Trong đó, các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục phải đẩy mạnh phát hành tăng vốn cấp 2 là trái phiếu doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng tín dụng như định hướng của Chính phủ trong khi mặt bằng lãi suất huy động được kiểm soát để không tăng. Điều này sẽ tạo áp lực lên việc đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn hiện tại như quy định về LDR và sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn.
Nhiều ngân hàng có kế hoạch tăng vốn cấp 1 (vốn cổ phần) nhưng đòi hỏi thời gian dài và phụ thuộc vào bối cảnh của thị trường chứng khoán để có thể thực hiện và hoàn tất.
Quy định mới về phát hành trái phiếu riêng lẻ và chào bán đại chúng được sớm kỳ vọng sẽ đi vào áp dụng trong nửa cuối 2025 làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng hàng hóa trái phiếu và thu hút nhà đầu tư tham gia kênh đầu tư này trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm được duy trì thấp.
Nhu cầu và áp lực tái tài trợ, tái cấu trúc vốn tăng cao từ các ngành có mức độ thâm dụng vốn lớn như bất động sản, năng lượng, xây dựng và vật liệu... trong các quý tới.
Các ngân hàng vẫn là người mua chính đối với trái phiếu doanh nghiệp. Việc có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao sẽ làm cơ sở để các Ngân hàng Thương mại gia tăng tỷ trọng đầu tư hoặc cấu trúc tín dụng dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài a, có sự tham gia của các định chế tài chính trung gian như bảo lãnh thanh toán vào các lô trái phiếu hạ tầng.
Trước đó, thị trường sơ cấp trong 2 tháng đầu năm ghi nhận tổng giá trị phát hành chỉ đạt 5,5 nghìn tỷ với 4 đợt phát hành, giảm 44,1% so với cùng kỳ trước đó. Trong đó, tháng 2 không ghi nhận phát hành mới ở cả 2 thị trường riêng lẻ và công chúng do diễn ra kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.
Hầu hết các lô trái phiếu doanh nghiệp mới được phát hành đến từ các Tổ chức tín dụng nhằm bổ sung vốn cấp 2, chiếm 94,6% tổng giá trị phát hành. Các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong năm 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng tín dụng và do yêu cầu giảm lãi suất tiết kiệm sẽ làm cho gia tăng khoảng cách giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động tiền gửi.
Mặt khác, giai đoạn đầu năm thiếu sự tham gia của nhóm doanh nghiệp phi tài chính. Trong thời gian tới, dự thảo sửa đổi nghị định 155 đưa ra quy định khắc khe hơn về hệ số nợ đối với doanh nghiệp phát hành có thể khiến hoạt động phát hành ra công chúng phần nào chịu tác động.
Áp lực đáo hạn trái phiếu tập trung vào quý 3/2025 ước tính khoảng gần 80 nghìn tỷ và chủ yếu là trái phiếu bất động sản chiếm tỷ trọng lớn. Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp chậm trả tăng nhẹ và vẫn tập trung ở nhóm ngành Bất động sản.
Trong quý 2/2025,ước tính 40,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ sẽ đáo hạn. Cụ thể, 16,5 nghìn tỷ đáo hạn (40,7% tổng giá trị) thuộc về nhóm Bất động sản, 11,9 nghìn tỷ (29,2% tổng giá trị) thuộc về lĩnh vực khác, và 8,2 nghìn tỷ (20,2% tổng giá trị) thuộc về nhóm Tổ chức tín dụng. Một số tổ chức phát hành có giá trị đáo hạn lớn có thể kể đến Vietinbank (4.950 tỷ đồng), Wincommerce (3.000 tỷ đồng), TNR holdings (2.923 tỷ đồng) và Cho thuê tài sản TNL (2,862 tỷ đồng).
Họạt động mua lại lũy kế 2 tháng 2025 đạt hơn 17,2 nghìn tỷ đồng tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá trị mua lại trong tháng 2 chỉ đạt 3,85 nghìn tỷ giảm 71,2% so với tháng 1, ở mức thấp nhất trong 3 năm trở lại. Nhu cầu mua lại suy giảm từ nhóm tổ chức phát hành Bất động sản là nguyên nhân chính của tình trạng trên, phản ánh qua giá trị mua lại của ngành trong tháng 2 giảm tới 95% so với tháng trước.