Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Đột phá theo Nghị quyết 57: Để nhà khoa học thực sự ở vị trí trung tâm, then chốt

Báo Tin tức 2 Ngày trước
Chú thích ảnh Các học viên thực hành lập trình và vận hành Robot tại Trung tâm Đào tạo khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Tạo cơ chế thu hút, giữ chân nhân tài

Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nghị quyết 57 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người trên một vạn dân; có từ 40 - 50 tổ chức khoa học công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới. Trên cơ sở mục tiêu đặt ra, Nghị quyết đã chú trọng việc mở rộng đa dạng các hình thức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng các nhà khoa học, nhà sáng chế; trân trọng từng phát minh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật, sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác, hiệu suất công việc, dù là nhỏ nhất.

Đồng thời, có cơ chế, chính sách hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực toán học, vật lý, sinh học, hoá học, kỹ thuật và công nghệ then chốt, nhất là ở các trình độ sau đại học. Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo tài năng trên nhiều lĩnh vực. Ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống. Có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các “tổng công trình sư” trong và ngoài nước... Xây dựng, kết nối và phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Bày tỏ tán thành quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 57 khi xác định “nhà khoa học là nhân tố then chốt”, cùng các giải pháp để thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các "tổng công trình sư" trong và ngoài nước, Tiến sỹ Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, quan điểm này còn đặc biệt hơn trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai nhiều dự án lớn quan trọng như: Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dự án điện hạt nhân, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…Nếu không có những nhà khoa học chủ trì, hình thành nên các tập thể khoa học mạnh, chắc chắn những dự án này không thể thành công.

Trước đây, Nghị quyết 20 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã xác định: “có chính sách trọng dụng đặc biệt đối với cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành, cán bộ khoa học và công nghệ được giao chủ trì nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, cán bộ khoa học và công nghệ trẻ tài năng”. Tuy nhiên, nội dung này chưa được triển khai do bị ràng buộc bởi nhiều quy định tại nhiều luật khác nhau.

“Để nhà khoa học thực sự là nhân tố then chốt, cần phải có các cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ họ tốt hơn. Nghị quyết 57 đã nêu ra được nhiều giải pháp quan trọng. Song, cần lưu ý rằng, chế độ đãi ngộ cho nhà khoa học không chỉ đơn thuần là tiền lương và thu nhập mà quan trọng hơn là điều kiện làm việc và môi trường sáng tạo (chế độ visa, nhà ở, đi lại cho bản thân họ và gia đình…), tức là phải giao cho nhà khoa học quyền tự chủ cao nhất trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Họ phải có quyền tự chủ cả về tài chính, tổ chức, nhân sự”, Tiến sỹ Nguyễn Quân nêu ý kiến cụ thể.

Tiến sỹ Nguyễn Quân cho rằng, cần rà soát sửa đổi các luật có liên quan, gồm Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý tài sản công, Luật Viên chức... để có các cơ chế chính sách thực sự đột phá, tạo thuận lợi cho nhà khoa học. Một việc cần làm ngay để thực hiện cơ chế quỹ là nên dành một tỷ lệ thích đáng kinh phí ngân sách cho hoạt động R&D (ví dụ 10% hoặc 15% trong số 3% tổng chi ngân sách dành cho khoa học, công nghệ) để phân bổ ngay từ đầu năm tài chính cho các quỹ phát triển khoa học và công nghệ từ Trung ương đến địa phương mà không yêu cầu phải có danh mục các nhiệm vụ được phê duyệt trước như cách làm hiện nay, qua đó giúp nhà khoa học chủ động triển khai các hoạt động nghiên cứu ngay khi có nhiệm vụ nghiên cứu được đề xuất và đặt hàng.

Chắp cánh đam mê cho nhà khoa học

Chú thích ảnh Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: TTXVN

Về phía các nhà khoa học, Tiến sỹ Phạm Huy Hiệu, Giảng viên Kỹ thuật & Khoa học Máy tính, Trường Đại học VinUni; Trưởng ban Nghiên cứu, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 57 cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đặc biệt, Tiến sỹ Hiệu đánh giá cao việc Nghị quyết ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống. Điều này không chỉ định vị đúng vai trò và vị trí của các nhà khoa học trong xã hội, mà còn khơi dậy khát vọng cống hiến và sự dấn thân của đội ngũ trí thức trong và ngoài nước, tạo động lực để họ nỗ lực thực hiện trách nhiệm và sứ mệnh trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Với những chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết 57, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, để trở thành nhân tố then chốt, giới trí thức, nhà khoa học cần tiếp tục chủ động, sáng tạo, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và cập nhật kiến thức mới. Quan trọng nhất là hướng các nghiên cứu của mình vào những vấn đề thực tiễn mà đất nước đang cần như sử dụng hợp lý tài nguyên, phòng tránh thiên tai và bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, an ninh lương thực và phát triển bền vững và nhiều lĩnh vực khác,..

Bên cạnh đó, việc truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho thế hệ trẻ qua giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu là cần thiết. Điều này không chỉ giúp lan tỏa tinh thần yêu khoa học mà còn thúc đẩy khát vọng sáng tạo trong cộng đồng. Các nhà khoa học cũng cần tích cực tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, trở thành cầu nối giữa khoa học và cơ quan hoạch định chính sách. Điều này giúp các chính sách được xây dựng trên cơ sở khoa học, sát với thực tiễn và có tính khả thi.

Trong bài viết nhân dịp chào đón năm mới 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu yêu cầu cụ thể: “Xác định rõ và có cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá cả ở tầm chiến lược và sách lược để nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đối số thực sự là quốc sách hàng đầu theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW, tạo sự bứt phá, bay cao, vươn xa trong nỗ lực "bắt kịp, tiến cùng, tăng tốc, bứt phá và vượt lên ", đưa đất nước vào quỹ đạo phát triển nhanh và bền vững”.

Ngay sau Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 3 của Chính phủ, ngày 13/1, Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia diễn ra với sự tham dự của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương cả nước. Không chỉ nhà trí thức, nhà khoa học mà toàn thể nhân dân đều đang mong chờ một cuộc cách mạng đột phá trên con đường phát triển đất nước, hướng tới "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc". Như lời thúc giục, hiệu triệu mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “Chúng ta cần quán triệt và hành động khẩn trương, quyết liệt, biến nhận thức thành hành động cụ thể, ý chí thành hiện thực. Mọi cơ hội đang đến với chúng ta phải được nắm bắt kịp thời, bởi nếu để vuột mất cơ hội, chúng ta sẽ có lỗi với lịch sử và với nhân dân”.

Xem bản gốc