Ngày 26/9, trong khuôn khổ chương trình làm việc tại Hội chợ Thương mại điện tử toàn cầu lần thứ 3 (GDTE 2024) tại Hàng Châu (Trung Quốc), Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Việt Nam đã phối hợp với Sở Thương mại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc và Alibaba.com tổ chức “Hội nghị Giao thương Xúc tiến Thương mại Việt Nam – Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại số”.
Hơn 80 doanh nghiệp Việt Nam thuộc các ngành hàng bao gồm: các sản phẩm thương mại điện tử, công nghệ thông tin di động (5G/6G), con Chip; phần mềm Ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo); Công nghệ số, ứng dụng đổi mới sáng tạo; các nội dung IP như: IP game, thiết kế game,... đã tham gia hội nghị giao thương.
Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho rằng trong những năm qua, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã có nhiều bước tiến quan trọng, sâu sắc và toàn diện, thể hiện nổi bật ở sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau ngày càng được củng cố.
Đặc biệt từ đầu năm đến nay, tiếp xúc cấp cao giữa hai bên diễn ra thường xuyên, trao đổi giữa các bộ, ngành, địa phương duy trì chặt chẽ, hợp tác trên các lĩnh vực tiếp tục đi vào chiều sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Trước môi trường quốc tế đầy biến động và nhiệm vụ cải cách, phát triển và ổn định riêng của hai nước, Trung Quốc vẫn luôn giữ vững vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Việt Nam cũng liên tục duy trì vai trò là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc trong khu vực ASEAN.
Kim ngạch thương mại giữa hai nước không ngừng tăng trưởng (theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng năm 2024, thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc đã đạt 112,9 tỷ USD) phản ánh sự phát triển bền vững của mối quan hệ hợp tác kinh tế Việt - Trung theo đúng phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nguồn động lực mới, mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc.
Với những lợi thế về dân số trẻ, tinh thần đổi mới sáng tạo, cùng sự am hiểu về công nghệ, doanh nghiệp hai nước sở hữu tiềm năng to lớn để cùng nhau khai thác và thúc đẩy sự đột phá trong lĩnh vực thương mại số.
Là nền kinh tế phát triển năng động và luôn đi đầu trong công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc, theo ông Chiến, tỉnh Chiết Giang đã khẳng định ưu thế vượt trội trong lĩnh vực thương mại số và kinh tế số, trở thành một điểm đến lý tưởng cho Hội chợ Thương mại điện tử toàn cầu.
“Chúng tôi tin tưởng, Sở Thương mại Chiết Giang sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng, góp phần thúc đẩy hợp tác, giao lưu hiệu quả giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Trung Quốc”, ông Chiến nói.
Đặc biệt, ông Chiến nhấn mạnh tới sự phối hợp tích cực của Alibaba.com trong việc thúc đẩy, tổ chức các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, giúp doanh nghiệp nâng cao kỹ năng, kiến thức về xuất khẩu cũng như thương mại điện tử quốc tế, từ đó góp phần xây dựng nền tảng kinh doanh bền vững. Đồng thời hy vọng trong thời gian tới, việc đẩy mạnh hợp tác với Alibaba.com sẽ ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp Việt Nam trong các hoạt động xúc tiến thương mại.
Tại hội nghị đã diễn ra các phiên làm việc song phương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc. Tại đây, đại diện doanh nghiệp hai nước đã có cơ hội trao đổi thông tin, giới thiệu các lĩnh vực tiềm năng có thể hợp tác.
“Đây là dịp để các doanh nghiệp trong nước học hỏi, tìm kiếm cơ hội hợp tác mới, kết nối và mở rộng mạng lưới đối tác với các doanh nghiệp Trung Quốc- một thị trường vô cùng lớn và tiềm năng, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại số. Đồng thời giúp doanh nghiệp nắm bắt được những xu hướng mới, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam nói chung”, ông Chiến nhấn mạnh.
Hội nghị còn tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ mới, các giải pháp số tiên tiến trong lĩnh vực thương mại điện tử, logistics thông minh, quản lý chuỗi cung ứng số hóa, thanh toán trực tuyến và bảo mật.