Ngày 26/11, tại phiên thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác thi hành án, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã làm rõ thêm một số nội dung.
QUÁ TRÌNH THI HÀNH ÁN DÂN SỰ BỊ KÉO DÀI DO VIỆC THẨM ĐỊNH GIÁ CHƯA SÁT VỚI THỰC TẾ
Đề cập đến công tác định giá, thẩm định tài sản thi hành án, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết trong thời gian qua, qua công tác thanh tra, kiểm tra tại các địa bàn, Chính phủ nhận thấy có nhiều trường hợp quá trình tổ chức thi hành án dân sự kéo dài do việc thẩm định giá chưa sát với thực tế dẫn đến một số tổ chức tín dụng yêu cầu định giá lại vì cho rằng kết quả thẩm định thấp hơn nhiều lần so với kết quả định giá trước khi cho vay, hiện tượng này là tương đối phổ biến.
Một số vụ việc định giá lại quá cao so với thực tiễn kinh tế - xã hội của địa phương dẫn đến phải giảm giá nhiều lần trong khi đấu giá tài sản thi hành án.
Hiện tượng thông đồng, dìm giá, thao túng nhằm trục lợi trong thẩm định giá, đấu giá tài sản thi hành án vẫn là một nguy cơ tiềm ẩn lớn.
Để khắc phục vấn đề này, thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu với Chính phủ triển khai đồng bộ các giải pháp để chỉ đạo liên ngành tài chính - thi hành án vào cuộc quyết liệt hơn trong phòng ngừa, cảnh báo và xử lý kịp thời.
Về công tác kiểm sát thi hành án, trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân tối cao để chủ động kiểm soát đối với các vụ việc phức tạp được dư luận xã hội quan tâm, không để xảy ra sai sót, oan sai trong quá trình tổ chức thi hành án.
Về đề nghị Chính phủ nâng cao chất lượng xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh rằng Bộ Tư pháp đang trong quá trình soạn thảo dự án Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi).
Theo chương trình, dự án Luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10 vào tháng 10/2025.
VÌ SAO SỐ LƯỢNG ÁN HÀNH CHÍNH TỒN ĐỌNG QUA CÁC NĂM VẪN CAO ?
Đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn Quảng Trị, đề cập đến tình hình giải quyết các vụ án hành chính gia tăng qua các năm.
Nhiều trường hợp người phải thi hành án là người trong các cơ quan nhà nước đã không tự nguyện thi hành án làm cho vụ việc tồn đọng, kéo dài.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết số lượng án hành chính thi hành xong tăng cao mà số án hành chính tồn đọng qua các năm vẫn tăng là do số lượng án hành chính tăng cao nhưng số lượng án thi hành xong chưa đạt yêu cầu.
Đây cũng là vấn đề rất trăn trở đối với Bộ Tư pháp, vốn là cơ quan có nhiệm vụ theo dõi, quản lý thi hành án hành chính.
Trước tình hình đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao tiến hành tổng kết Luật Tố tụng hành chính, tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 chỉ thị để chỉ đạo công tác thi hành án hành chính, ban hành 7 văn bản để chỉ đạo; tổ chức theo dõi đối với 100% bản án quyết định về hành chính có nội dung thi hành; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành trung ương về thi hành án hành chính đối với 7 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; chỉ đạo làm việc với Ủy ban nhân dân của 7 tỉnh về thi hành án hành chính.
"Mặc dù vậy, tính đến hết tháng 9/2024 tỷ lệ thi hành án hành chính xong mới đạt 45,41% và từ nay đến cuối năm sẽ cố gắng hết sức nhưng có thể khẳng định rằng rất khó có thể đạt được tỷ lệ 100% như đại biểu nêu", Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho hay.
Theo Bộ trưởng, qua phân tích cho thấy có những nguyên nhân chủ quan từ ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải thi hành án và vấn đề kỷ cương, kỷ luật trong công tác thi hành án.
Về nguyên nhân khách quan, theo quy định hiện hành thi hành án hành chính thực chất là quá trình cơ quan nhà nước thực hiện một quy trình ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính mới theo quy định của pháp luật.
Do vậy, phải thực hiện trình tự thủ tục mất nhiều thời gian, trong khi đó theo thống kê cho thấy trên 90% các bản án quyết định của tòa án về vụ án hành chính phải thi hành đều liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai.
Đây là lĩnh vực hết sức phức tạp, các vụ tranh chấp, khiếu kiện thường có lịch sử kéo dài nhiều năm, đã qua nhiều cấp, nhiều ngành để giải quyết, hiện trạng quản lý sử dụng đất theo đó cũng đã có rất nhiều biến động.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 312 Luật Tố tụng hành chính; Điều 7, Điều 8 Nghị định 71 năm 2016 thì trách nhiệm thi hành án hành chính là của người phải thi hành, ở đây là cơ quan hành chính hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính. Việc cưỡng chế thi hành án hành chính chưa được đặt ra trong quy định pháp luật hiện nay.
Do đó, thi hành án hành chính là cơ chế tự thi hành phụ thuộc nhiều vào ý thức, trách nhiệm và tính tự giác của cơ quan, người phải thi hành án.
Ngoài ra còn các nguyên nhân như người dân lựa chọn khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính ra tòa án mà không thực hiện theo trình tự, thủ tục khiếu nại...