Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Doanh nghiệp do nữ làm chủ trong thời đại công nghệ số đang vấp phải nhiều rào cản

Vneconomy 3 Giờ trước

Tại hội thảo “Thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường châu Âu thông qua nền tảng thương mại điện tử dành cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam”, ngày 25/11, bà Judith Fessehaie, Quản lý SheTrades, Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), cho biết phụ nữ sở hữu khoảng 22% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, họ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như: nguồn lực tài chính hạn chế, khoảng cách về kiến thức số, khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng.

Ngoài ra, định kiến giới, khó khăn trong điều hướng các nền tảng thương mại điện tử… cũng hạn chế tiềm năng mở rộng và cạnh tranh của doanh nghiệp nữ trên phạm vi quốc tế.

RÀO CẢN TIẾP CẬN CÔNG NGHỆ SỐ

Chỉ ra một trong những thách thức chuyển đổi số đối với doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng, ông Nguyễn Thành Dương, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Intec, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng đó là thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi xu hướng kinh doanh nhanh chóng.

Nhắc lại cuộc họp giao ban Thương vụ của Bộ Công Thương được tổ chức tại miền Trung, ông Dương cho biết các Sở Công thương, Trung tâm xúc tiến thương mại các địa phương đều đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để cứu được chợ truyền thống, khi mà hiệu quả hoạt động của các chợ này ngày càng kém?.

Trong khi đó, với các kênh bán hàng hiện đại như nền tảng Tiktok, họ có thêm 3 triệu nhà bán hàng mới. Toàn bộ những nhà bán hàng trên Tiktok đều từ chợ truyền thống, các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh địa phương. Tuy nhiên, khi đã thay đổi cách thức kinh doanh từ truyền thống sang thương mại điện tử, họ lại đang gặp khó khăn trong tiếp cận các cách thức bán hàng mới, đặc biệt bán hàng trên các nền tảng số đòi hỏi các kỹ năng mới như Tiktok, Alibaba, Facebook, Amazon…

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nội thất, phụ kiện nội thất từ nguyên liệu tự nhên và tái chế, bà Trần Thị Huyền, Giám đốc Công ty Simple Decor, chia sẻ từ 2021 doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, như marketing bán hàng trên các nền tảng thương mại số thông qua sáng tạo các sản phẩm nội dung số. Điều này đã tác động trực tiếp, nhanh chóng đến khách hàng nước ngoài.

Song khó khăn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, lại là doanh nghiệp do nữ làm chủ nên vốn là rào cản đầu tiên khi triển khai hoạt động số. Để có thể có lộ trình đầu tư dài hạn, có nguồn vốn đề tuyển dụng được nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao thì ngân sách của doanh nghiệp chưa cho phép họ làm điều này. Nếu thuê thiết kế riêng phần mềm, nền tảng phục vụ riêng doanh nghiệp cũng là điều không thể, bởi tốn rất nhiều chi phí.

Bên cạnh đó, công nhân khi tiếp cận với công nghệ số rất khó khăn vì không quen, trình độ hạn chế, nên doanh nghiệp phải dành thời gian, chi phí để đào tạo giúp họ bắt nhịp với công việc.

CÓ CƠ CHẾ ĐẶC THÙ CHO DOANH NGHIỆP NỮ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Để doanh nghiệp nữ thích ứng với thời đại công nghệ số, đưa công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, ông Dương cho rằng doanh nghiệp cần quan tâm, tận dụng tới các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ, Bộ Công Thương để nâng cao kỹ năng trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác…

Nếu muốn bán hàng thương mại điện tử cần có tư duy, tìm hiểu kiến thức, học và triển khai cái mới, với tâm thế “người khác làm được thì mình cũng làm được”. Bên cạnh đó, cần học các công cụ online bằng việc tham gia các khoá đào tạo của các nền tảng thương mại điện tử; hiểu được ứng dụng cũng như sự phát triển mới của công nghệ. Hiểu được người dùng, hiểu báo cáo ngành chuyên sâu để đưa ra chiến lược kinh doanh xuất sắc.

Theo bà Huyền, Chính phủ cần có cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp nữ dễ dàng tiếp cận thông tin hơn, như thủ tục hải quan, cấp giấy chứng nhận… Hiện nay, mỗi thủ tục có 1 nền tảng khác nhau, điều này rất phiền phức và mất thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Vì vậy, cần có nền tảng tích hợp toàn bộ các thủ tục này.

Đồng thời, các nền tảng thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp như Alibaba, Amazon… cần có nhiều hơn những khoá đào tạo, tập huấn cần sát sao tới từng nhóm ngành, từng nhóm doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp từ khi họ chưa có gì đến khi lớn lên, vững vàng trong thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, có cơ chế chính sách về nhân sự, hỗ trợ doanh nghiệp để hiệu quả nhanh hơn. Doanh nghiệp đi trước có thể truyền đạt, lan toả thông tin tới các cộng đồng doanh nghiệp đi sau.

Với các tổ chức tài chính, theo bà Huyền, việc tiếp cận nguồn vốn vẫn chung chung, chưa có nhiều ưu đãi đặc thù cho doanh nghiệp nữ. Do doanh nghiệp nhỏ gặp nhiều rào cản trong thẩm định doanh nghiệp, chứng minh thu nhập, tài sản. Vì thế, thời gian tới cần có cơ chế ưu đãi đặc thù, chọn những doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn và đã qua xác minh thẩm định từ cơ quan nhà nước đủ điều kiện tiếp cận vốn.

Còn với doanh nghiệp, bà Huyền cho rằng nên tích cực, chủ động hơn nữa trong tiếp cận, tận dụng mọi cơ hội từ cơ quan nhà nước, các chương trình đào tạo, gói hỗ trợ từ Chính phủ…. để có càng nhiều thông tin càng tốt. Đặc biệt, doanh nghiệp phải năng động, tham gia nhiều chương trình để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và cạnh tranh tốt khi ra biển lớn.

Xem bản gốc