(Xây dựng) – Những đề xuất giải pháp nhà ở phù hợp theo các vùng miền nhằm đáp ứng điều kiện an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, bão, lũ, thiên tai như vừa qua đã được Bộ Xây dựng thông tin cụ thể tại Họp báo thường kỳ quý III/2024.
Các mẫu thiết kế nhà ở cần phải đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng. |
Theo đó, nhằm triển khai thực hiện hiệu quả chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, hiện nay, Bộ Xây dựng đang dự thảo văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, thiết kế tối thiểu 3 mẫu nhà ở điển hình (kèm theo dự toán kinh phí, dự trù vật liệu chủ yếu) để người dân tham khảo, lựa chọn xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Các mẫu thiết kế nhà ở cần phải đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, nhà ở phải có diện tích sử dụng tối thiểu 30m2 (đối với hộ độc thân; hộ người cao tuổi không nơi nương tựa thì không thấp hơn 18m2); đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng); có đầy đủ công năng sử dụng. Tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.
Các bộ phận nền - móng, khung - tường, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy. “Nền - móng cứng” là nền - móng nhà làm bằng các loại vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như vữa xi măng - cát, bê tông, bê tông cốt thép, gạch, đá, gạch lát, gỗ.
“Khung - tường cứng” bao gồm hệ thống khung, cột, tường kể cả móng đỡ. Tùy điều kiện cụ thể, khung, cột được làm từ các loại vật liệu gồm bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc. Tường xây gạch/đá hoặc làm từ gỗ bền chắc.
“Mái cứng” gồm hệ thống đỡ mái và mái lợp. Tùy điều kiện cụ thể, hệ thống đỡ mái có thể làm từ các loại vật liệu gồm bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc. Mái làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói.
Trường hợp mái bằng tôn lợp giả ngói, tôn lạnh, tôn cách nhiệt, tôn cán sóng và có kết cấu đỡ chắc chắn (khung sắt, thép, gỗ bền chắc) liên kết bền chặt với tường xây, cột bê tông cốt thép thì mái tôn trong trường hợp này được coi là vật liệu bền chắc.
Đối với khu vực có bão, ngập lụt, ngoài các yêu cầu như trên, nhà ở còn phải bảo đảm khả năng phòng, tránh bão như mái phải được làm bằng vật liệu có chất lượng tốt, đảm bảo khả năng phòng, tránh bão.
Nhà ở phải có sàn cao hơn mức ngập lụt thường xuyên tại khu vực được làm từ các loại vật liệu bền chắc, ví dụ như bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc. Tường xây gạch, đá hoặc làm từ gỗ bền chắc.
Nhằm đảm bảo sự phù hợp theo các vùng miền, ngoài việc đảm bảo các tiêu chí như trên, Bộ Xây dựng cũng đã yêu cầu các địa phương có giải pháp về kiến trúc nhà ở phù hợp, khai thác được nét đẹp về văn hóa, phong tục, tập quán và đặc điểm riêng của địa phương (nếu có), góp phần làm đẹp diện mạo khu vực nông thôn mới.
Bên cạnh đó, cần căn cứ vào điều kiện thực tế trên địa bàn để thiết kế, ví dụ như các bộ phận nhà ở có thể làm bằng các loại vật liệu có chất lượng tương đương có sẵn tại địa phương đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo thời hạn sử dụng.