UBND tỉnh Hòa Bình vừa tổ chức kiểm tra tiến độ thi công và công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư dự án Cao tốc Hoà Bình -Mộc Châu (đoạn từ Km19+000- Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình).
Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có chiều dài 34 km; tổng mức đầu tư 9.997 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2028. Giải phóng mặt bằng giai đoạn hoàn thiện quy mô 4 làn xe có tổng diện tích khoảng 354,37 ha.
Dự án có điểm đầu tại thị trấn Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, khớp nối với đoạn Km0 - Km19 đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; điểm cuối tại xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, khớp nối với dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Hòa Bình - Mộc Châu đoạn tuyến tại tỉnh Sơn La.
Đối với địa phận huyện Đà Bắc, dự án có tổng chiều dài khoảng 21,750 Km, tổng diện tích đất thu hồi là 173,83 ha. Hiện huyện đã thực hiện công tác đo đạc, kiểm kê, kiểm đếm, tài sản trên đất 2.058 thửa đất thuộc phạm vi thu hồi.
Hiện địa phương đang tiếp tục thực hiện phương án công khai niêm yết các đợt tiếp theo. Đối với diện tích đất khác như đất rừng, lúa... hiện đang tiến hành kiểm kê, đền bù, giải phóng mặt bằng.
Ngay sau lễ khởi công dự án, nhà thầu đã tập trung trang thiết bị, phương tiện triển khai dự án. Hiện nay, đối với khu vực giải phóng mặt bằng 3km điểm khởi công thuộc địa phận xã Cao Sơn; nhà thầu đang tiến hành bóc tách khối lượng; niêm yết công khai phương án bồi thường, tái định cư. Dự kiến tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng trên 38 tỷ đồng, 117 hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi, bồi thường.
Về tiến độ giải phóng mặt bằng trên phạm vi toàn tuyến, huyện Đà Bắc đã ban hành thông báo về việc thu hồi đất để thực hiện dự án. Theo thống kê có tổng số 60 hộ bị ảnh hưởng mất nhà ở, gồm 35 hộ tại Thị trấn Đà Bắc, 22 hộ ở xã Cao Sơn và 03 hộ ở xã Tiền Phong.
Ban quản lý dự án xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo dự toán, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án. Phương án này đã được các cơ quan liên quan thẩm định song song với quá trình thực hiện niêm yết công khai; dự kiến phê duyệt trước 25/12/2024.
Về nguồn vốn, trong hai năm 2023-2024, dự án được cấp 4.611 tỷ đồng(trên tổng số 9.997 tỷ đồng), vừa qua Chính phủ đã cho phép chuyển 2.581 tỷ đồng nguồn vốn sang năm 2025. Đến thời điểm hiện nay dự án đã giải ngân được 650,066 tỷ đồng. Dự kiến giải ngân đến 31/12/2024 là khoảng 1071,546 tỷ đồng.
Như vậy còn khoảng 994 tỷ đồng chưa thực hiện giải ngân được. Công tác giải phóng mặt bằng còn chậm do khó khăn trong việc xác định nguồn gốc, hiện trạng sử dụng đất do đó chưa đủ cơ sở, dữ liệu để xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, nhấn mạnh đây là dự án rất quan trọng của tỉnh và được Chính phủ quan tâm, tuy nhiên tới nay dự án đang chậm tiến độ, chưa đạt yêu cầu đặt ra. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các nhà thầu phải đẩy nhanh tiến độ thi công, huy động vật lực, nhân lực tranh thủ thời tiết thuận lợi để thi công.
Những đoạn cần thiết phải ứng mặt bằng để thi công. Xem xét, sắp xếp biện pháp tổ chức thi công cho hợp lý để tận dụng đất đắp, đá, vật tư thiết bị để các phần việc thuận lợi. Yêu cầu huyện, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông sát sao, thường xuyên bám sát công trình để đôn đốc nhà thầu, kịp thời tháo gỡ khó khăn, khẩn trương thi công dự án. Đôn đốc giải phóng mặt bằng để nghiệm thu, tiến hành xây dựng các hạng mục đảm bảo thời gian đã đề ra.
Ông Quách Tất Liêm cũng đề nghị các đơn vị, ban ngành khẩn trương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt tại các địa điểm còn vướng mắc, khó khăn cần sớm được tháo gỡ. Phối hợp cùng tháo gỡ chuyển đổi mục đích rừng, đất lúa.
Tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng, làm tốt công tác quy hoạch, bố trí dân cư; nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt thực hiện các giải để các hạng mục dự án kịp tiến độ đã đề ra.