Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Giải pháp nào tăng tính hấp dẫn

Báo xây dựng 1 Tuần trước

Dự kiến trong tháng 1-2025, cơ quan chức năng sẽ hoàn tất các thủ tục để đấu giá quyền thuê 84 điểm (hơn 14.000m2) tầng 1 tại các chung cư tái định cư trên địa bàn Hà Nội.

Tuy nhiên, một số hạn chế về công năng sử dụng và cách thức đấu giá hiện nay khiến phần diện tích này chưa hấp dẫn với người có nhu cầu thuê.

Giải pháp nào tăng tính hấp dẫn?
Tầng 1 của một chung cư tái định cư tại đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) hiện đóng cửa, chưa có hoạt động kinh doanh.

Hơn 14.000m2 tầng 1 chung cư để trống

Trên địa bàn Thủ đô hiện có nhiều khu chung cư tái định cư dù ở vị trí khá đắc địa như Bắc Linh Đàm, Đền Lừ, Định Công, Cầu Giấy... nhưng toàn bộ mặt bằng diện tích kinh doanh dịch vụ ở tầng 1 bị bỏ trống suốt thời gian dài. Thực trạng này dẫn tới phần “mặt tiền” các chung cư rơi vào cảnh đìu hiu, vắng lặng, xuống cấp. Trong khi đó, cộng đồng dân cư lại thiếu các dịch vụ thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày.

Lý giải về việc này, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu làm rõ 2 giai đoạn. Cụ thể, trước năm 2021, tất cả phần diện tích tầng 1 các chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố được cho thuê theo hình thức chỉ định. Tuy nhiên, từ tháng 3-2021, UBND thành phố ban hành Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND quy định đấu giá cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại các nhà chung cư tái định cư, nhà ở xã hội và diện tích kinh doanh dịch vụ do các chủ đầu tư dự án nhà ở bàn giao lại cho UBND thành phố Hà Nội. Theo đó, tất cả diện tích trên phải đấu giá quyền thuê.

Tuy nhiên, từ thực tiễn đấu giá, đấu thầu quyền cho thuê được tổ chức trước đây, ông Nguyễn Xuân Lưu chỉ ra một số khó khăn. Cụ thể, năm 2022, Sở Xây dựng đã xây dựng đề án giá thuê, Sở Tài chính đã phê duyệt. Các đơn vị phối hợp tổ chức đấu thầu 59 điểm với tổng diện tích 9.000m2 trong tổng số 15.000m2 diện tích kinh doanh dịch vụ tại các chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố. Kết quả chỉ có 8 điểm (917m2) được đấu thầu thành công, đạt 10% số diện tích phê duyệt giá để đấu giá. Hơn 14.000m2 còn lại vẫn đang “cửa đóng then cài”.

Nguyên nhân khiến đấu giá diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 nhà chung cư tái định cư kém hấp dẫn một phần xuất phát từ những yếu tố khách quan như việc đấu giá được tổ chức trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Đây cũng là giai đoạn phương thức kinh doanh có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ loại hình truyền thống, mua bán trực tiếp sang kinh doanh online, khiến cho mặt bằng kinh doanh, thậm chí tại các trung tâm thương mại sầm uất hay cửa hàng trên các tuyến phố lớn của Thủ đô đều rơi vào tình trạng ế ẩm.

Tiếp tục triển khai đấu giá quyền thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại các chung cư tái định cư, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, tháng 6-2024, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội (đơn vị được thành phố giao quản lý hơn 15.700m2 diện tích mặt bằng kinh doanh dịch vụ tại các chung cư tái định cư của thành phố) được giao dự toán, thuê đơn vị lập giá, làm cơ sở xác định giá khởi điểm đấu giá quyền thuê.

Kiến nghị nhiều giải pháp gỡ khó

“Tháng 11-2024, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội tiếp tục đề xuất việc tổ chức đấu giá với 14.000m2 còn lại. Trên cơ sở đó, Sở Tài chính đã phê duyệt giá để đấu giá vào tháng 12-2024 và tháng 1-2025, với hy vọng nhiều người tham gia để có giá đấu thầu tốt. Tuy nhiên, để bảo đảm tất cả phần diện tích đưa ra đều được trúng đấu giá thì khó vì những lý do khách quan và chủ quan: Người tham gia đấu giá, diễn biến của thị trường”, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu thẳng thắn nêu.

Để quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công trên địa bàn thành phố, ngày 10-3-2023, HĐND thành phố Hà Nội thông qua Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030; UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện và nội dung này đã được triển khai mạnh mẽ, có kết quả bước đầu quan trọng, là tiền đề để thực hiện các bước tiếp theo. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng phát sinh một số khó khăn về cơ chế quản lý quỹ nhà mang tính cá biệt này.

Về giải pháp khắc phục, Sở Tài chính cùng Sở Xây dựng đã trình UBND thành phố đề xuất chuyển đổi một phần diện tích kinh doanh dịch vụ tại các chung cư tái định cư sang công năng công cộng, đặc biệt ưu tiên chuyển thành nhà sinh hoạt cộng đồng, phục vụ các hoạt động công cộng cho cư dân, các hoạt động của tổ dân phố... Bên cạnh đó, để tăng thêm sức hấp dẫn, thay vì tổ chức đấu giá từng ô nhỏ lẻ, Sở Tài chính đang nghiên cứu đề xuất đấu giá cả khu vực để hình thành các chuỗi cửa hàng. “Từ kết quả của việc đấu giá 14 ô nhỏ lẻ sắp tới, Sở Tài chính sẽ kiến nghị thành phố thay đổi hình thức đấu thầu như trên. Các đơn vị kinh doanh với tiêu chí “ô nọ bù ô kia” sẽ nhiệt tình tham gia để đấu thầu cả khu vực”, ông Nguyễn Xuân Lưu nêu.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, liên quan đến cơ chế cho thuê, liên doanh liên kết đấu thầu, về mặt thể chế, cơ chế chính sách đã đầy đủ. Các sở, ngành, đơn vị theo đúng chức năng quản lý đang tham mưu ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn và định mức giá để tập trung triển khai. UBND thành phố cũng thống nhất cao với đề xuất của các đơn vị về việc chuyển đổi công năng phần diện tích tầng 1 sang mục đích phục vụ sinh hoạt cộng đồng với các tòa nhà còn thiếu thiết chế văn hóa công cộng, như bố trí làm thư viện, phục vụ hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em.

Xem bản gốc