An Design House đang là một doanh nghiệp (DN) sản xuất đồ nội thất khá nổi bật ở phân khúc cao cấp. Với phong cách mộc mạc mà tinh tế, những sản phẩm nội thất của công ty 5 năm tuổi này là lựa chọn đầu tiên của các khách hàng yêu thích đơn giản, hoài cổ và muốn bảo vệ môi trường.
Một điểm khác biệt lớn nữa cho các sản phẩm của An Design House, đằng sau mỗi cái bàn ghế tủ giường đều có những câu chuyện xưa thú vị. Bởi hầu hết gỗ mà An Design House dùng để sản xuất được thu gom từ các loại ghe thuyền đã hết vòng đời sử dụng ở Cai Lậy – Tiền Giang và khắp miền Tây.
Hôm chúng tôi gặp Bùi Thị Nhường – Nhà sáng lập kiêm CEO của An Design House để thực hiện bài viết này, với mái tóc đen dài, khuôn mặt mộc và quần dài áo thun tối màu rộng rãi, phong thái của chị tự nhiên trùng khớp với phong cách của các sản phẩm của DN. Trông như thể, số mệnh của chị sinh ra là để hồi sinh những tấm gỗ tưởng như phế liệu và giúp chúng có một vòng đời mới tươi trẻ, rực rỡ hơn.
Nhưng thực tế ngược lại, để có An Design House như ngày hôm nay, Bùi Thị Nhường đã đi một vòng lớn và trải qua rất nhiều ngành nghề không liên quan. Mất hơn 1 thập kỷ, chị mới tìm được câu trả lời cho các câu hỏi: ‘ta là ai?’, ‘ta muốn làm gì?’, ‘đâu là nơi ta thuộc về?’... Nhường cũng là trường hợp tiêu biểu cho câu chuyện ‘đi để trở về’ mà truyền thông hay nói đến trong mấy năm gần đây.
“Sau khi tốt nghiệp lớp 12, tôi thi đậu vào trường Đại học Sân Khấu Điện Ảnh TP.HCM. Tuy nhiên, trong quá trình học tập tại đây tôi nhận ra mình không phù hợp và không hứng thú với lĩnh vực này. Hay nói cách khác, vì định hướng ngay từ đầu không đúng và khi tiếp xúc với giới showbiz, tôi cũng không có nhiều yêu thích, nên tôi không theo nghề đã học sau khi ra trường.
Tuy nhiên, 3 năm học ở trường không vô ích bởi nó đã cho tôi nhiều mối quan hệ chất lượng cũng như cơ hội làm nghề DJ, từ đó có khả năng tích lũy để khởi nghiệp sau này”, chị Bùi Thị Nhường chia sẻ.
Không có nhiều lợi thế về xuất phát điểm, nên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Nhường đã biết, để đạt được điều mong muốn, mình cần phải luôn siêng năng và cố gắng hết mức có thể. Vậy nên, chị đã bươn chải đi làm thêm ngay sau khi bước chân lên TP.HCM. Ra trường, chị cũng đồng thời làm song song 2 nghề là biên tập viên vào ban ngày và DJ vào buổi tối.
Từ năm 2010 đến 2017, Silk Bui (nghệ danh của chị Nhường lúc đó) là một gương mặt nổi bật trong giới DJ khi liên tục được mời biểu diễn ở các bar hạng sang cũng như các đại nhạc hội được tài trợ bởi các tập đoàn hàng đầu Việt Nam. Có thể nói, dù đến với nghề DJ hết sức tình cờ nhưng Nhường đã tận dụng rất tốt cơ may mà mình gặp được nhằm tạo tiền đề khởi nghiệp về sau.
“Tôi rất vui và trân trọng khoảng thời gian làm nghề DJ, bởi ngoài giúp tôi kiếm được nhiều tiền và có cơ hội đi nhiều nơi – gặp nhiều người, nó còn giúp tôi trải nghiệm nhiều điều thú vị. Tuy nhiên, với mong muốn được chủ động trong cuộc sống cũng như công việc và cảm thấy bản thân rất yêu thích - phù hợp với công việc kinh doanh; nên tôi luôn ấp ủ mong muốn khởi nghiệp một ngày nào đó.
Vậy nên, sau một thời gian làm công ăn lương, tôi đã cùng vài người bạn dự định mở chuỗi quán cà phê, nhưng sau đó vì 1 vài lý do khách quan, tôi rút khỏi dự án.
Bẵng đi một thời gian, trong một lần được bạn giới thiệu đi tham quan một xưởng gỗ thủ công ở TP.HCM, tôi đã bị thu hút ngay lập tức. Ngay sau buổi gặp đó, tôi lập tức viết bản kế hoạch kinh doanh đầu tiên và đó là tiền đề cho sự phát triển của thương hiệu An Design House bây giờ”, CEO An Design House hồi tưởng.
