Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết trong giai đoạn này có 18/63 tỉnh, thành phố bố trí quỹ đất độc lập; 35/63 tỉnh, thành phố bố trí quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại… để phát triển nhà ở xã hội. Việc địa phương chưa bố trí thỏa đáng quỹ đất là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chưa đạt chỉ tiêu về phát triển nhà ở xã hội.
Mặt khác, quy định bắt buộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại những đô thị từ loại III trở lên phải dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cũng gặp vướng mắc trong thực tiễn.
BẤT CẬP TRONG TRIỂN KHAI QUỸ ĐẤT 20%
Công tác bố trí quỹ đất 20% đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tuy đã thể hiện ở văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, nhưng thực tế phần diện tích 20% quỹ đất lại chưa được xác định vị trí cụ thể, có trường hợp chưa hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hoặc chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật; chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thường kéo dài thời gian thực hiện, chậm triển khai dự án nhà ở xã hội trên phần đất 20%, chậm bàn giao quỹ đất 20% tại dự án cho Nhà nước…
Đối với vị trí khu vực phát triển nhà ở xã hội, kết quả giám sát cho thấy một số đồ án quy hoạch phân khu xây dựng đô thị, quy hoạch phát triển nhà ở, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 tại địa phương không xác định cụ thể vị trí khu vực phát triển nhà ở xã hội dẫn đến khó triển khai thực hiện. Trong đó, Hà Nội mới chỉ xác định chức năng là đất ở cao tầng hoặc thấp tầng, loại hình nhà ở mà chưa căn cứ vào nhu cầu nhà ở xã hội còn thiếu đến năm 2020 để bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội phù hợp. Tương tự, ở TP.HCM, đồ án quy hoạch phân khu xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 của 3 quận trên địa bàn đã không xác định cụ thể vị trí khu vực phát triển nhà ở xã hội.
Bên cạnh quỹ đất, Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá việc bố trí vốn, huy động vốn phát triển nhà ở xã hội cũng khó khăn và chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Cụ thể, Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP dù triển khai từ năm 2015, tuy nhiên đến năm 2018, ngân sách Nhà nước mới cấp nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai cho vay; đến nay, các tổ chức tín dụng được chỉ định chưa được cấp nguồn vốn cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay. Vì vậy, doanh số giải ngân của chương trình thấp.
Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 43/2021/QH15 của Quốc hội và Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có hỗ trợ cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư, do thời gian hỗ trợ ngắn nên không thu hút được chủ đầu tư. Đặc biệt, về trình tự, thủ tục cho vay theo quy trình, hướng dẫn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, còn có điểm chưa phù hợp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, theo ông Thanh, rất nhiều địa phương phản ánh việc vay vốn từ gói tín dụng vẫn thực hiện theo quy định chung của ngân hàng, với yêu cầu về điều kiện vay vốn tương tự đối với dự án kinh doanh thương mại khác. Bên cạnh đó, không ít chủ đầu tư cho rằng thủ tục UBND cấp tỉnh công bố danh mục dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay vốn theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ là không cần thiết, thêm tầng nấc nên cần bãi bỏ thủ tục này.
SẼ MỞ RỘNG, TẠO QUỸ ĐẤT XÂY DỰNG NHÀ Ở XÃ HỘI
Vì vậy, Đoàn giám sát kiến nghị một số nhiệm vụ cần thực hiện ngay, đó là tham mưu cho Quốc hội phân bổ vốn đầu tư công thỏa đáng thực hiện nhiệm vụ “Nhà nước tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê khu vực đô thị bằng nguồn vốn đầu tư công” theo Chỉ thị số 34/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Bố trí đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội, bao gồm: chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo và nhà ở cho người có thu nhập thấp tại đô thị; vốn hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội cho Ngân hàng Chính sách xã hội và cấp bù lãi suất cho ngân hàng thương mại theo chỉ định để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận với nhà ở xã hội.
Có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư tiếp cận tín dụng; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng với điều kiện cho vay tín dụng ưu đãi, thủ tục xét duyệt rút gọn.
Tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai hiệu quả gói 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ. Khuyến khích các ngân hàng thương mại tiếp tục tiết giảm chi phí nhằm phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Nghiên cứu xây dựng chương trình tín dụng phù hợp; trong đó, Nhà nước hỗ trợ, cấp bù lãi suất, hỗ trợ cho ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư, người mua nhà vay trong thời gian nhất định.
Đồng tình với những kiến nghị nêu trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá vốn là vấn đề then chốt để phát triển dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên tới đây, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm về việc lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương. Trong đó, làm rõ mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, lực lượng vũ trang nhân dân…; triển khai, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2024 và cả giai đoạn của Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 49-2024 phát hành ngày 02/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1102