nguồn lực. Các khung pháp lý, chính sách hiện nay chúng ta đang có chưa đủ giúp các khu công nghiệp thực hiện việc chuyển đổi của mình.

ĐỘNG LỰC ĐỂ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP CHUYỂN ĐỔI

“Giải pháp UNIDO sẽ đề xuất thực hiện mô hình khu công nghiệp sinh thái giống như mô hình khu công nghiệp thí điểm, ở đó các khu công nghiệp có thể thực hiện một số ưu đãi nằm trong khuôn khổ luật pháp cho phép. Đây là một trong những giải pháp UNIDO nghĩ tới, mong rằng thời gian tới sẽ có những giải pháp tốt hơn”, bà Trâm Anh hy vọng.

Theo ông Tạ Quang Trung, đại diện Ban quản lý dự án khu công nghiệp sinh thái (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp, cần có sự phối hợp đồng bộ của các bên liên quan. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò tiên phong, hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo cơ sở cho việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn, cũng như thanh kiểm tra, giám sát việc thực thi.

Ông Susan Christian, Giám đốc Dự án toàn cầu về khu công nghiệp sinh thái, UNIDO, cho rằng có nhiều rào cản phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay. Cụ thể như cấm tái sử dụng nước thải ở khu công nghiệp, nên các nhà máy sau khi xử lý nước dù tốt nhưng vẫn không được tái sử dụng, hoặc cấm tái sử dụng và phân loại chất thải nguy hại.

Bên cạnh đó, quy định về quản lý chất thải cũng tạo ra rào cản. Các doanh nghiệp mong muốn sử dụng chất thải của doanh nghiệp khác để sản xuất như nguyên liệu thô (nguyên liệu đầu vào) nhưng vẫn chưa được pháp luật cho phép...

Ông Susan Christian nhấn mạnh: “Cần khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp, kiểm kê xem các nguồn rác thải, chất thải thế nào, từ đó phát hiện ra cộng sinh tiềm năng”...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 51-2024 phát hành ngày 16/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam 

“Điểm nghẽn” cản trở cộng sinh công nghiệp  - Ảnh 1
Xem bản gốc