Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Doanh nghiệp công nghệ số ngày càng đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế

Báo xây dựng 6 Giờ trước

Năm 2024, doanh thu ngành công nghiệp công nghệ số đạt giá trị gần 158 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2023, cho thấy các doanh nghiệp công nghệ số ngày càng đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế.

Doanh nghiệp công nghệ số ngày càng đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế
Tổng Bí thư Tô Lâm và các doanh nghiệp đoạt Giải sản phẩm công nghệ số "Make in Viet Nam 2024". (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 15/1, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thường niên Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI với chủ đề "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam."

Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Cùng tham dự có ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng; ông Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối Ngoại Trung ương; các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Diễn đàn có sự tham dự của đại diện các tổ chức nghiên cứu, đào tạo trong nước; hiệp hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhóm doanh nghiệp công nghệ số Make in Viet Nam; chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số; tổ chức kinh tế-thương mại, nghiên cứu, đào tạo; một số tổ chức ngoại giao; tập đoàn công nghệ số đa quốc gia và đại diện các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Phiên Diễn đàn cấp cao diễn ra sáng 15/1 đã đưa ra những thông điệp của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về định hướng thúc đẩy 3 trụ cột chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; để khoa học công nghệ là nền tảng tạo ra tri thức mới và công nghệ mới, đổi mới sáng tạo là động lực giúp chuyển hóa các tri thức mới, công nghệ mới thành ý tưởng mới, giải pháp mới, làm chủ tiến trình chuyển đổi số.

Năm 2019, lần đầu tiên, thông điệp "Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là để Make in Việt Nam" trở thành chủ trương, định hướng phát triển các doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm, giải pháp, để "giải những bài toán Việt Nam" một cách hiệu quả.

Doanh nghiệp công nghệ số ngày càng đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế
Tổng Bí thư Tô Lâm và các doanh nghiệp đoạt Giải sản phẩm công nghệ số "Make in Viet Nam 2024". (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thực hiện Chiến lược "Make in Việt Nam" đã giúp số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng lên 74.000 doanh nghiệp và có tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số/đầu người đứng ở thứ hạng cao nhất trong số các nước đang phát triển. Make in Việt Nam cũng là trách nhiệm của các doanh nghiệp công nghệ số, để có thể làm chủ công nghệ, làm chủ cuộc cách mạng chuyển đổi số.

Năm 2024, doanh thu ngành công nghiệp công nghệ số đạt giá trị gần 158 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2023. Giá trị Việt Nam chiếm gần 32% trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số năm 2024, cao hơn 12% so với năm 2019. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp công nghệ số ngày càng đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Make in Viet Nam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hòa bình lâu dài; góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh hùng mạnh. Nghị quyết 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã truyền đi thông điệp về tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường và tự hào dân tộc" để phát huy trí tuệ Việt Nam. Việt Nam không còn là nước nhỏ nữa, phải sánh vai cường quốc năm châu và phải đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.

Nghị quyết 57 cũng đặt mục tiêu tự chủ và cạnh tranh về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược. Trước đây, Việt Nam tập trung nhiều vào ứng dụng, vào gia công, thì nay phải tập trung nhiều hơn vào làm chủ công nghệ, thiết kế, sáng tạo ra sản phẩm Việt Nam, các công đoạn giá trị cao hơn. Mỗi năm, Nhà nước sẽ dành 15% ngân sách khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để chi cho làm chủ các công nghệ chiến lược.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam phải làm chủ các công nghệ chiến lược để làm chủ tiến trình chuyển đổi số Việt Nam. Chỉ như vậy, Việt Nam mới có thể phát triển bền vững. Nghị quyết 57 định hướng giao các doanh nghiệp nòng cốt làm các dự án lớn, trọng điểm quốc gia về chuyển đổi số, giao các doanh nghiệp nòng cốt làm chủ các công nghệ chiến lược. Đây là một mũi tên trúng 2 đích: Vừa làm chủ tiến trình chuyển đổi số, làm chủ công nghệ chuyển đổi số và vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Lần đầu tiên, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nằm chung trong một Nghị quyết của Bộ Chính trị. Đồng thời nằm chung trong một Bộ hợp nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông. Sự liên thông và không thể tách rời sẽ tạo động lực mới mang tính đột phá và cách mạng cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên môi trường số. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ góp phần đặc biệt quan trọng để Việt Nam vươn mình đứng dậy, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Doanh nghiệp công nghệ số ngày càng đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế
Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiên phong tiến vào kỷ nguyên mới. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tại diễn đàn, ông Dohyun Kang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin (ICT) Hàn Quốc chia sẻ về kinh nghiệm của Hàn Quốc trong phát triển ngành công nghiệp số, nhờ đó quốc gia này đã vượt qua khỏi bẫy thu nhập trung bình. Thời gian qua, Hàn Quốc đã khuyến khích năng lực quốc gia để chuẩn bị cho kỷ nguyên Trí tuệ Nhân tạo (AI) thông qua các nỗ lực ban hành liên tục các kế hoạch và chính sách.

AI đang tạo ra cuộc đua toàn cầu về khả năng chiến ưu thế công nghệ. Theo đánh giá, Hàn Quốc đang nằm trong nhóm 3 các quốc gia có khả năng cạnh tranh AI nhất thế giới, tuy nhiên AI cũng tạo ra những thách thức và rủi ro nhất định như tấn công mạng, thông tin giả, lộ lọt thông tin cá nhân...

Tại diễn đàn, đại diện của các tập đoàn công nghệ thông tin lớn tại Việt Nam (Viettel, FPT) đã trao đổi về quá trình làm chủ sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam, hành trình công nghệ Việt vươn ra thế giới.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao biểu trưng tặng một số doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã tiên phong đề xuất, nhận nhiệm vụ chiến lược triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố và trao Giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2024, tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc, mang tự hào trí tuệ Việt Nam, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia và tăng năng suất lao động, tạo ra kết quả thiết thực hơn và toàn diện hơn mang lại giá trị cho người dân và doanh nghiệp trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội và các sản phẩm công nghệ số mới.

Trong khuôn khổ diễn đàn có khu trưng bày triển lãm gồm gần 40 gian hàng giới thiệu sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Viet Nam do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ công nghệ, làm chủ quá trình chuyển đổi số quốc gia. Buổi chiều (15/1) sẽ diễn ra hai Phiên tham luận chuyên đề chuyên sâu về phát triển công nghiệp bán dẫn và Trí tuệ Nhân tạo (AI).

Xem bản gốc