Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Dồn lực khôi phục sản xuất – kinh doanh sau bão Yagi

Vneconomy 1 Tháng trước
Dồn lực khôi phục sản xuất – kinh doanh sau bão Yagi - Ảnh 1
Dồn lực khôi phục sản xuất – kinh doanh sau bão Yagi - Ảnh 2

“Bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là hai lĩnh vực có tăng trưởng cao nhất của ngành nông nghiệp. Tính toán sơ bộ bước đầu, thủy sản thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng và chăn nuôi khoảng 2.000 tỷ đồng.

Để nhanh chóng khôi phục sản xuất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3. Đây là văn bản rất quan trọng để đạt được mục tiêu phục hồi sản xuất nông nghiệp.

Thiệt hại vừa qua, có những hộ gia đình mất vài chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có văn bản kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng thương mại trên cơ sở xác nhận của các địa phương để đình hoãn, giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất, thậm chí có những hỗ trợ để sớm phục hồi sản xuất chăn nuôi và thủy sản trong thời gian ngắn nhất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất Chính phủ có những hỗ trợ nhất định đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và đặc biệt phải tiếp tục giải quyết vấn đề về bảo hiểm, tái bảo hiểm để phát triển thủy sản, chăn nuôi cũng như các lĩnh vực khác một cách bền vững hơn.

Về tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực họp với các địa phương, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng để hỗ trợ các giải pháp về kỹ thuật, con giống, vật tư sản xuất, thức ăn, thuốc…

Để giải quyết nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm, đặc biệt vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cùng vào cuộc để hỗ trợ người dân con giống, thức ăn, vật tư… sớm phục hồi sản xuất và đáp ứng tối đa được nhu cầu thực phẩm. Điều này cũng nhằm hạn chế nhất ảnh hưởng đến CPI, xuất khẩu, tăng trưởng ngành nông nghiệp. Do vậy, phục hồi sản xuất là yếu tố quan trọng nhất đối với nông nghiệp hiện nay”.

Dồn lực khôi phục sản xuất – kinh doanh sau bão Yagi - Ảnh 3

“Cơn bão số 3 đã gây ra ảnh hưởng rất lớn đến hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng và khu vực Hà Nội. Theo thống kê sơ bộ ban đầu của Agribank, đến nay có khoảng 12.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão. Dư nợ bị ảnh hưởng ước tính khoảng 21.000 tỷ đồng.

Hiện Agribank vẫn đang tiếp tục thống kê và con số có thể tăng lên, vì còn rất nhiều khu vực giao thông bị chia cắt, mất điện, mất liên lạc… Ngay sau khi bão tan, lãnh đạo Agribank đã cắt cử phân công lãnh đạo chủ chốt tức tốc lên đường kiểm tra tình hình thực tế, kịp thời chia sẻ với các chi nhánh, bàn giải pháp cấp bách để hỗ trợ cho khách hàng một cách thiết thực nhất, nhanh nhất.

Agribank là ngân hàng chủ lực đầu tư vào thị trường nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì đối tượng chúng tôi hướng đến ưu tiên vẫn là nhóm “tam nông”. Chia sẻ một cách thiết thực nhất lúc này với nông dân bị thiệt hại do bão số 3, chúng tôi sẽ tham mưu với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để có các giải pháp, có các gói phù hợp cho khách hàng lựa chọn.

Do đó, ngoài những chính sách mà Agribank đang áp dụng, trong cho vay nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đối với những địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên diện rộng, Agribank sẽ hướng dẫn khách hàng xác định thiệt hại, cùng với chính quyền địa phương để hoàn thiện hồ sơ, tổng hợp và báo cáo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định khoanh nợ cho khách hàng.

