Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Doanh nghiệp kỳ lạ nhất nhà Vinashin: Sống khoẻ dù 'cả họ' phá sản, nắm hơn 500 tỷ tiền mặt và không vay nợ ngân hàng, KQKD quý 3/2024 bất ngờ

Markettimes 1 Tháng trước

Quý 3/2024, CTCP Đóng tàu Sông Cấm (mã chứng khoán: SCY) ghi nhận doanh thu hơn 229 tỷ đồng, giảm gần đến 60% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ các chi phí, Đóng tàu Sông Cấm báo lợi nhuận sau thuế giảm 73% còn hơn 12 tỷ đồng. 

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Đóng tàu Sông Cấm đạt 853 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 5% so với cùng kỳ năm trước và hơn 56 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm gần 3% so với năm ngoái. 

screenshot-2024-12-02-002605.png

Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của Đóng tàu Sông Cấm ở mức 1.447 tỷ đồng, giảm 30 tỷ so với số đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp này đang sở hữu hơn 522 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, chiếm 36% tài sản. Tài sản cố định đạt mức 204 tỷ đồng. 

Vốn chủ sở hữu đạt mức 905 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ở mức 112,4 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 619,6 tỷ đồng. Công ty này không có nợ vay tài chính. 

Đóng tàu Sông Cấm - doanh nghiệp kỳ lạ nhà SBIC

Đóng tàu Sông Cấm tiền thân là xưởng công tư hợp doanh “Hải Phòng cơ khí” được thành lập năm 1959. Tháng 3 năm 1983, Công ty được đổi tên thành Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm.

Ngày 11/3/1993 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, công ty trực thuộc sự quản lý của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Đến tháng 4/2008, Công ty chính thức hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần với tên gọi Đóng tàu Sông Cấm (Sông Cấm Shipyard). Công ty bắt đầu giao dịch trên sàn UPCoM từ 25/10/2017.

Đóng tàu Sông Cấm là công ty con của tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC). Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với công ty mẹ SBIC kinh doanh "bết bát" với những khoản lỗ liên tiếp nhiều năm, Đóng tàu Sông Cấm vẫn kinh doanh khá tốt trong những năm qua. Trong giai đoạn từ năm 2018 tới nay, lợi nhuận sau thuế của công ty liên tục tăng trưởng.

Cuối năm 2023, Chính phủ đã công bố Nghị quyết hông qua kế hoạch tổ chức thực hiện chủ trương xử lý đối với SBIC theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng về kết luận của Bộ Chính trị trong việc xử lý với doanh nghiệp này theo hướng phá sản đối với công ty mẹ SBIC và 7 công ty con. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ không cho phá sản Đóng tàu Sông Cấm mà xử lý theo hướng thu hồi phần vốn của công ty mẹ. 

0946b8a891a51b53a5eede1a2900ffc0.jpgCông ty Đóng tàu Sông Cấm. 

Một trong những nguyên nhân rất lớn giúp cho Đóng tàu Sông Cấm vẫn sống tốt đến nay đến từ sự hợp tác đối tác Tập đoàn Damen – Hà Lan. Báo cáo thường niên năm 2022 của Sông Cấm cho biết, 2 bên hợp tác từ tháng 3/2002. Lúc đó, Sông Cấm đã ký kết với đối tác này đóng mới 5 tàu tìm kiếm cứu nạn trên biển cho chủ đầu tư là Cục Hàng hải Việt Nam.

Cũng từ 2003 đến nay, Đóng tàu Sông Cấm đã ký và thực hiện hàng loạt các hợp đồng đóng tàu mới chuyên dụng xuất khẩu cho Tập đoàn đóng tàu Damen – Hà Lan. Tính đến tháng 12/2019, Công ty đã đóng mới và bàn giao cho phía Damen – Hà Lan trên 300 sản phẩm các loại.

Năm 2023, Công ty TNHH Đóng tàu Damen Sông Cấm, liên doanh giữa Sông Cấm với Tập đoàn Damen của Hà Lan, trong đó Đóng tàu Sông Cấm góp 30% có lãi trước thuế 137 tỷ đồng.

Đối tác nước ngoài từng ngỏ ý mua cổ phần

Năm 2014, Damen đã đề cập về việc mua 70% cổ phần của Đóng tàu Sông Cấm. Mãi đến cuối 2016, SBIC mới cho biết, đề nghị của Damen về việc mua 70% cổ phần Nhà máy đóng tàu Sông Cấm đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất nằm ở giới hạn tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam không được vượt quá 49%.

Do vậy, Chính phủ khi ấy đã hướng dẫn Bộ Giao thông chỉ đạo Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) đàm phán lại với đối tác đến từ Hà Lan với cam kết sẽ nhượng lại phần lớn cổ phần tại Sông Cấm qua hai gian đoạn: bán trước 49%, sau đó xem xét bán tiếp 21% về sau.

Tuy nhiên, trong các cuộc làm việc với phía Việt Nam, Tập đoàn đóng tàu Damen không muốn mua theo nhiều giai đoạn mà chỉ muốn mua một lần với tỷ lệ 70%.

SBIC tiền thân là Vinashin, được thành lập từ năm 1996. Sau thời gian hoạt động thua lỗ nghiêm trọng, ngày 18/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vinashin nhằm sớm ổn định sản xuất kinh doanh của tập đoàn, từng bước giảm lỗ, có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển.

Tới tháng 10/2013, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ký quyết định thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) trên cơ sở tổ chức lại Công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Vinashin. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh vẫn không hiệu quả. 

Về đề án cho phá sản đối với công ty mẹ - SBIC và 7 công ty con (bao gồm các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đóng tàu: Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn), Chính phủ yêu cầu khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định pháp luật để nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý 1/2024.

Đối với Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm, thu hồi phần vốn góp của công ty mẹ - SBIC. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đóng tàu Bạch Đằng thực hiện theo trình tự, thủ tục của Luật Phá sản, quy định pháp luật về chuyển nhượng vốn nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan. Thời gian thực hiện dự kiến bắt đầu triển khai từ quý II/2024.

Với các doanh nghiệp thuộc cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin ) trước đây đã xác định không giữ lại trong cơ cấu SBIC nhưng chưa hoàn thành tái cơ cấu, Chính phủ yêu cầu tiếp tục xử lý để thu hồi tài sản, quyền tài sản của Công ty mẹ - SBIC và 7 công ty con tại các doanh nghiệp này trong quá trình thực hiện phá sản, chuyển nhượng vốn. Thời gian dự kiến triển khai từ quý II/2024.

Xem bản gốc