Bức tranh chưa bao giờ tươi sáng đối với các công ty nước ngoài tại Trung Quốc, ít nhất là theo Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế. Trong một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, chưa đến một nửa số doanh nghiệp được hỏi lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Trung Quốc trong 5 năm tới—một mức thấp kỷ lục.
Những thập kỷ trước đây, các ông chủ phương Tây coi Trung Quốc không chỉ là nơi sản xuất hàng hóa giá rẻ mà còn là thị trường rộng lớn đang phát triển. Doanh số bán hàng tại Trung Quốc của các công ty Mỹ và châu Âu đạt đỉnh 670 tỷ USD vào năm 2021, chiếm 15% tổng doanh thu.
Tuy nhiên, mọi thứ đã đi xuống kể từ đó. Năm ngoái, doanh số bán hàng giảm xuống còn 650 tỷ USD, trong khi tỷ lệ trên tổng doanh thu giảm xuống còn 14%. Năm nay không có dấu hiệu nào cho thấy một tương lai khả dĩ hơn.
Các công ty đang phải đối mặt với tình trạng doanh số bán hàng sụt giảm bao gồm Apple, Volkswagen, Starbucks, LVMH...
“Lúc này, chúng ta đáng lẽ phải chuyển hướng”, ông chủ khu vực của một công ty toàn cầu phàn nàn. Một giám đốc điều hành nước ngoài khác than thở rằng những ngày tăng trưởng mạnh mẽ tại Trung Quốc dường như đã qua.
Nguyên do đến từ nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Một cuộc khủng hoảng nhà ở đã khiến giá bất động sản trên khắp cả nước giảm mạnh, đồng thời làm người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng hơn bất kỳ lúc nào. Chính quyền tuyên bố sẽ làm mọi cách phục hồi nền kinh tế song sau nhiều tháng, mọi thứ vẫn không cải thiện là bao. Doanh số bán bất động sản vẫn đang giảm so với năm ngoái và có thể sẽ tiếp tục giảm cho đến tận năm 2025.
Áp lực giảm phát đang gây tổn hại cho tất cả các công ty tại Trung Quốc, không chỉ riêng các doanh nghiệp nước ngoài, theo Bo Zhengyuan của Plenum, một công ty tư vấn tại Bắc Kinh. Có tới 27% các công ty công nghiệp Trung Quốc đang thua lỗ vào cuối tháng 10. Nguồn cung quá mức trong nhiều ngành công nghiệp, từ xe điện ( EV ) đến vật liệu xây dựng, đã dẫn đến cuộc chiến giá cả khốc liệt.
Bản thân các công ty phương Tây cũng đang bị đối thủ Trung Quốc vượt mặt. Chẳng hạn, Starbucks phải nhường lại thị phần cho Luckin Coffee - đối thủ ‘cây nhà lá vườn’ với hơn 21.000 cửa hàng. Brian Niccol, ông chủ mới của Starbucks, cho biết công ty phải đối mặt với sự cạnh tranh vô cùng cực đoan.
Trong nhiều ngành công nghiệp, các công ty phương Tây không còn có cơ hội tận hưởng lợi thế công nghệ. Các nhà sản xuất robot công nghiệp Trung Quốc hiện độc chiếm gần một nửa thị trường địa phương, tăng từ mức chưa đến 30% vào năm 2020. Những rắc rối của Apple cũng trở nên trầm trọng hơn khi chiếc điện thoại thông minh hào nhoáng của Huawei ra mắt vào ngày 26 tháng 11.
Vào ngày 2 tháng 12, Mỹ ra các hạn chế mới đối với việc bán các công cụ sản xuất chip cho một số công ty Trung Quốc. Điều này được cho là sẽ gây tổn hại cho các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn của Mỹ như Applied Materials, Lam Research và KLA, ASML. Các doanh nghiệp chip phương Tây khác cũng có thể bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, cổ phiếu các nhà sản xuất rượu mạnh châu Âu bao gồm Rémy Cointreau và Pernod Ricard giảm mạnh vào tháng 10 sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, dường như để trả đũa mức thuế đắt đỏ bị EU áp lên xe điện. Nếu ông Donald Trump thực hiện lời đe dọa tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, cuộc sống của các công ty Mỹ có lẽ sẽ còn khó khăn hơn nữa.
Ông David Zervos, giám đốc chiến lược thị trường tại Ngân hàng đầu tư Jefferies, nhận định rằng những lời đe dọa áp thuế của Donald Trump chỉ là “nước cờ mở đầu” nhằm giúp ông giành lợi thế trong các cuộc đàm phán với đối tác thương mại.
“Mọi người đang cố gắng hiểu những phát ngôn của (ông Trump) theo nghĩa đen, dù chúng ta biết đó không phải cách nên hiểu”, ông Zervos bình luận trên Đài NBC.
Theo phân tích của Trung tâm Chính sách thuế vào tháng 10-2024, chính sách tăng thuế nhập khẩu của ông Trump có thể làm tăng chi phí trung bình của mỗi hộ gia đình Mỹ thêm 3.000 USD trong năm 2025. Bà Marianela Collado, CEO và cố vấn tài chính cấp cao tại Tobias Financial Advisors, cho rằng các hộ gia đình Mỹ có thu nhập thấp và trung bình sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trước đây, vào những năm 1970, Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới khi bắt đầu cho phép các nhà sản xuất quốc tế mở cửa hàng và sản xuất đồ giá rẻ trong biên giới của mình. Ban đầu, các nhà máy Trung Quốc chỉ sản xuất các sản phẩm như đồ chơi bằng nhựa, sau dần chuyển sang các mặt hàng phức tạp hơn như máy tính cá nhân, điện thoại thông minh và ô tô.
Ngành công nghiệp của Trung Quốc dường như đã trưởng thành kể từ đó: sản xuất các sản phẩm công nghệ đắt tiền với chi phí thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh phương Tây. Hàng tỷ USD tiền trợ cấp của nhà nước đã thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc hướng tới sự tự chủ trong sản xuất tiên tiến. Chỉ riêng trong năm 2019, chi tiêu công nghiệp của chính phủ Trung Quốc ước tính đạt 406 tỷ USD, tương đương 2% GDP, gần gấp 5 lần số tiền mà Mỹ chi cho các ngành công nghiệp của mình trong năm đó.
Tất cả thôi thúc ngày càng nhiều ‘đại bàng’ Mỹ tới Trung Quốc ‘làm tổ’. Trong năm 2020, Trung Quốc lần đầu tiên vượt Mỹ về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đồng thời trở thành nước đứng đầu thế giới về FDI, theo CNN.
Tiếc là, ‘giấc mơ Trung Quốc’, phần vì căng thẳng thương mại và bất ổn kinh tế, đang bị bỏ ngỏ. Nhiều tập đoàn lớn, sau khi nhận ra quá phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại đại lục, đã phải tìm đến các quốc gia khác để lấp đầy khoảng trống về nguồn cung.
Theo: The Economist