TAND TP Hà Nội đã thụ lý vụ án Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản xảy ra tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
6 bị cáo trong vụ án này gồm: Phạm Ngọc Tuấn (SN 1991 1991), Ngô Văn Dương (sinh năm 1994), Nguyễn Đức Thành (sinh năm 1992), Nguyễn Thị Quỳnh Liên (sinh năm 1981), Nguyễn Thế Trung (sinh năm 1994), Nguyễn Thế Quân (sinh năm 1994) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” theo quy định tại Điều 218, khoản 2, điểm c - Bộ luật Hình sự.
QUY ĐỊNH ĐẤU GIÁ ĐẤT
Theo cáo trạng, tháng 4/2024, UBND huyện Sóc Sơn ban hành Quyết định số 2860/QĐ-UBND về việc đấu giá quyền sử dụng đất ở tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội và Quyết định số 7769/QĐ-UBND ngày 04/11/2024 về việc phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất ở tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.
Theo đó, tổ chức đấu giá 58 thửa đất có diện tích từ 90m2 đến 224m2; giá khởi điểm là 2.488.000 đồng/m2; tiền đặt cọc từ 44.000.000 đồng đến 111.000.000 đồng (bằng 20% giá trị thửa đất theo giá khởi điểm), thời gian đấu giá ngày 29/11/2024.
UBND huyện giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn tổ chức thực hiện, địa điểm tổ chức đấu giá tại Nhà thi đấu huyện Sóc Sơn.
Ngày 7/11/2024 Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn ký hợp đồng dịch vụ với Công ty đấu giá hợp danh Thanh Xuân. Hợp đồng quy định chi phí thù lao dịch vụ đấu giá như sau: “Trong trường hợp đấu giá thành thì bên B (Công ty đấu giá) sẽ được hưởng 28.637.000 đồng + 1 % trên phần chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất theo giá trúng với giá khởi điểm.
Trường hợp đấu giá thành một phần thì bên B sẽ được hưởng tỷ lệ đấu giá thành công x 28.637.000 đồng + 1 % trên phần chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất theo giá trúng với giá khởi điểm (theo kết quả đấu giá và quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá), tổng giá trị hợp đồng không quá 440.000.000 đồng.
Trường hợp đấu giá không thành thì hai bên tiến hành nghiệm thu công việc, bên A (Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn) sẽ thanh toán cho bên B khoản chi phí thực tế, hợp lý, hợp lệ các công việc đã thực hiện theo quy định của pháp luật”.
Ngày 8/11/2024, Công ty đấu giá Thanh Xuân xây dựng quy chế đấu giá. Hình thức đấu giá là bỏ phiếu trực tiếp qua 06 vòng bắt buộc từng thửa đất theo phương thức trả giá lên, bước giá là 3.000.000 đồng/m2.
Tại vòng 2 trở đi, người tham gia đấu giá có thể viết nội dung: Không tiếp tục trả giá trên phiếu trả giá. Từ vòng 02 trở đi mức giá khởi điểm của vòng đấu giá là mức giá trả cao nhất tại vòng trước liền kề. Người trả giá cao nhất tại vòng 06 là người trúng đấu giá.
Tại vòng 6 (vòng cuối cùng) nếu khách hàng ghi vào phiếu Không tiếp tục trả giá thì thửa đất đó không được bán.
Công ty đấu giá niêm yết công khai, bán hồ sơ, thu tiền đặt trước của khách hàng đăng ký tham gia đấu giá, thực hiện các thủ tục, trình tự để tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất theo hợp đồng đã ký với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn.
"THỔI GIÁ" ĐẤT LÊN 30 TY ĐỒNG/M2
Cáo trạng thể hiện,tháng 11/2024, khi biết Công ty đấu giá hợp danh Thanh Xuân chuẩn bị đấu giá đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), từ ngày 26-29/11/2024, nhóm của Tuấn đã bàn bạc, trao đổi góp tiền mua hồ sơ, nộp tiền đặt cọc đăng ký tham gia đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai.
Cả nhóm thống nhất từ vòng thứ nhất đến vòng thứ 4 sẽ đấu giá theo trình tự, trả giá dưới mức giá mà Tuấn ấn định từ trước. Kết quả đấu giá ở vòng thứ 4 nếu thấy những người tham gia đấu giá khác trả giá vượt mức tối đa mà Tuấn đã ấn định thì đến vòng thứ 5 các bị cáo sẽ trả giá cao bất thường.
Sau đó, tới vòng thứ 6, các bị cáo sẽ không trả giá nhằm mục đích để phiên đấu giá không thành công buộc phải tổ chức đấu giá lại. Mặt khác, giảm bớt người tham gia đấu giá lại lần sau và khi đó nhóm của Tuấn sẽ có cơ hội đấu giá để mua được những thửa đất như giá mong muốn.
Kết quả điều tra xác định nhóm Tuấn, Dương, Thành, Trung, Liên và Quân bàn bạc, thông đồng cố ý nâng giá 36 thửa đất ở vòng thứ 5 với giá cao bất thường từ 59.488.000/m2 đến 30.002.488.000 đồng/m2. Đến vòng thứ 6 thì tất cả 6 bị cáo trên đều không bỏ giá.
Sau khi đấu giá viên công bố kết quả đấu giá ở vòng thứ 5, do nhóm của Tuấn bỏ giá cao bất thường nên nhiều khách hàng chửi bới, gây mất an ninh trật tự tại khu vực đấu giá vì cho rằng các đối tượng đã có hành vi phá cuộc đấu giá. Do 6 bị cáo không trả giá tại vòng thứ 6 nên phiên đấu giá không thành công.
Chiều ngày 30/11/2024 thấy dư luận báo chí đưa nhiều tin bài viết về cuộc đấu giá tại huyện Sóc Sơn nên Dương xóa nhóm zalo. Tối cùng ngày các đối tượng tập trung nhà Dương để bàn bạc tiêu hủy chứng cứ và đối phó với cơ quan chức năng.
Cơ quan điều tra đã triệu tập bị hại đã mua hồ sơ tham gia đấu giá 36 thửa đất song mới ghi lời khai của 11 người. Các bị hại đều yêu cầu các đối tượng có hành vi phạm tội phải bồi thường số tiền chi phí mua hồ sơ đấu giá.
Ngày 02/12/2024, nhận thấy hành vi của mình là vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho người khác, gây dư luận xấu trong xã hội, Dương và Liên đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội đầu thú.
Viện Kiểm sát xác định, hành vi nâng giá của các bị cáo đã vi phạm Điều 9, khoản 5 - Luật đấu giá tài sản, hậu quả gây thiệt hại tổng gần 420 triệu đồng, trong đó gây thiệt hại cho Công ty đấu giá hợp danh Thanh Xuân hơn 252 triệu đồng, gây thiệt hại cho 230 người mua hồ sơ tham gia đấu giá với số tiền là hơn 165 triệu đồng.
Trước khi vụ án bị đưa ra xét xử, các bị cáo đã tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu cho Công ty đấu giá hợp danh Thanh Xuân số tiền hơn 252 triệu đồng.