(Xây dựng) – Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Tuần lễ Du lịch - Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ tổ chức Tọa đàm “Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đường sông và công bố tuyến du lịch đường sông kết nối TP.HCM - ĐBSCL”.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại Tọa đàm. |
Tài nguyên du lịch đường sông quý giá
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả, các hãng lữ hành đánh giá cao tài nguyên du lịch đường sông. Theo thông tin Sở Du lịch TP.HCM, TP.HCM có 135 tài nguyên phục vụ du lịch đường thủy. Với lợi thế 04 tuyến sông chính là Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp chảy qua tạo ra mạng lưới đường thủy kết nối với các tỉnh lân cận: Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu và đặc biệt là ĐBSCL. TP.HCM vừa có thể khai thác giao thông vận tải đường thủy vừa có nhiều tiềm năng để phát triển nhiều loại hình du lịch đường thủy nội địa, mạng lưới giao thông thủy khá phát triển, với tổng chiều dài có khả năng khai thác giao thông vận tài đường thủy bao gồm 101 tuyến với tổng chiều dài là 913km.
Vùng ĐBSCL nổi bật với hệ thống kênh rạch dày đặc, là nơi lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái và khám phá văn hóa sông nước, chợ nổi như: Cái Bè-Tiền Giang, Cái Răng-Cần Thơ, Phong Điền-Cần Thơ, Ngã Bảy-Hậu Giang… Nhiều khu vực sông nước ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng, là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm như: Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), U Minh Thượng (Kiên Giang), Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (TP.HCM)… không chỉ là những điểm du lịch sinh thái nổi tiếng mà còn góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường tự nhiên.
Với tiềm năng như vậy, những năm qua, nhiều địa phương đã bước đầu chú trọng phát triển du lịch đường sông và đạt được những thành công nhất định, điển hình như: Du lịch trên dòng sông Vàm Cỏ (Long An), sông Tiền (Tiền Giang), sông Cổ Chiên (Vĩnh Long), sông Hàm Luông (Bến Tre), sông Hậu (An Giang-Cần Thơ), sông Sài Gòn - sông Soài Rạp - sông Nhà Bè (TP.HCM)… Đặt biệt, tại TP.HCM hiện khai thác gần 60 tuyến du lịch đường thủy tầm ngắn (độ dài tuyến dưới 10km), tầm trung (độ dài tuyến dưới 60km), tầm xa (độ dài tuyến trên 60km).
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho rằng: “Nằm ở cực Nam của Việt Nam, thuộc hạ lưu sông Mekong và 9 đường rẽ của nó chảy vào biển Đông, vùng ĐBSCL được đánh giá là vùng đất trù phú với những cánh đồng lúa màu mỡ thẳng cánh cò bay, những rặng dừa xanh mướt và hệ thống sông ngòi, kênh rạch kết nối liên thông với hàng chục cửa sông lớn chảy ra biển, rất thích hợp cho phát triển du lịch cộng đồng và du lịch đường sông…”.
Du lịch đường sông còn nhiều dư địa đầu tư phát triển và khai thác
Phát biểu chào mừng Tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết: “Du lịch đường sông là một trong các loại hình du lịch thu hút khách du lịch trong những năm gần đây. Loại hình này đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, làm phong phú thêm các loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm đến du lịch lịch sử và văn hóa thông qua trải nghiệm vẻ đẹp của thiên nhiên, hệ sinh thái và hệ thống di sản văn hóa ven sông. Việc phát triển du lịch đường sông sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, như: cảng du lịch, bền tàu và các khu vực xung quanh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhiều địa phương đã tập trung phát triển loại hình này khá hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn nhất định. Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng đến nay, du lịch đường sông TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL được đánh giá là phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện chưa có nhiều tour du lịch đường sông được khai thác...
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng thông tin cho biết: “Trong nhiều năm qua, nhằm thu hút khách du lịch và tăng sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của các điểm đến phía Nam, TP.HCM và các tỉnh thành ĐBSCL đã liên kết, hợp tác xây dựng nhiều sản phẩm liên kết giữa TP.HCM với vùng ĐBSCL, góp phần gia tăng lượng khách đến với vùng ĐBSCl. Tuy nhiên, các sản phẩm liên tuyến chủ yếu vẫn là sản phẩm trải nghiệm bằng đường bộ, chưa phát huy lợi thế sông nước của vùng ĐBSCL.
