Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là những động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Công nhân vận hành máy sản xuất tại công ty ICT Vina, Khu Công nghệ cao TP Đà Nẵng. Ảnh minh họa: Quốc Dũng/TTXVN |
Nghị quyết này đã nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng chuyên gia và các nhà khoa học, bởi đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước, đồng thời định hướng cho các bước phát triển toàn diện và bền vững trong thời gian tới.
Tạo cơ hội để làm chủ các công nghệ cốt lõi
Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã trở thành những yếu tố sống còn của nền kinh tế. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học nhận định: Nghị quyết số 57-NQ/TW là bước đi chiến lược, đưa Việt Nam bắt kịp xu hướng toàn cầu, chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa vào lao động và tài nguyên sang dựa trên tri thức và công nghệ.
Việc đầu tư mạnh mẽ vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động và đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này cũng giúp giảm phụ thuộc vào các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, vốn dễ bị tổn thương trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, một ý nghĩa quan trọng của Nghị quyết là khẳng định vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong việc tăng cường nội lực, khả năng tự chủ, tự cường của đất nước. Việc đầu tư phát triển các ngành khoa học trọng điểm không chỉ giúp Việt Nam giải quyết các thách thức trong nước mà còn tạo cơ hội để làm chủ các công nghệ cốt lõi, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, một trong những trọng tâm của Nghị quyết là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh lực lượng lao động Việt Nam tuy dồi dào nhưng vẫn thiếu các kỹ năng chuyên sâu về công nghệ và sáng tạo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn năm 2030, định hướng đến năm 2045. Mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành bán dẫn là một trong những minh chứng cụ thể cho quyết tâm của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đây cũng là sự chuẩn bị cho một nền tảng kinh tế vững chắc khi Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và đặc biệt là các tập đoàn của Hoa Kỳ như Intel, Amkor trong mảng đóng gói, kiểm thử; Marvell, Qorvo, Qualcomm trong mảng thiết kế; Synopsys, Cadence trong việc cung cấp công cụ thiết kế chip bán dẫn…
Ông Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định, Nghị quyết số 57-NQ/TW cũng là động lực quan trọng để các cơ sở giáo dục đổi mới chương trình đào tạo, tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ sinh học. Đồng thời, khuyến khích các trường đại học và doanh nghiệp hợp tác trong nghiên cứu và phát triển.
Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, Nghị quyết số 57-NQ/TW đã khẳng định vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ và chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn tạo động lực phát triển cho toàn bộ nền kinh tế.
Mô hình khu trung tâm kinh doanh gắn với biểu tượng tài chính của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN phát |
Kim chỉ nam cho phát triển toàn diện, bền vững
Các doanh nhân cũng cho rằng, đây là cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vươn ra thế giới, tận dụng các ưu đãi chính sách để đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới. Đặc biệt, các ngành kinh tế mũi nhọn như sản xuất thông minh, thương mại điện tử, tài chính công nghệ (fintech) sẽ được hưởng lợi lớn từ các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc áp dụng công nghệ cao và chuyển đổi số hứa hẹn sẽ thay đổi hoàn toàn cách thức sản xuất, từ quản lý đất đai, nước tưới, đến vận hành chuỗi cung ứng. Nghị quyết số 57-NQ/TW là kim chỉ nam để nông nghiệp Việt Nam bước vào kỷ nguyên số hóa, tăng giá trị sản xuất, đồng thời cải thiện đời sống của người nông dân thông qua các giải pháp thông minh.
Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm, nông nghiệp hiện chiếm 14% GDP với 5 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Chuyển đổi số trong nông nghiệp đã bước đầu được quan tâm, từng bước giúp nông dân và doanh nghiệp nâng cao năng suất làm việc, nâng cao lợi nhuận, tối ưu hóa hoạt động sản xuất và nâng cao giá trị.
Tiềm năng của chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Việt Nam rất lớn vì được sự ủng hộ cao từ các cơ quan, bộ, ngành cho đến các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã chủ động ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Các công nghệ, nền tảng internet vạn vật (IOT), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tự hành (Robotics), cảm biến (sensors)... đã được áp dụng trong các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản và cho kết quả tốt.
Tuy nhiên, việc áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh tế nói chung vẫn còn nhiều hạn chế. Hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, đặc biệt là mạng lưới dữ liệu quốc gia vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế, nhất là ở các vùng nông thôn và miền núi. Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng các cơ chế cụ thể để thúc đẩy doanh nghiệp và các viện nghiên cứu tham gia đổi mới sáng tạo vẫn chưa đủ mạnh.
Để Nghị quyết 57-NQ/TW đi vào thực tiễn, các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nhân kiến nghị Chính phủ cần ưu tiên ngân sách để xây dựng các nền tảng công nghệ cốt lõi, như mạng lưới dữ liệu lớn, trung tâm nghiên cứu công nghệ cao; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như đẩy mạnh đào tạo về công nghệ và đổi mới sáng tạo ở mọi cấp độ, từ phổ thông đến đại học, đồng thời thu hút chuyên gia từ nước ngoài.
Đặc biệt, cần xây dựng các mô hình hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu để tối ưu hóa nguồn lực và phát huy hiệu quả của các sáng kiến đổi mới; cải thiện cơ chế hỗ trợ tài chính và thủ tục hành chính để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới sáng tạo…
Trong công cuộc phát triển đất nước, Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, Nghị quyết số 57-NQ/TW không chỉ mang ý nghĩa chiến lược mà còn là kim chỉ nam cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước. Với các định hướng rõ ràng và quyết tâm từ các cấp lãnh đạo, Nghị quyết hứa hẹn sẽ đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có nền khoa học công nghệ tiên tiến, đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần sự chung tay của toàn xã hội, từ Nhà nước, doanh nghiệp, đến từng cá nhân, nhằm biến các ý tưởng sáng tạo thành động lực phát triển thực sự…