Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Điều gì khiến Ba Lan xả 1 nghìn tấn bơ đông lạnh từ dự trữ chiến lược?

Vneconomy 3 Tuần trước

Theo tin từ CNN, Chính phủ Ba Lan chuẩn bị xả hơn 1 nghìn tấn bơ đông lạnh từ kho dự trữ chiến lược nhằm bình ổn giá mặt hàng quan trọng này trước thềm cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới.

Cơ quan dự trữ chiến lược của chính phủ Ba Lan hồi đầu tuần chương trình công bố đấu giá bơ từ thứ Năm tuần này với lý do giá bơ thế giới tăng đáng kể bởi tình trạng thiếu sữa.

“Hành động khẩn cấp này sẽ góp phần bình ổn giá bơ trên thị trường”, cơ quan này cho biết trên kênh truyền hình địa phương TVN24. “Quy trình đấu giá bắt đầu từ ngày 19/12/2024”.

Cơ quan này cũng cho biết sẽ bán bơ không ướp muối đông lạnh cho các doanh nghiệp với giá thấp nhất 28,38 zloty (7 USD) một kg và hình thức bán là các bao 25kg. Mức giá này thấp hơn nhiều so với giá thị trường tại Biedronka, một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất ở Ba Lan. Theo trang web chính thức, chuỗi này hiện bán bơ tươi với giá 39,9-49,95 zloty (tương đương 9,84-12,32 USD), tùy vào thương hiệu.

Tuy nhiên, giá bán cuối cùng trong cuộc đấu giá trên có thể sẽ cao hơn mức giá tối thiểu.

Việc các chính phủ xả kho hàng dự trữ chiến lược để tăng nguồn cung và hạ giá thành trong nước không phải điều hiếm. Các kho dự trữ như vậy thường gồm ngoại tệ hoặc các loại hàng hóa quan trọng như dầu mỏ, vàng.

Tuy nhiên, một số quốc gia cũng tích trữ các loại hàng hóa có vai trò quan trọng trong bữa ăn thường ngày của người dân. Ví dụ, những năm gần đây, Trung Quốc cũng xả kho thịt lợn dự trữ chiến lược, hay Canada xả kho dự trữ xi-rô cây phong trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt.

Tại Ba Lan, giá bơ tăng chóng mặt gây áp lực chi phí sinh hoạt lên các hộ gia đình. Ông Rafał Trzaskowski, ứng cử viên tổng thống từ đảng cầm quyền của Thủ tướng Donald Tusk, gần đây cáo buộc ngân hàng trung ương Ba Lan (NBP) kiểm soát lạm phát kém hiệu quả và đề nghị gửi cho thống đốc cơ quan này một ít bơ làm bằng chứng – theo tin từ tờ Financial Times.

Trong khi đó, đầu tháng này, ông Jarosław Kaczyński, lãnh đạo đảng đối lập, đã đăng lên mạng xã hội X một bức ảnh bơ được cất giữ trong két sắt để nhấn mạnh sự đắt đỏ của mặt hàng này trong bối cảnh chi phí sinh hoạt chung tăng cao.

“Chính phủ đang cố gắng can thiệp trước thềm cuộc bầu cử”, nhà kinh tế trưởng  Rafał Benecki của ngân hàng ING Bank Śląski tại Ba Lan, nói về động thái xả kho bơ dự trữ chiến lược.

Lạm phát tính trên cơ sở năm của Ba Lan tăng 3,9% trong tháng 11, cao hơn đáng kể so với mức bình quân tại Liên minh châu Âu (EU). Theo phương pháp tính lạm phát riêng của Ba Lan, lạm phát của nước này tháng trước thậm chí tăng mạnh hơn, với 4,7%.

“Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 18,4% ghi nhận vào tháng 2 năm ngoái. Tuy nhiên, giá cả leo thang vẫn là một yếu tố đè nặng chi tiêu của các hộ gia đình”, ông Benecki nói với CNN.

Trong khi giá bán lẻ bơ tăng khoảng 20% so với năm ngoái, giá bán buôn tăng tới 50%, cho thấy giá mặt hàng này có thể còn tăng cao hơn nữa với khách hàng trong thời gian tới - vị chuyên gia cho biết.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), giá bơ tại khối này đã tăng khoảng 44% từ đầu năm đến nay do giá sữa trên thế giới tăng vọt.

Tháng trước, Chỉ số giá sữa do Tổ chức Thực phẩm và Nông nghiệp (FAO) của Liên hợp quốc (UN) tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Giá bơ toàn cầu cũng tăng tháng thứ 14 liên tiếp do nhu cầu cao và “nguồn cung eo hẹp” – FAO cho biết.

Cũng trong tháng 11, Chỉ số giá thực phẩm – một thước đo giá quốc tế của nhiều loại thực phẩm quan trọng – ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 4/2023. Tuy nhiên, chỉ số này hiện vẫn thấp hơn khoảng 20% so với mức đỉnh vào tháng 2/2022 – thời điểm ngay sau đại dịch Covid-19.

Xem bản gốc