Tại diễn đàn “Phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại nhanh, bền vững”, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, nhận định hệ thống bán lẻ đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng, mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đặc biệt, phát triển hệ thống bán lẻ được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững.
XÂY DỰNG HỆ SINH THÁI BÁN LẺ HIỆN ĐẠI
Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra nhiều mục tiêu lớn, đó là: Xây dựng hệ thống bán lẻ hiện đại, hiệu quả, đảm bảo kết nối giữa các vùng miền và nâng cao khả năng cạnh tranh của thương mại trong nước; khai thác hiệu quả tiềm năng của công nghệ số, thúc đẩy thương mại điện tử và các mô hình bán lẻ thông minh; gắn kết phát triển thương mại với tiêu dùng bền vững và bảo vệ môi trường, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội.
Chiến lược này không chỉ định hướng cho ngành bán lẻ Việt Nam phát triển nhanh mà còn đặt ra yêu cầu phải gắn kết chặt chẽ giữa tốc độ phát triển và tính bền vững theo đúng các chủ trương, đường lối lớn của Đảng.
Lãnh đạo Vụ thị trường trong nước nhận định trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, hệ thống bán lẻ của chúng ta đã và đang đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức lớn.
Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới không chỉ mở rộng thị trường mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực đổi mới, nâng cao chất lượng và dịch vụ trong lĩnh vực bán lẻ.
Vì vậy, theo ông Chinh, phát triển hệ thống bán lẻ nhanh và bền vững cần hướng đến thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển các mô hình bán lẻ hiện đại, trong đó đầu tư vào công nghệ số để phát triển các mô hình bán lẻ đa kênh, tăng cường trải nghiệm người tiêu dùng và tối ưu hóa quản trị chuỗi cung ứng.
Đồng thời, tăng cường năng lực cạnh tranh và hợp tác, trong đó khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước nhằm chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm và xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ hiện đại, bền vững.
Cùng với đó, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và bảo vệ môi trường. Trong đó đặt ra yêu cầu xây dựng các chuỗi cung ứng xanh, khuyến khích sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, giảm thiểu rác thải trong các hoạt động bán lẻ; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và doanh nghiệp về tiêu dùng bền vững, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn.
Xây dựng mạng lưới bán lẻ đồng bộ, bao trùm, trong đó cần phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại không chỉ ở đô thị, mà còn mở rộng tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận hàng hóa và dịch vụ chất lượng.
Mặt khác, ông Chinh cho rằng thúc đẩy hội nhập và cạnh tranh lành mạnh, trong đó điều kiện tiên quyết là tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia phát triển ngành bán lẻ, mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội.
CẦN THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Đào Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khẳng định ngân sách nhà nước luôn dành sự quan tâm tới đầu tư cho hạ tầng bán lẻ, ở đây là chợ dân sinh, chợ đầu mối. Điều này được thể hiện trong Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015 và Nghị quyết số 937/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với hạ tầng thương mại bán lẻ hiện đại ở thành phố lớn, các khu vực trung tâm, ngân sách nhà nước tập trung vào phát triển giao thông, điện, nước, hệ thống logistics… Ngân sách nhà nước cũng đã có quy định về ưu đãi đầu tư hạ tầng thương mại bán lẻ tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa để giảm khoảng cách phát triển so với các thành phố lớn.
Không chỉ vậy, theo bà Hương, hiện nay quy hoạch hạ tầng thương mại đã được tích hợp vào các quy hoạch tỉnh, vùng, làm cơ sở thu hút đầu tư. Hệ thống bán lẻ hiện đại tại các khu vực phát triển (thành phố, thị xã) như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi được xây dựng, phát triển với tốc độ nhanh, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo hạ tầng bán lẻ.
Song để hệ thống hạ tầng bán lẻ phát triển bền vững trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, bà Hương cho rằng cần quy hoạch đồng đều, mức độ ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử vào thương mại ở nhiều địa phương cần được đẩy mạnh để nâng cao hiệu quả phân phối hàng hóa.
Bên cạnh đó, các địa phương trên cả nước cần tích cực, chủ động triển khai thực hiện thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, trung tâm logistics theo các quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Với vốn ngân sách nhà nước, các địa phương cần hiểu rõ hơn tầm quan trọng của thương mại trong phát triển kinh tế để dành sự ưu tiên đầu tư hạ tầng thương mại truyền thống trong cân đối ngân sách địa phương, nhất là tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Với nguồn vốn xã hội hoá, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, nhất là tại các địa bàn được ưu đãi. Đối với các khu vực có lợi thế về đất đai, kêu gọi nhà đầu tư vào đầu tư, khai thác chợ theo các quy định hiện hành về đấu giá, đấu thầu.
Đồng thời, hình thành các cơ chế liên kết giữa các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm, đảm bảo hệ thống hạ tầng thương mại liên thông với hệ thống logistics để thu hút đầu tư, phục vụ lưu thông hàng hóa nội địa và quốc tế hiệu quả.
Đặc biệt, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp khuyến nghị các tỉnh cần tiếp tục rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển hạ tầng thương mại, nhất là chính sách về đầu tư công, quy hoạch, đối tác công - tư, ngân sách nhà nước, phát triển hạ tầng số… Đầu tư các giải pháp công nghệ hiện đại để quản lý và vận hành hạ tầng bán lẻ; nâng cao chất lượng dịch vụ bán lẻ; tăng cường đào tạo nhân lực quản lý và vận hành hạ tầng bán lẻ hiện đại.