Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Gam màu sáng cho ngành gỗ quý 3

Vietstock 4 Ngày trước

Gam màu sáng cho ngành gỗ quý 3

Bức tranh lợi nhuận quý 3/2024 của các doanh nghiệp ngành gỗ xuất hiện nhiều hơn những "gam màu sáng", với động lực thúc đẩy từ giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng, thị trường mở rộng hơn.

Công nhân làm việc trong xưởng chế biến gỗ. Ảnh minh họa

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam đạt hơn 13.2 tỷ USD, tăng 21.2% so với cùng kỳ năm 2023, tiến sát mục tiêu 15.2 tỷ USD của cả năm 2024.

Các thị trường xuất khẩu chủ lực bao gồm Mỹ, EU, Nhật Bản và Canada đều ghi nhận tăng trưởng, trong đó Mỹ chiếm tới hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam.

Những thuận lợi này đã được phản ánh trong bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp gỗ. Theo dữ liệu từ VietstockFinance, trong 15 doanh nghiệp ngành gỗ trên sàn chứng khoán công bố BCTC quý 3/2024, có 9 doanh nghiệp tăng lãi, 2 doanh nghiệp giảm lãi, 2 doanh nghiệp lãi trở lại và 2 doanh nghiệp lỗ.

Tổng doanh thu các doanh nghiệp đạt gần 4,770 tỷ đồng và lãi ròng 360 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và 42% so với cùng kỳ năm 2023. Biên lãi gộp dao động trong khoảng 20%.

Xét về giá trị tuyệt đối, quán quân lợi nhuận ròng quý 3 thuộc về Gỗ An Cường (ACG), đạt hơn 103 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ và chiếm hơn 1/3 tổng lợi nhuận cả nhóm, chủ yếu do tiến hành điều chỉnh hồi tố làm tăng các chi phí thuế TNDN và thuế GTGT cùng kỳ 2023 làm cho lợi nhuận cùng kỳ giảm.

Điểm tích cực, thị trường xuất khẩu khởi sắc hỗ trợ đáng kể hoạt động bán hàng của Gỗ An Cường, mang về gần 1,044 tỷ đồng doanh thu, tăng 8%; biên lãi gộp cải thiện từ mức 31% lên 31.4%. 

Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor, HNX: VIF) góp hơn 29% lợi nhuận cả ngành, đạt 105.5 tỷ đồng, tăng 58%. Công ty cho biết, dù quý 3 không phát sinh doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản như cùng kỳ, nhưng thị trường một số lĩnh vực khác có dấu hiệu hồi phục. Bên cạnh đó, Công ty phát sinh doanh thu từ thoái vốn công ty con khoảng 25 tỷ đồng, đồng thời chi phí quản lý giảm 23 tỷ đồng, góp phần làm tăng lợi nhuận. 

Đi sâu vào từng mảng kinh doanh chính của Vinafor, doanh thu bán gỗ nguyên liệu chiếm hơn nửa tổng doanh thu quý 3, đạt 200 tỷ đồng (giảm 7%), tuy nhiên, biên lãi gộp mảng này rất mỏng chỉ 1.7%. Trong khi đó, hoạt động cung cấp dịch vụ là mảng sinh lời tốt nhất, đạt tỷ suất lãi gộp 53.5%, theo sau là bán rừng trồng 39%; bán đồ gỗ thành phẩm 26.2%; bán ván nhân tạo 16.5%....

Xét về mức tăng trưởng lợi nhuận ròng quý 3, Thăng Long Deco (TLD)Savimex (SAV) là hai doanh nghiệp đứng đầu, đạt lần lượt 698% và 399% cùng kỳ, cùng chung lý do đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, chính sách bán hàng phù hợp với tình hình thị trường, kiểm soát tốt các chi phí…

Gỗ Đức Thành (GDT) hay Pisico Bình Định (PIS) cũng là những dấu ấn tích cực của ngành, tăng trưởng lợi nhuận ròng lần lượt 93% và 87% cùng kỳ, đạt gần 16 tỷ đồng và hơn 5 tỷ đồng, chủ yếu do cải thiện biên lãi gộp.

Riêng GDT có tỷ suất lãi gộp 42.5%, cải thiện từ mức 30.6% cùng kỳ, cao hơn cả mức 29% năm 2023. Nguyên nhân do tốc độ tăng trưởng giá vốn chậm hơn doanh thu, lần lượt 9% và 31% cùng kỳ.

