Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ sang Israel năm 2023 đã tăng 37% so với năm trước đó, đạt hơn 50 triệu USD. Ngày 25/7/2023, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) được ký kết đã tạo rất nhiều thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu thuỷ sản, trong đó có cá ngừ sang thị trường này.
“Có thể nói, Israel là một thị trường xuất khẩu cá ngừ tiềm năng của ngành cá ngừ Việt Nam. Mặc dù, Trung Đông lâu nay luôn xảy ra nhiều cuộc xung đột nhưng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này vẫn tăng”, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định.
Theo VASEP, bước sang năm 2024, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này tăng trưởng cao liên tục kể từ đầu năm. Tuy nhiên, trong 3 tháng trở lại đây, xuất sang thị trường này đã có dấu hiệu không ổn định, với sự sụt giảm 31% trong tháng 7. Tháng 8 xuất khẩu sang thị trường này đã tăng trở lại nhưng mức tăng không cao chỉ tăng 20% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, với cuộc tấn công mới đây của Iran đối với Israel, hiện chưa có doanh nghiệp cá ngừ nào báo cáo bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, VASEP dự báo, trong tương lai, xuất khẩu sang thị trường này ít nhiều sẽ biến động.
Cũng theo VASEP, Trung Đông là khu vực trung tâm của 3 châu lục: châu Á, châu Âu, châu Phi, do đó nếu xung đột xẩy ra có thể gây tắc nghẽn vận tải biển, trong đó có vịnh Aden là tuyến đường ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á. Trao đổi thương mại quốc tế qua tuyến đường chiến lược này chiếm tới 12 - 13% tổng thương mại thế giới, thủy sản Việt Nam xuất khẩu cũng đi qua vịnh này, qua Biển Đỏ.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ, cho biết năm nay cá ngừ nguyên liệu đánh bắt trong nước khó thu mua hơn các năm vì quy định vướng kích thước tối thiểu của cá ngừ vằn được phép đánh bắt, doanh nghiệp phải tăng cường nhập khẩu.
Ngoài ra, giá cá ngừ nhập khẩu cao hơn vì gánh thêm chi phí vận chuyển, tài chính ở hết trong nguồn hàng. Chưa kể, doanh nghiệp vừa trải qua một thời gian khó khăn, xuất khẩu sụt giảm, chỉ trong chờ vào dịp lễ cuối năm. Nếu tắc nghẽn thị trường Israel, hàng tồn kho sẽ tăng cao, vốn lưu chuyển chậm sẽ khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn.
Trong khi đó, tín hiệu đang mừng là xuất khẩu tôm Việt Nam sang một số thị trường lớn đều đạt kết quả khả quan. Tính đến 15/9/2024, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 516 triệu USD, tăng 8%; xuất khẩu sang EU đạt 337 triệu USD, tăng 15%; xuất khẩu sang Trung Quốc và Hongkong đạt 529 triệu USD, tăng 26%; xuất khẩu sang Nhật Bản ghi nhận kim ngạch 342 triệu USD, giảm 1% (mức giảm đã thấp hơn so với đầu năm)
Theo số liệu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), trên thị trường Hoa Kỳ, trong tháng 8/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam ghi nhận tích cực hơn các đối thủ khác như Ấn Độ, Ecuador khi xuất khẩu tôm từ các nguồn cung này sang Mỹ đều giảm.
VASEP cho biết giá tôm nguyên liệu của Việt Nam đã ghi nhận tích cực hơn kể từ tháng 7/2024. Giá tôm chân trắng nguyên liệu các cỡ 50, 80, 100 con/kg tăng đều kể từ tháng 7 đến tháng 9. "Giá trung bình tôm xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và EU cũng ghi nhận tăng từ tháng 6. Giá xuất sang Trung Quốc, Nhật Bản cũng ghi nhận tăng nhẹ", VASEP thông tin.
Tại Hoa Kỳ, giá trung bình nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào thị trường này ghi nhận tăng từ 4,59 USD/pound vào tháng 7/2024 lên 4,95 USD/pound vào tháng 8/2024. Giá mỗi pound cũng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, vì giá trung bình là 4,93 USD/pound vào tháng 8/2023. Tháng 8 cũng là tháng ghi nhận nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ đạt cao nhất kể từ đầu năm, mặc dù số liệu vẫn ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
"Dự kiến, giá tôm nguyên liệu vẫn sẽ tiếp tục khả quan trong quý 4/2024, tuy nhiên có khả năng thiếu nguyên liệu cục bộ do đây là giai đoạn Trung Quốc sẽ tăng mua cho nhu cầu lễ Tết Nguyên đán và năm mới, doanh nghiệp cần nguồn nguyên liệu để đẩy mạnh sản xuất các đơn hàng cuối năm", VASEP đưa ra dự báo.