Để tiện cho việc bán hàng, chị đã thuê một cửa hàng nhỏ ở một khu kinh doanh sầm uất tại quận 1. Sau đó, công việc kinh doanh của chị vô cùng thuận lợi khi ngày càng có nhiều đơn hàng cũng như gặp được nhiều khách hàng có cùng sở thích trang trí nhà cửa, chăm sóc vườn tược giống mình. Rồi đến một ngày, có khách hàng không chỉ muốn mua những vật trang trí nho nhỏ trong nhà mà còn muốn đặt đồ nội thất. ‘Tuần tự nhi tiến’ và đó là cách mà An Design House ra đời.
Như tất cả các startup khác, ban đầu chị Bùi Thị Nhường cũng nhận đơn hàng từ khách và bôn ba khắp nơi để tìm các đối tác, từ thiết kế cho đến nhà xưởng. Việt Nam là một trong những cường xuất về xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ nên chị cũng không gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đối tác. Tuy nhiên, khi giá trị đơn hàng ngày càng lớn và càng nhiều, việc không có trong tay bất cứ nền tảng cốt lõi nào khiến Nhà sáng lập này cảm thấy vô cùng bị động. Vậy nên, chị đã quyết định thành lập một xưởng sản xuất cho riêng An Design House.
Là một điển hình của khởi nghiệp ‘con nhà nghèo’, do không tìm được mặt bằng thích hợp với chi phí thấp ở TP.HCM cũng như khu vực lân cận để lập xưởng, chị đã về quê và xây tạm một xưởng mộc trong trên một mảnh đất của ba mẹ.
Để tối ưu hóa chi phí vận chuyển nguồn nguyên vật liệu, Nhường đã ưu tiên tìm các nguồn gỗ tốt trong khu vực Tiền Giang để làm sản phẩm. Và trong những ngày lùng xục khắp nơi để tìm nguồn gỗ tốt, chị đã bắt gặp nguồn gỗ thải ra từ ngành đóng tàu thuyền hoặc từ xác của ghe thuyền đã không còn sử dụng.
Có thể nói, miền Tây sông nước là khu vực có nhiều tàu thuyền nhất Việt Nam. Với hệ thống kênh rạch chằn chịt, trong quá khứ, đường thủy mới là hệ thống giao thông chính ở khu vực này chứ không phải đường bộ. Chợ nổi – một trong những đặc trưng văn hóa nổi bật nhất khu vực này chính là mình chứng rõ nhất cho tập quán nói trên.
Do thời cuộc và chuyển động kinh tế, hằng năm, ở tỉnh Tiền Giang nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung có rất nhiều tàu thuyền bị thải loại ra do đã quá cũ không thể sử dụng được hoặc do chủ của chúng thay đổi sinh kế. Hầu hết gỗ để làm tàu thuyền đều là gỗ tốt và có thể tái sử dụng, nhưng chưa ai thật sự nghiêm túc với lĩnh vực này.
Sau khi tìm kiếm trên internet, chị thấy trên thế giới đã có vài doanh nghiệp dùng gỗ tái chế để phát triển mô hình kinh doanh nội thất của mình và phát triển tốt, nên chị càng kiên định hơn với lựa chọn của mình.
“Nhiều người lo ngại rằng, nếu sau này không còn nguồn gỗ tàu thuyền thải loại ra, thì nguồn cung của An Design House chấm dứt hay sao? Theo quan điểm của tôi, thì còn rất lâu nữa nguồn cung nguyên liệu này của chúng tôi mới hết, nhưng kể cả khi chúng không còn nữa thì chúng tôi sẽ có những nguồn cung gỗ cũ khác. Mô hình của của An Design House là ưu tiên dùng gỗ đã qua sử dụng (Reclaimed Wood), nhưng không nhất thiết phải từ tàu thuyền.
Mặc dù, nếu cùng chất lượng thì nguồn gỗ cũ từ tàu thuyền thải loại sẽ rẻ hơn so với gỗ mới, nhưng vì chúng không phải là gỗ nguyên khối và qua quá trình mài mòn nhất định của thời gian, nên không dễ để lựa chọn gỗ phù hợp với nhu cầu của khách hàng cũng như quá trình xử lý cũng gian nan hơn gỗ mới. Điều đó sẽ kéo theo việc để hoàn thành 1 sản phẩm từ gỗ tái chế sẽ đắt hơn so với gỗ bình thường.
Hơn nữa, như tôi đã nói phía trên, mỗi sản phẩm của chúng tôi đều có câu chuyện riêng của chúng, sẽ có những vết xước hoặc màu sắc hoen ố bởi những chuyến phiêu lưu ngang dọc sông hồ của người tiền nhiệm. Các nguyên vật liệu khác dùng để xử lý màu gỗ cũng được An Design House nhập chính ngạch từ các nước Bắc Âu nhằm luôn đảm bảo được tiêu chí về môi trường.
Bởi vậy giá sản phẩm của An Design House sẽ ở phân khúc trung và cao cấp chứ không bình dân như mọi người vẫn nghĩ.
Tuy nhiên, do là người tiên phong trên thị trường cũng như phát triển theo xu hướng tái chế của thế giới, nên sản phẩm của chúng tôi rất được khách hàng có gu chào đón. Vậy nên, trong gần 8 năm phát triển, An Design House chỉ sợ không chạy kịp đơn hàng chứ không sợ là không có khách hàng”, Nhà sáng lập An Design House tự tin khẳng định.
