Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Doanh nghiệp xoay xở giữa vòng xoáy thuế quan

Vietstock 15 Giờ trước

Doanh nghiệp xoay xở giữa vòng xoáy thuế quan

Làn sóng áp thuế hàng nhập khẩu do chính quyền Mỹ khởi xướng nhằm vào Trung Quốc và một loạt quốc gia khác đang tạo ra cú sốc bất định đối với giới quản lý doanh nghiệp. Tại Việt Nam, các công ty lớn đang lần lượt điều chỉnh chiến lược hoạt động cũng như tài chính, để tìm cách đối phó với rủi ro đang bắt đầu lan rộng.

Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế đối ứng lên một loạt quốc gia, bao gồm Việt Nam, tại Vườn Hồng, Nhà Trắng vào ngày 02/04/2025

Chỉ hơn 1 tháng trước đây, phần đông giới doanh nhân và người tham gia thị trường tại Việt Nam vẫn lạc quan rằng đất nước sẽ hưởng lợi nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nóng hơn. Tuy nhiên, mức thuế đối ứng cao đến 46% (dù đã được tạm hoãn 90 ngày) mà chính quyền Donald Trump công bố đối với Việt Nam đã xé toạc bức tranh màu hồng.

Ngay sau khi chính sách thuế quan mới được Mỹ công bố, một loạt diễn biến bất lợi đã diễn ra trên thị trường cổ phiếu. Đặc biệt với ngành khu công nghiệp, giá cổ phiếu đồng loạt đổ dốc và duy trì ở mức thấp. Becamex IDC (HOSE: BSM) - nhà phát triển hàng ngàn ha khu công nghiệp - đã phải hoãn thương vụ chào bán 300 triệu cp, trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng, vì điều kiện thị trường đột ngột thay đổi tiêu cực.

Khi thị trường chứng khoán rớt giá nhanh, không ít lãnh đạo doanh nghiệp - từng dùng cổ phiếu để thế chấp vay vốn - đã bị các công ty chứng khoán buộc phải bán giải chấp, như trường hợp ở Phát Đạt (HOSE: PDR), Nam Việt (HOSE: ANV) và DIG.

Công ty đầu ngành kim hoàn là Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) đã nhanh chóng bổ sung phương án mua cổ phiếu quỹ vào tờ trình Đại hội, nỗ lực ổn định giá trị doanh nghiệp trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư trở nên nhạy cảm.

Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở biến động giá trị vốn hóa doanh nghiệp mà còn ở khả năng duy trì dòng tiền. Để ứng phó, Hòa Phát đã hủy phương án chia cổ tức tiền mặt, nhằm chuẩn bị cho nguy cơ dòng tiền bị ảnh hưởng. FPT, một trong những tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu, ngay lập tức yêu cầu nội bộ cắt giảm 30% mọi chi phí không trực tiếp tạo ra doanh thu.

Tại cuộc họp đại hội thường niên chiều 15/4, Phó Tổng Giám đốc FPT Phạm Minh Tuấn nêu lên rủi ro về nhu cầu khách hàng có thể giảm sút trong ngắn hạn, khi các công ty toàn cầu trở nên cẩn trọng hơn với các khoản đầu tư mới, do lo ngại về sức khỏe nền kinh tế.

Tâm lý thận trọng bao trùm giới doanh nhân, bởi hướng đi của các chính sách quan trọng có thể thay đổi chỉ sau vài dòng trên mạng xã hội của Tổng thống Trump.

Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long - ông Cô Gia Thọ - một lãnh đạo kỳ cựu trong ngành tiêu dùng, thừa nhận rất khó để đánh giá hết tác động của chính sách thuế mới từ Mỹ, nhưng điều ông cam đoan là việc kinh doanh rồi sẽ khó khăn hơn. Hãng văn phòng phẩm với doanh thu gần 3.8 ngàn tỷ đồng này cho biết, sẽ cẩn trọng hơn với các kế hoạch mua bán, sáp nhập trong thời gian tới.