Hiện nay, các tổ chức tín dụng cũng như Agribank đang áp dụng Thông tư 11/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu nợ cho khách hàng, chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Nghị định 55 và Thông tư 02/2023/TT-NHNN… Tuy nhiên, với bối cảnh thiên tai bất thường hiện nay, chắc chắn cần phải có chính sách phù hợp hơn. Đơn cử, Thông tư 02 có sửa đổi về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn, được áp dụng đến ngày 31/12/2024 và áp dụng cho các khoản giải ngân trước ngày 24/4/2023 thì cần điều chỉnh phù hợp trong điều kiện hiện nay, do những khoản vay giải ngân sau 24/4/2023 không được áp dụng cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Agribank dự kiến ngay trong tuần tới sẽ giảm lãi suất từ 0,5 - 2% trên lãi suất đang áp dụng để hỗ trợ khách hàng, tùy theo mức độ thiệt hại của từng nông hộ vay vốn. Trong trường hợp bà con đang có dư nợ tại Agribank, không may bị mất hết tài sản nhưng muốn tiếp tục vay thêm khoản mới để khôi phục sản xuất, thì Agribank hoàn toàn có quyền cho vay không có bảo đảm, tất nhiên chúng tôi phải quản lý và có cơ sở về nguồn thu của khách hàng. Song, mức vay và thời hạn vay chúng tôi sẽ dựa trên tình hình cụ thể, tính khả thi của phương án cho vay và nguồn thu của từng đối tượng để quyết định”.

Dồn lực khôi phục sản xuất – kinh doanh sau bão Yagi - Ảnh 4

“Khu Quản lý đường bộ 1 chịu trách nhiệm quản lý tuyến đường huyết mạch nối các tỉnh thành phía Bắc, trong đó đi qua các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Lào Cai, Tuyên Quang, Cao Bằng… đều là những tuyến đường chịu hậu quả nặng nề của cơn bão cũng như hoàn lưu do bão số 3 gây ra.

Đối với thiệt hại trên hệ thống đường bộ đang được công ty quản lý thì số lượng đất sụt rất lớn, có những điểm lên đến hàng vạn khối nước, dẫn tới cản trở và ắch tắc giao thông trên tuyến. Đối với hệ thống các cầu, mực nước sông lên rất cao gây, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến công trình.

Bên cạnh đó, trên tuyến đường giao thông trọng yếu xuất hiện tình trạng ngập úng sâu khiến các phương tiện không thể di chuyển. Một số tuyến bị ngập sâu như tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, tuyến đường quốc lộ 3 hay trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.

Trong thời điểm hiện nay, chúng tôi tiến hành xác định khối lượng và xây dựng kế hoạch để khôi phục hệ thống đường sá, cầu cống trở về nguyên trạng trong thời gian sớm nhất. Riêng với các cây cầu, chúng tôi phải thường xuyên theo dõi mực nước để nhanh chóng đưa ra hạn chế tải trọng, hoặc phân luồng giao thông kịp thời, phù hợp.

Mặc dù cơn bão đã đi qua nhưng hậu quả để lại là rất lớn, hiện chúng tôi đang huy động nhân sự và máy móc để giải quyết những thiệt hại do bão số 3 cũng như hoàn lưu sau bão gây ra trên hai tuyến Quốc lộ 3 và đường Hồ Chí Minh, đảm bảo hoạt động giao thông trở lại trạng thái bình thường và dự kiến sẽ đạt được mục tiêu đó trong thời gian một tháng.

Công tác khôi phục giao thông cũng đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài những địa bàn có địa điểm giao thông hiểm trở phức tạp thì cũng có nơi với lưu lượng giao thông rất lớn, chúng tôi vừa phải đảm bảo giao thông, tối thiểu có một làn xe đi qua, vừa xử lý hư hỏng cầu, đường. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải đầu tư rất nhiều trong một khoảng thời gian hết sức gấp rút.

