Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

ĐT Việt Nam sẽ đánh bại Ấn Độ như thế nào?

Thời báo văn học nghệ thuật 1 Tháng trước

Chiều mai 12/10, ĐT Việt Nam sẽ bước vào trận giao hữu gặp Ấn Độ ở dịp FIFA Days tháng 10. Trước đại diện Nam Á đang xếp hạng 126 sau thế và cùng từng thất bại 0-3 khi đối đầu cùng Những chiến binh Sao Vàng vào năm 2022 cũng ở một trận giao hữu trên sân Thống Nhất, cơ hội để đoàn quân HLV Kim Sang-sik thu về một kết quả tốt là hoàn toàn khả thi. Dẫu vậy, Đỗ Hùng Dũng cùng các đồng đội vẫn phải có sự tính toán kỹ lưỡng để hóa giải đối thủ và dưới đây là 3 phương án có thể được cân nhắc.

Chống bóng bổng

Dễ nhận thấy, các tình huống bóng bổng chính là điểm mạnh của đoàn quân HLV Manolo Marquez. ĐT Ấn Độ sở hữu một số nhân tố có chiều cao tốt như trung vệ Subhasish Bose (1,86 m), Chinglensana Singh (1,86 m), tiền vệ trung tâm Jeakson Singh (1,87 m), tiền đạo Manvir Singh (1,88 m). Bởi thế, các tình huống cố định hoặc những bài tấn công biên rồi rót bóng vào trong để thực hiện các pha không chiến sẽ là điều mà đại diện Nam Á có thể thực hiện.

ĐT Việt Nam cần có phương án chống bóng bổng trước Ấn Độ. Ảnh: VFF.

Đáng nói hơn, khâu chống bóng bổng đang là vấn đề của ĐT Việt Nam trong những trận đấu gần đây khi chúng ta để thủng lưới khá nhiều. Hai bàn thua ở màn đọ sức cùng Nam Định vào ngày 09/10 hay tình huống để Thái Lan gỡ hòa vào dịp FIFA Days tháng 09 là ví dụ rõ nhất. Bởi thế, trước Ấn Độ, thầy trò HLV Kim Sang-sik sẽ phải lưu ý ở các pha không chiến. Đây cũng là dịp để Những chiến binh Sao Vàng rèn luyện và khắc phục sai sót.

Pressing và thoát pressing

Với nhiều cầu thủ cao to, Ấn Độ không được đánh giá cao ở khả năng xoay sở, sự nhanh nhẹn trong các tình huống xử lý. Bởi thế, ĐT Việt Nam nên chơi áp sát, pressing ngay trên phần sân của đối phương để giành bóng và kiểm soát. Thậm chí, điều này có thể khiến các cầu thủ nơi hàng thủ đại diện Nam Á phạm sai lầm, qua đó mở ra cơ hội để Những tiền đạo như Bùi Vĩ Hào, Nguyễn Văn Toàn hay Nguyễn Đình Bắc xuyên phá mành lưới đối thủ (Nguyễn Tiến Linh gặp chấn thương, bỏ ngỏ khả năng ra sân).

ĐT Việt Nam có thể chơi áp sát trước Ấn Độ.

Bên cạnh đó, các pha chuyển trạng thái nhanh, thoát pressing tốt khi đối thủ đang tấn công và không kịp lùi về cũng sẽ mở ra các cơ hội cho ĐT Việt Nam. Điều quan trọng là chúng ta phải thực hiện một cách nhuần nhuyễn ý đồ chơi, chính xác trong các tình huống để tận dụng sai sót của đối thủ.

Khai thác khe trống

Như đã nói, Ấn Độ sẽ không nhanh nhẹn trong các tình huống xoay trở. Điều đó mở ra cơ hội cho ĐT Việt Nam tận dụng khai thác các khe trống nơi hành lang biên rồi chuyền vào trong. Nói thế bởi lẽ, chúng ta đang sở hữu những nhân tố tấn công có tốc độ ở  cánh như Bùi Vĩ Hào, Nguyễn Đình Bắc, Nguyễn Quang Hải, Khuất Văn Khang hay Nguyễn Văn Toàn.

Tốc độ là điểm mạnh của các tiền đạo ĐT Việt Nam. Ảnh: VFF.

Các bài phối hợp nhóm nhỏ, đan lát ra biên để những tiền đạo cánh di chuyển áp sát khung thành đối thủ là điều mà đoàn quân HLV Kim Sang-sik có thể thực hiện. Các mũi công của ĐT Việt Nam có thể tiến sát đường biên ngang rồi tạt vào trong hoặc trả ngược cho tuyến 2 dứt điểm. Đó đều là các phương án hợp lý để xuyên thủng hàng phòng ngự của Ấn Độ. Nói tóm lại, đây là màn đọ sức mà Những chiến binh Sao Vàng nên chơi tấn công, tận dụng tốc độ, kỹ thuật vốn là điểm mạnh để tạo ra sự khác biệt.

Xem bản gốc