Do đặc thù ngành và để tiết kiệm chi phí vận hành, trừ xưởng sản xuất ở Cai Lậy – Tiền Giang, An Design House thường cộng tác với các nhà thiết kế cũng như nhiều phân xưởng mộc khác bên ngoài để đề phòng trường hợp quá tải. Dù thế, thì hiện công ty cũng có vài chục người và 2 showroom ở TP.HCM - Hà Nội.
Do sự lớn mạnh không ngừng của An Design House, hiện phân xưởng sản xuất từ một góc nhỏ trong vườn của ba mẹ chị giờ đã chiếm gần hết mảnh đất hơn 1000m2. Phân xưởng này đang tạo công ăn việc làm cho gần 50 nhân công bao gồm thợ mộc cũng như nhiều người dân ở Cai Lậy và khu vực chung quanh.
“Hồi mới về làm xưởng trong vườn của ba mẹ, tôi chưa nghĩ nhiều đến việc mình sẽ đóng góp gì cho quê hương. Nhưng theo thời gian, khi thấy những người thợ trong xưởng của mình có công ăn việc làm ổn định, được gần vợ con và không phải ‘tha hương cầu thực’ như trước kia, khiến tôi cảm thấy công việc của mình có nhiều ý nghĩa hơn.
Đặc biệt, chúng tôi cũng đã thuyết phục được nhiều bác thợ cả có tay nghề cao và gia đình có truyền thống làm nghề mộc lâu đời, nghỉ việc tại DN nước ngoài để về làm việc cho xưởng ở Cai Lậy; dù làm mộc công nghiệp thì sẽ nhàn hơn vì được phụ trợ bởi nhiều máy móc. Ngược lại, sản phẩm của chúng tôi cần sự tỉ mỉ và tay nghề cao hơn bình thường.
Một trong những lý do quan trọng khiến họ quyết định như vậy là vì không muốn nghề mộc truyền thống của Việt Nam trở nên mai một. Niềm đam mê và tình yêu của các bác thợ cả với nghề mộc Việt Nam cũng đã tác động ngược lại, khiến tôi càng yêu công việc của mình đang làm hơn.
Tất nhiên, cha mẹ của tôi cùng với những người thân, bạn bè và bà con lối xóm cũng rất vui và hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc. Quả thật, tôi cũng không ngờ có ngày, quê hương sẽ trở thành sức mạnh đằng sau hỗ trợ tôi chinh phục thị trường nội thất cao cấp Việt Nam và tương lai là thế giới”, Bùi Thị Nhường cảm thán.
Cũng theo Nhà sáng lập An Design House, nguyên do khiến chị mặc dù không học thiết kế, nghề mộc hay kinh doanh vẫn có thể mở công ty nội thất và khiến nó phát triển như hiện tại, là do chị luôn ham học hỏi và học hỏi không ngừng. Người ta hay bảo, con người thường sợ những gì người ta không biết, nhưng với bản thân Bùi Thị Nhường, thì sự háo hức khi khám phá một lĩnh vực mới thường lấn át sự sợ hãi, nên chị vẫn luôn dũng cảm tiến về phía trước.
Thế mạnh lớn nhất của chị là bán hàng, thu hút nhân tài và quản lý nhân sự. Là người trải qua rất nhiều thăng trầm cũng như làm công ăn lương trong thời gian dài, chị biết nhân sự của mình cần gì – muốn gì và phải làm gì để thỏa mãn mong ước của tất cả với nguồn lực ít ỏi mà mình có. Kể từ khi thành lập DN, chị chưa từng chậm lương của nhân viên, dù không phải lúc nào công việc kinh doanh cũng suôn sẻ.
“Trong tương lai, có hai nhiệm vụ cấp bách mà tôi phải nhanh chóng hoàn thành là khiến thương hiệu An Design House được nhiều người biết tới hơn và tối ưu R&D để xuất khẩu.
Hiện thị trường đang có rất nhiều mô hình kinh doanh bắt chước cách làm của chúng tôi. Tất nhiên, để làm ra một sản phẩm giống An Design House thì không phải ai cũng làm được, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi lại bị người ta gọi điện đến mắng vốn vì những sản phẩm mà chúng tôi không cung cấp, nên tôi không muốn điều đó xảy ra lần nữa.
Nhu cầu nội thất từ gỗ tái chế ở trên thế giới rất lớn – còn hơn Việt Nam, nhưng để mang hàng ra nước ngoài với chi phí logistic phải chăng cũng như phải đáp ứng được những tiêu chuẩn về xuất khẩu thì cần nhiều nỗ lực về R&D, khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm, khả năng quản trị, kiến thức về luật pháp…
Tuy nhiên, thách thức luôn song hành với cơ hội nên bản thân tôi và cả tập thể An Design House luôn không ngừng cải tiến, học hỏi, nâng cao chất lượng sản phẩm - dịch vụ để không chỉ phục vụ những khách hàng trong nước mà còn chinh phục được cả những thị trường khó tính ngoài nước”, Bùi Thị Nhường kết luận.