Định kỳ hằng năm, thường thì ngay trong những tháng đầu năm, chúng tôi triển khai kế hoạch ứng phó với thiên tai, đồng thời, rà soát lại tất cả những công trình, những điểm xung yếu, sạt lở trên tuyến,… có phương án xử lý kịp thời, ngăn ngừa tối đa những tác động nguy hiểm lên hệ thống đường sá, đảm bảo an toàn cho cầu đường.

Song song với đó, chúng tôi có những kho vật tư dự phòng tại chỗ để khi có tình huống bất ngờ xảy đến sẽ không bị rơi vào trạng thái bị động, luôn chủ động lực lượng để xử lý được ngay mọi sự cố; cũng như chủ động trong việc khắc phục hậu quả, cố gắng để đạt được mục tiêu giảm tối đa thời gian ách tắc giao thông trên tất cả các tuyến đường”.

Dồn lực khôi phục sản xuất – kinh doanh sau bão Yagi - Ảnh 5

“Tôi làm về lúa giống đã hơn 30 năm, cũng ngần ấy năm gắn bó với nông dân trồng lúa, nhưng chưa bao giờ phải chứng kiến thiệt hại lớn đến như lần này. Những ngày sau khi bão đi qua, tôi liên tục đi thăm các cánh đồng trồng lúa của bà con nông dân, từ Thái Bình đến các tỉnh, thành phố khác ở Đồng bằng sông Hồng (Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Hà Nam), đến các tỉnh Trung du miền núi (Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên…), đến đâu, cũng nhìn thấy cảnh lúa bị thiệt hại.

Nhìn những cánh đồng lúa nằm trong nước mà tôi ngậm ngùi. Thiệt hại là điều đáng buồn, song cũng là “cơ hội” của các nhà khoa học. Bởi sau mỗi lần thiên tai xảy ra như rét hại, hạn hán, mưa, bão, úng lụt, hạn mặn... sẽ là “phép thử” tự nhiên tốt nhất để đánh giá khả chống chịu của giống lúa mà các thí nghiệm trong môi trường nhân tạo không có được hoàn chỉnh.

Cơn bão Yagi mang theo mưa lớn và gió mạnh, gây ngập lụt trên diện rộng, nhiều cánh đồng lúa trên cả nước đã bị tàn phá nặng nề. Nhưng đáng ngạc nhiên, giống lúa TBR97, được gieo trồng rộng rãi tại các tỉnh trên cả nước lại thể hiện sức sống mãnh liệt và khả năng phục hồi ấn tượng. Sau khi bão đi qua, rất nhiều diện tích lúa TBR97 trồng tại các nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc vẫn đứng vững, ít bị ngập úng, cho thấy khả năng vượt trội so với nhiều giống lúa khác.

Tại hầu hết các điểm gieo trồng giống lúa TBR97 trà sớm ở Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thái Bình... lúa đã chín chuẩn bị thu hoạch nhưng ít bị đổ và cho kết quả tốt. Với kết quả khả quan từ giống lúa TBR97 sau bão Yagi, nhiều nông dân đã bày tỏ ý định mở rộng diện tích trồng trong những vụ mùa tới. Kết quả này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro do thiên tai, mà còn mang lại niềm tin cho nông dân về sự bền vững trong trồng lúa”.

Dồn lực khôi phục sản xuất – kinh doanh sau bão Yagi - Ảnh 6

“Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực phía Bắc, các doanh nghiệp không kịp trở tay với đợt bão lũ vừa qua. Cuối cùng, nhiều doanh nghiệp không kịp vận chuyển máy móc, thiết bị lên khu vực cao hơn, đưa nguyên vật liệu lên chỗ tốt hơn để phòng, chống bão lũ. Vì vậy, có những doanh nghiệp thiệt hại lớn. Cần phải nhấn mạnh rằng trong quản trị rủi ro, việc phòng, chống bão lũ là rủi ro thường xuyên đối với các doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp chủ quan phòng, chống bão lũ là nguyên nhân chính, phần khác là do đợt bão này quá mạnh gây tác động lớn.

Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ kịp thời và nhanh nhạy để doanh nghiệp, người dân khắc phục hậu quả bão lũ, sớm đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường. Ngành thuế sớm ban hành công văn hỏa tốc thông tin về các chính sách liên quan đến gia hạn, miễn giảm thuế do thiên tai, nhằm hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị tổn thất do bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Về việc gia hạn nộp thuế, chính sách này có thể thực hiện một cách đại trà, đơn giản hơn, tuy nhiên, cần lưu ý sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu và khả năng chi tiêu của ngân sách cũng như ý thức chấp hành pháp luật của người nộp thuế.

Về việc miễn, giảm một số sắc thuế, trước đây chính sách này chỉ áp dụng cho một số ngành và loại trừ nhiều ngành, nghề, nhưng lần này, việc giãn hoãn nộp thuế và giảm thuế mở rộng ra với tất cả những doanh nghiệp mà chịu ảnh hưởng của bão lũ. Tuy nhiên cần lưu ý việc giảm thuế phải tùy theo mức độ thiệt hại và chính sách miễn, giảm sẽ áp dụng cho từng doanh nghiệp, từng vùng, từng ngành nghề, tại từng địa phương, chứ không miễn, giảm một cách đại trà.

Do đó, chính doanh nghiệp phải là người tự chủ động kê khai thiệt hại, làm rõ tài liệu, chứng từ phục vụ cho việc xác định giá trị thiệt hại của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp theo quy định và có xác nhận của chính quyền địa phương. Từ đó, cơ quan thuế, Bộ Tài chính mới có căn cứ để thực hiện.

Thông thường, ngành nông nghiệp chịu nhiều thiệt hại nên được hỗ trợ lớn hơn, còn ngành công nghiệp mức hỗ trợ thấp hơn. Ngoài ra, chuyện “té nước theo mưa”, lợi dụng miễn giảm thuế năm nào cũng có, nhiều trường hợp doanh nghiệp lợi dụng bão lũ kê khai không đúng, do đó, việc kiểm tra, giám sát là điều quan trọng và cơ quan thuế có quyền từ chối miễn, giảm thuế”.

Dồn lực khôi phục sản xuất – kinh doanh sau bão Yagi - Ảnh 7

“Kinh nghiệm cả đời làm nghề biển biết là bão rất mạnh, sẽ thiệt hại nhiều nhưng không ngờ nó khủng khiếp đến vậy.

Trước bão, huyện Vân Đồn đó có gần cả trăm hợp tác xã nuôi biển, vậy mà sau bão không còn vết tích gì. Nhà nào nuôi nhiều mất nhiều, nhà nuôi ít mất ít nhưng cơ bản là mất sạch. Bình quân một hộ gia đình ở Vân Đồn có khoảng 20 - 25 dây hàu, nếu được thu  mỗi dây cũng được khoảng 5 tấn, nhưng tất cả đều mất hết. Riêng nhà tôi có 800 đường hàu, tương ứng với 8 vạn quả phao, đầu tư hết hơn 7 tỷ đồng, bây giờ bão đánh tan tác hết. Hàu đang độ lớn, khoảng một tháng nữa sẽ thu, mỗi đường hàu thả một vạn giống, nếu như mọi năm sẽ thu ít nhất 4 nghìn tấn, bán giá bét lắm cũng được 7 nghìn đồng/kg, nhân lên đã 27 - 28 tỷ đồng rồi. Chưa kể tiền đầu tư lồng bè, tiền trả nhân công. Bây giờ tay trắng hết, đến cái vỏ con hàu cũng chẳng còn”.

Dồn lực khôi phục sản xuất – kinh doanh sau bão Yagi - Ảnh 8

VnEconomy 24/09/2024 11:00

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 39-2024 phát hành ngày 23/9/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Dồn lực khôi phục sản xuất – kinh doanh sau bão Yagi - Ảnh 9
Xem bản gốc