Những mô hình thoát nghèo
Điển hình như mô hình chăn nuôi bò liên kết theo chuỗi giá trị được triển khai trên địa bàn xã Trà Tân và Trà Giang cho 39 hộ nghèo và cận nghèo. Theo đó, mỗi hộ được cấp 3 con bò, đến nay đã phát huy hiệu quả về năng suất, chất lượng, trở thành mô hình sinh kế giảm nghèo cho người dân. Tại đây, các hộ cùng nhau dựng một chuồng chăn nuôi dài với nhiều ngăn, mỗi hộ nhốt bò trong một ngăn, cùng nhau chăm sóc đàn bò từ 15 - 20 con. Các hộ trong nhóm sẽ phân công nhau luân phiên chăm sóc, chăn thả đàn bò.
Tương tự, tại xã Sơn Trà, bằng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2023 xã triển khai dự án nuôi bò theo nhóm cộng đồng cho 14 nhóm hộ (với 79 hộ tham gia nuôi 227 con bò giống).
Theo chia sẻ của anh Hồ Văn Diệu, Trưởng thôn Hà, xã Sơn Trà, trưởng nhóm cộng đồng tổ 2 thôn Hà: Mỗi thôn có từ 2 - 3 nhóm hộ (từ 5 - 6 hộ), mỗi ngày có 2 hộ sẽ đảm nhiệm việc chăn thả, cho bò ăn.
“Dự án nuôi bò cộng đồng đã góp phần hạn chế tình trạng thả rông, bà con biết chăm sóc đàn bò tốt hơn. Khi thu lợi nhuận từ đàn bò sẽ góp vốn quay vòng cho các hộ muốn tham gia mô hình vay vốn mua bò để cùng nuôi, mở rộng nhóm hộ để cùng nhau phát triển kinh tế”, anh Hồ Văn Diệu cho biết.
Còn với chị Hồ Thị Nga, người Cor, ở xã Trà Tây, với nguồn vốn được hỗ trợ, chị đã mạnh dạn trồng gần 60.000 cây quế và cây keo, tận dụng diện tích vườn đồi để nuôi gà, nuôi heo rừng lai. Nhờ đó, gia đình chị đã có thu nhập ổn định. Tính riêng cây quế mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình chị khoảng 80 triệu đồng, cùng với đó là những khoản thu nhập từ chăn nuôi. Không chỉ thành công trong phát triển kinh tế gia đình, chị Nga còn đi đầu trong mọi hoạt động địa phương và nhiệt tình giúp đỡ nguồn vốn và kỹ thuật cho chị em đồng bào Cor tại địa phương.
Hay như gia đình anh Hồ Văn Lách, ở thôn Trung, xã Trà Sơn, đầu năm 2023, anh được hỗ trợ 2 con bò giống, được tập huấn cách làm chuồng trại, trồng cỏ nuôi bò, đến cuối năm 2023 vợ chồng anh đã có việc làm ổn định, vươn lên thoát khỏi diện hộ nghèo.
Những tín hiệu vu
Hiện nay, huyện Trà Bồng đã triển khai dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết 260ha cây quế với tổng kinh phí trên 9,5 tỷ đồng cho 192 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn 4 xã Trà Lâm, Trà Sơn, Trà Thủy và Trà Hiệp. Dự án hướng đến mục tiêu phát triển cây quế với sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao, xây dựng thương hiệu “Cây quế Trà Bồng”, giúp đồng bào DTTS thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn dành cho hộ nghèo và đồng bào DTTS, hướng dẫn bà con cách trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất, thoát nghèo.
Ông Trần Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết: Thời gian qua, huyện đã tổ chức khảo sát thực tiễn công tác giảm nghèo ở 16 xã trên địa bàn huyện, nắm nhu cầu cụ thể của từng thôn, hộ dân để có biện pháp chỉ đạo công tác giảm nghèo. Huyện Trà Bồng đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp cụ thể, phát huy tối đa nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn và nguồn nội lực để giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tiếp tục huy động các nguồn lực để triển khai các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập, hướng tới giảm nghèo bền vững...
Thời gian qua cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp huyện Trà Bồng đã có nhiều nỗ lực trong công tác giảm nghèo bằng nhiều mô hình phát triển kinh tế cho đồng bào DTTS. Đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn hơn 29%. Năm 2024, huyện đề ra chỉ tiêu giảm 10% hộ nghèo, tương đương 1.510 hộ thoát nghèo. Trà Bồng đang nỗ lực phấn đấu cơ bản thoát khỏi huyện nghèo vào cuối năm 2025.