Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư nhà ở xã hội tại Việt Nam

Báo xây dựng 1 Tuần trước

(Xây dựng) - Chiều 13/11, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã tổ chức buổi gặp gỡ, kết nối giữa Tổ chức Tài chính nhà ở Nhật Bản (Japan Housing Finance-JHF), Tập đoàn Sekisui Heim Nhật Bản, Công ty thành viên Thai SCG - Heim Nhật Bản với 19 Tập đoàn doanh nghiệp bất động sản Việt Nam để hợp tác phát triển nhà ở giá thấp (low cost housing), nhà ở giá vừa túi tiền (affordable housing) và nhà ở xã hội (social housing).

Doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư nhà ở xã hội tại Việt Nam
Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản giới thiệu mô hình nhà ở xã hội nhà ở vừa túi tiền tại Nhật Bản.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết: Việt Nam đã có chủ trương phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, đặc biệt là chính sách xóa nhà tạm, nhà cần sửa chữa đến 400.000 căn.

Riêng Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai Kế hoạch sẽ phát triển 69.700-93.000 căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030. Hiện nay, Thành phố đang thi công 8 dự án với 6.400 căn hộ… Giai đoạn 2016-2020, Thành phố mới đạt gần 70% kế hoạch đề ra, giai đoạn 2021-2025 mới đạt 2,9% kế hoạch. Nhiều công nhân, lao động người nhập cư phải sống trong các nhà trọ. Thành phố hiện có hơn 61.000 khu nhà trọ, với 560.000 phòng, giải quyết nhà ở cho khoảng 1,4 triệu người.

Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, năm 2023 là năm khó khăn nhất của thị trường bất động sản Việt Nam, riêng thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng âm và “vùng đáy” của thị trường rơi vào quý I/2023. Tuy nhiên, từ quý II/2023 đến nay, tốc độ phục hồi chậm. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh có 1.051 doanh nghiệp bất động sản đăng ký kinh doanh với tổng vốn gần 41.000 tỷ đồng và có 12 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Ông Ryuji Saimon, đại diện Công ty Thành viên Thai SCG - Heim Nhật Bản cho biết, rất muốn hợp tác với Việt Nam làm nhà vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Trước mắt, phía Công ty đang làm nhà lắp ghép. Tại Thái Lan, nhà máy đã sản xuất với kỹ thuật hiện đại, có thể xuất khẩu sang Việt Nam với căn nhà 80% lắp ghép và Việt Nam chỉ hoàn thiện 20% còn lại.

Đại diện Tổ chức Tài chính nhà ở Nhật Bản (Japan Housing Finance - JHF) cũng thông tin, hàng năm giữa Bộ Phụ trách nhà ở xã hội ở Nhật Bản và Bộ Xây dựng của Việt Nam cũng có những hợp tác. Hiện giữa hai Bộ chưa bàn luận nhiều về vấn đề phát triển nhà ở xã hội mà chủ yếu bàn về vấn đề cách quản lý bất động sản. Nếu hợp tác phát triển phân khúc nhà ở xã hội thì Bộ Xây dựng nên có bằng văn bản gửi đến cơ quan ở Nhật Bản để hợp tác.

Doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư nhà ở xã hội tại Việt Nam
Khu nhà lưu trú cho công nhân thuê tại Khu chế xuất Linh Trung II, Thành phố Hồ Chí Minh.

Về việc này, ông Lê Hoàng Châu cho biết sẽ có báo cáo và đề xuất Bộ Xây dựng làm việc với Bộ Đất đai, Hạ tầng giao thông Nhật Bản về nguồn vốn ODA, hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.

Theo ông Lê Hoàng Châu, giai đoạn này, các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia phát triển nhà ở xã hội rất thuận lợi bởi sẽ được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng đến 50%. Việt Nam đang nỗ lực để các đơn vị, tập đoàn tư nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền. Vì vậy đã và đang tích cực chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho rất nhiều dự án.

“Nhằm phát triển nhà ở xã hội, chúng tôi đã đề xuất nhiều chính sách để kêu gọi các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư. Hiện nay thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 50% và chúng tôi đang kiến nghị tiếp tục giảm hai loại thuế này tới 70% đối với dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê. Chính sách ưu đãi thứ hai là chính sách ưu đãi về tín dụng. Với chính sách này chúng tôi kiến nghị đưa về mức bằng với mức của năm 2023 là 4,8%/năm và ưu đãi đối với chủ đầu tư trong phạm vi 10 - 15 năm, đối với người mua nhà ở xã hội là 20 năm. Chính sách thứ ba là tiếp cận ưu đãi về đất đai, theo đó người làm dự án nhà ở xã hội không bị khống chế việc mua đất khác để làm nhà ở xã hội, miễn là nơi đó phù hợp quy hoạch”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Là doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, ông Trương Anh Tuấn, đại diện Tập đoàn Hoàng Quân cho biết, ngày 17/11 tới Tập đoàn sẽ tổ chức sự kiện nhà ở xã hội “Vì 01 triệu mái ấm gia đình Việt” với talkshow mang tên “Sở hữu nhà ở xã hội từ giấc mơ đến hiện thực”. Qua đó cung cấp thông tin hữu ích về thủ tục quy trình mua nhà ở xã hội để sớm hiện thực hóa đề án xây dựng 01 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ. Tập đoàn Hoàng Quân không chỉ hướng tới việc xây dựng nhà ở xã hội mà còn đóng góp vào quá trình phát triển cộng đồng, thúc đẩy nền kinh tế và tạo ra những giá trị bền vững cho đất nước.

Xem bản gốc