Còn Chủ tịch FPT - ông Trương Gia Bình, chia sẻ tại đại hội cổ đông rằng: “Người kinh doanh chúng tôi, hôm nay đã phải nói chuyện cho 3 năm nữa, trong khi chính sách thay đổi qua 1 đêm thì làm sao mà nghĩ kịp… Tất cả mọi người gặp tôi đều không nói được gì về tương lai”.

Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trên toàn cầu những năm qua

Dệt may, Khu công nghiệp trong tâm bão

Một trong số các ngành chịu tác động trực tiếp bởi chính sách thuế quan mới là dệt may.

Với 30% doanh thu xuất khẩu đến từ thị trường Mỹ, Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) hiện phải tăng tốc sản xuất trong 90 ngày để kịp giao hàng trước khi mức thuế đối ứng mới có hiệu lực. Chủ tịch Thành Công - ông Trần Như Tùng cho rằng cơ hội vẫn có thể mở ra khi hàng Trung Quốc bị áp thuế nặng, song mọi việc vẫn mù mờ khi các thỏa thuận đàm phán thuế giữa Mỹ và các nước chưa có kết quả.

Về lâu dài, ông Tùng nhận định ngành may Việt Nam không còn có thể cạnh tranh bằng chi phí nhân công thấp, mà cần chuyển hướng sang sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn thông qua R&D, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số ở nhà máy để tăng hiệu suất.

Trong khi đó, các công ty hoạt động trong lĩnh vực khu công nghiệp chịu tác động đáng kể.

Nhà phát triển các khu công nghiệp tại Nhơn Trạch và Châu Đức là D2D mới đây cho biết, đã có khách hàng yêu cầu trả lại đất thuê, dù đã thanh toán 50% tiền thuê, do lo ngại kế hoạch sản xuất bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, một số đơn vị khác như Gilimex hay Kinh Bắc cho biết chưa ghi nhận tác động tiêu cực ngay, nhưng thừa nhận rằng đã có nhà đầu tư tạm dừng triển khai để nghe ngóng tình hình. Theo Kinh Bắc, vấn đề lớn nhất là các nhà đầu tư phải quan sát mức thuế mà Mỹ áp lên hàng Việt Nam có tương quan ra sao với các nước cùng khu vực, từ đó mới quyết định chiến lược dài hạn.

Ông Nouriel Roubini là kinh tế gia nổi tiếng người Mỹ gốc Iran - Ý, sinh năm 1958. Ông được biết đến với biệt danh “Dr. Doom” vì những dự báo kinh tế u ám, trong đó nổi bật là dự báo về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008

Trả lời phỏng vấn trên kênh Bloomberg Television, kinh tế gia nổi tiếng Nouriel Roubini nhận định sự biến động đi kèm với thuế quan làm gia tăng bất định, từ đó tạo ra giá trị kỳ vọng cho việc “chờ đợi”. Doanh nghiệp sẽ chờ xem tình hình rồi mới quyết định đầu tư, tuyển dụng… và người tiêu dùng cũng trì hoãn chi tiêu.

Tuy nhiên, ông cho lập luận vấn đề không chỉ nằm ở sự bất định mà còn nằm ở mức độ thiệt hại thực tế của thuế quan.

“Nếu Mỹ đặt ra một mức thuế kinh tế cụ thể nào đó với Trung Quốc, chẳng hạn 145%. Điều đó hoàn toàn chắc chắn và chẳng mang tính bất định nào. Ta thấy rằng tác động kinh tế lúc này là rất nghiêm trọng”.

“Bởi vậy, lập luận rằng vấn đề chỉ nằm ở sự bất định, rằng ‘nếu chúng ta biết họ định làm gì thì mọi thứ sẽ ổn’… là không hề đúng” - ông Roubini nói.

Thừa Vân

FILI

- 13:49 08/05/2025

Xem bản gốc