GDT có biên lãi gộp cao nhất nhiều năm qua

Lãnh đạo Gỗ Đức Thành cho biết, quý 3 doanh thu tăng do khách quay trở lại đặt hàng nhiều hơn trước, và có nhiều doanh thu từ việc cho thuê nhà xưởng. Bên cạnh đó, Công ty thực hiện dồn 3 nhà máy lại thành 1 nên tiết giảm các chi phí quản lý, nhân sự, vận chuyển... Ngoài ra, còn có thêm lợi nhuận từ việc cho thuê nhà xưởng của 2 nhà máy đã dời đi.

"Đại gia" ngành gỗ - Phú Tài (PTB) đứng đầu doanh thu quý 3, đạt 1,485 tỷ đồng, cao hơn 25% cùng kỳ 2023, nhờ do sản lượng tiêu thụ ngành đá, gỗ tăng. Lãi ròng cải thiện 4% lên gần 80 tỷ đồng, hỗ trợ từ các chi phí tài chính, lãi vay giảm và lãi chênh lệch tỷ giá ngoại tệ.

Trong 9 tháng, mảng gỗ của Phú Tài mang về 2,549 tỷ đồng doanh thu, tăng 27%, chiếm 56% tổng doanh thu Công ty; biên lãi gộp cải thiện 2 điểm phần trăm lên 23%. Gỗ đang là mảng có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất của PTB, các thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ và châu Âu.

Bên cạnh những doanh nghiệp "lên hương", vẫn có những công ty "lặn ngụp" trong thua lỗ như Gỗ Trường Thành (TTF)Xuân Hòa (XHC).

Theo đó, Gỗ Trường Thành tiếp tục lỗ hơn 21 tỷ đồng trong quý 3, nâng tổng lỗ 9 tháng lên gần 27 tỷ đồng. Thực tế, doanh nghiệp của đại gia Mai Hữu Tín đã liên tục thua lỗ từ năm 2016-2023, đỉnh điểm 2016 lỗ kỷ lục 1,271 tỷ đồng. Tính đến 30/9/2024, TTF lỗ lũy kế gần 3,268 tỷ đồng.

Công ty cho biết, do thị trường của các khách hàng lớn gặp nhiều khó khăn nên doanh thu xuất khẩu giảm. Công ty đang tập trung mở rộng và tìm kiếm khách hàng mới tại EU, Mỹ, đặc biệt châu Á, Dubai, Australia và Đông Á nhằm tăng sản lượng trong quý 4/2024.

Thông qua công ty con 60% vốn CTCP Đồ gỗ Casadora, Gỗ Trường Thành rót 500,000 USD (gần 13 tỷ đồng tính theo tỷ giá hiện tại) bằng tiền mặt và là vốn chủ sở hữu để thâm nhập thị trường Dubai. Được biết vào 05/06, TTF đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với Casadora.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Với những số liệu xuất khẩu tích cực, các doanh nghiệp cho biết, đơn hàng về đồ gỗ cuối năm 2024 đang tăng trưởng tốt so với đầu năm, và năm 2025 dự báo nhiều tín hiệu tốt được mở ra, trong đó việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ có thể mở ra nhiều lợi thế cho Việt Nam.

Giới đầu tư kỳ vọng với chính sách áp thuế cao hàng hóa từ Trung Quốc của ông Trump, cơ hội xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam vào Mỹ sẽ tăng lên trong thời gian tới; song song đó, xu hướng dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam nhờ lợi thế nguyên liệu, chi phí sản xuất rẻ hơn.

Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn do thị trường đòi hỏi ngày càng cao về tính bền vững, thân thiện với môi trường. Các thị trường xuất khẩu chính đồ gỗ của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn còn những khó khăn do chính sách bảo hộ sản phẩm hàng hoá, thực hiện chặt chẽ quy định về giải trình gỗ bất hợp pháp, quy định về không gây mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu (EUDR)…

Bên cạnh đó, tình hình thế giới tiếp tục có những xung đột địa chính trị, biến động phức tạp, khó lường; tác động giá cước vận tải biển tăng cao dẫn đến giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng khiến giá thành sản phẩm đầu ra tăng. Ngoài ra, việc thiếu hụt container và những hạn chế trong hệ thống logistics cũng làm gia tăng các khó khăn trong quá trình vận chuyển hàng hóa.

Thế Mạnh

FILI

Xem bản gốc