Nhằm phát huy thế mạnh sông nước và văn hóa sông nước của vùng trong xây dựng các sản phẩm, UBND TP.HCM đã hành kế hoạch về phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM, trong đó có định hướng xây dựng các sản phẩm tầm trung và tầm xa TP.HCM đi các tỉnh lân cận và ngược lại. Thực hiện định hướng đó, trong thời gian qua, Sở Du lịch TP.HCM đã tổ chức đoàn khảo sát tuyến điểm du lịch đường sông kết nối TP.HCM với 9 tỉnh, thành ĐBSCL, gồm: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Trà Vinh và Bến Tre, để đánh giá thực trạng cầu bến, các cơ sở dịch vụ du lịch và tuyến du lịch dọc tuyến sông, nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đường sông chất lượng cao và đa dạng. Chuyến khảo sát là cơ sở để Sở Du lịch TP.HCM có cái nhìn tổng quan về tiềm năng và thách thức khi khai thác, mở rộng các tuyến du lịch, đồng thời ghi nhận ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp du lịch để đưa ra những đề xuất phù hợp…”.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng nhận định như vậy. Thực tế cho thấy, những năm qua, nhiều địa phương đã chú trọng phát triển du lịch đường sông với những chương trình du lịch điển hình là tham quan miệt vườn sông nước và di tích lịch sử, văn hóa ven sông. Bên cạnh đó, hình thành những tuyến du lịch đường sông liên vùng, kết nối giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL với TP.HCM.
Du thuyền chợ nổi Cái Răng. |
“Để kết nối du lịch TP.HCM - Trung tâm phân phối khách của cả vùng phía Nam với cả nước và quốc tế với các tỉnh thành ĐBSCL thì đường sông cũng được xem là tuyến du lịch chủ đạo để đưa du khách đến với các điểm du lịch, do đó, tôi đề nghị trong thời gian tới, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần nghiên cứu, đưa ra giải pháp nhằm phát triển hiệu quả du lịch đường sông, sản phẩm du lịch đặc thù của vùng theo định hướng đã được phê duyệt tại Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể là tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ hệ sinh thái sông nước, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch biển, đảo, di tích lịch sử vân hóa cùng các giá trị văn hóa truyền thống đa dạng. Ưu tiên phát triển các sản phẩm mang đặc trưng riêng của vùng như: du lịch sông nước miệt vườn, tìm hiểu di sản văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, vui chơi giải trí và tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo các cụm: An Giang-Đồng Tháp-Long An; Tiền Giang-Bến Tre-Trà Vinh-Sóc Trăng; Kiên Giang-Cà Mau. Liên kết với vùng Đông Nam bộ theo hành lang du lịch Bắc-Nam phía Đông và phía Tây, với Campuchia, Thái Lan theo hành lang ven biển phía Nam (Hà Tiên-Rạch Giá-Cà Mau).
Đồng thời, tập trung đầu tư phát triển các địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia (Ninh Kiều, Thới Sơn, Mang Thít, lung Ngọc Hoàng, Tràm Chim, Hà Tiên, Nhà Mát-Bạc Liêu và mũi Cà Mau) đáp ứng các điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia, cũng như phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đáp ứng yêu cầu nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cho vùng. Bên cạnh đó, nghiên cứu làm mới các chương trình du lịch đường sông theo hướng nâng cao chất lượng và tăng cường trải nghiệm, đặc biệt là trải nghiệm về văn hóa, phong tục, lối sống của vùng sông nước Cửu Long” - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc đề nghị.
Điều đó cho thấy tài nguyên du lịch đường sông TP.HCM và ĐBSCL rất to lớn nhưng thời gian qua chưa được đầu tư phát triển và khai thác xứng tầm. Như vậy, tài nguyên du lịch đường sông vẫn còn phong phú, còn nhiều dư địa để đầu tư phát triển và khai thác.